Trông chờ vào Quốc hội

(PLVN) - Đã từ lâu, diễn đàn Quốc hội không còn là một nơi xa cách với người dân mà mỗi kỳ họp Quốc hội người dân chú tâm theo dõi, chờ đợi để thấy những vấn đề mình quan tâm được giải quyết như thế nào. Có cả việc quốc gia đại sự và cũng có những vấn đề thiết thực, liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 đang diễn ra tại Hà Nội
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 đang diễn ra tại Hà Nội

Chẳng hạn như việc tăng giá điện, những giải trình của Bộ Công Thương có thể không được quan tâm bằng cái cách mà Quốc hội xem xét và đề nghị xử lý ra sao. Nếu Quốc hội đồng tình với việc giải trình đó mà cho qua mọi chuyện thì ắt hẳn niềm tin của các cử tri vào đại biểu do mình bầu ra sẽ giảm sút ít nhiều.

Nhưng, chắc chắn, sự kỳ vọng đã đặt đúng chỗ khi trên diễn đàn Quốc hội đã có ý kiến đề nghị phải kiểm toán toàn bộ báo cáo tài chính của EVN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sau khi "bạch hóa" tiến trình tăng giá điện cũng có yêu cầu như vậy.

Hoặc, một sự kiện pháp lý đang rất nóng là việc khởi tố vụ án Công ty Nhật Cường ở Hà Nội, mọi cố gắng tiếp cận thông tin của báo giới với chính quyền thành phố đều không như mong muốn. Thì đây, một đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Hà Nội, bà Trần Quốc Khánh đã thẳng thắn nêu vấn đề này tại buổi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, cho rằng, cần làm rõ doanh nghiệp sai phạm gì, nói cho dân biết đằng sau có “lợi ích nhóm” không, có phải đụng chạm đến ai đó nên dằn mặt nhau hay không. Đặc biệt, bà nhấn mạnh: "Đến đại biểu còn không biết thông tin thì dân biết thế nào?". Trong khi đó, Hà Nội có công văn đề nghị Ban Tuyên giáo TƯ chỉ đạo báo chí không đưa tin suy diễn, chờ những thông tin chính thức từ cơ quan điều tra.

Cùng một động thái tương tự, chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị báo chí "không thông tin sâu" vào vụ hơn 1.200 m2 đất giao cho doanh nghiệp rồi bán lại cho vợ nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này do Kiểm toán Nhà nước phát hiện ra.

Những diễn biến như vậy càng làm cho người dân trông chờ vào Quốc hội, mong muốn những vấn đề họ quan tâm được công khai, minh bạch và đặc biệt là người chịu trách nhiệm phải trả lời về những vấn đề đó.

Ví dụ như các sai phạm trong lĩnh vực giáo dục, nổi cộm là gian lận thi cử hồi năm ngoái, các đại biểu đã đề cập hết sức quyết liệt, yêu cầu làm đến nơi, đến chốn và tỏ ra sốt ruột trước sự vô can của Bộ Giáo dục. Chắc hẳn người dân hài lòng trước những ý kiến mà chính bản thân họ cũng mong muốn được bày tỏ.

Có những việc cụ thể, có sức thuyết phục như ý kiến của đại biểu Lê Thu Hà cho rằng "giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố" mà tăng cao hơn nhiều. Tất cả những cái đó hướng tới một sự minh bạch, tiền đề và bảo đảm cho niềm tin của nhân dân vào sự quản lý, điều hành đất nước. 

Đọc thêm