Cầu Rồng phải là độc nhất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàng nghìn năm nay, rồng trở thành một phần tất yếu trong đời sống văn hóa của người Việt. Từ truyền thuyết, rồng hóa thân thành biểu tượng thiêng liêng tối thượng trong các công trình kiến trúc, điêu khắc, hội họa,... Rồng của Cầu Rồng Đà Nẵng là minh chứng cho một sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại - một công trình được xem là biểu tượng của thành phố ven biển.
Cầu Rồng phải là độc nhất

Dáng Rồng mang nét riêng Việt Nam

Ngày 19/7/2009, cầu Rồng do Công ty Louis Berger (Mỹ) thiết kế, vượt qua 17 thiết kế khác, được lãnh đạo thành phố chọn lựa để chính thức khởi công và đưa hạn hoàn thành nhân dịp chào mừng 38 năm giải phóng thành phố (29/3/2013). Còn nhớ lời ông Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng từng nói, nếu làm một cây cầu chỉ để vượt sông, có lẽ các kỹ sư đã không phải bỏ nhiều công sức. Nhưng cầu Rồng đòi hỏi những giải pháp thi công tiên tiến, mới mẻ, độc nhất, thậm chí chưa từng gặp trên thế giới. Từ yêu cầu đó đã có sự kết hợp hòa quyện giữa thép, bê-tông nhằm bảo đảm tính nghệ thuật và công năng.

Đến đầu năm 2012, qua gần 2,5 năm thi công, Đà Nẵng tiếp tục phát thư mời nhiều họa sĩ, điêu khắc có tiếng trong cả nước để đưa ra ý tưởng thiết kế đầu rồng cho cây cầu. Và cuối cùng, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng được chọn. Nói đến cái tên điêu khắc gia Phạm Văn Hạng chắc không còn xa lạ với nhiều người. Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, nhưng hiện tại ông đã chọn Đà Lạt làm quê hương thứ hai. Dù tuổi cao, song ông vẫn miệt mài sáng tạo và đi khắp cả nước. Do vậy, phải cơ duyên lắm mới gặp được ông, nghe ông chia sẻ về cầu Rồng.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng. Ảnh: NVCC

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng. Ảnh: NVCC

Ông Hạng kể, dù được chọn thiết kế đầu rồng, nhưng lãnh đạo Đà Nẵng lúc bấy giờ vẫn chưa chấp thuận ngay ý tưởng của ông. Khi đó, đối với Công ty Louis Berger từ đầu cũng đã có thiết kế đầu rồng, nhưng không được lãnh đạo TP Đà Nẵng đồng ý. Bởi nó mang dáng dấp đầu rồng của Tây, của Mỹ, không phải đầu rồng châu Á và lại càng không phải đầu rồng Việt Nam. Vì thế ông đã đến nhiều bảo tàng trong nước tìm kiếm các mẫu đầu rồng thực sự Việt. Mãi đến khi ông Hạng trình bày rồng thời Lý có đặc điểm cấu tạo khác hẳn các hình rồng thời trước hoặc cùng thời ở Trung Quốc (Hán, Đường, Tống), mới thật sự được chấp thuận.

Đầu rồng ngẩng lên, không có sừng, miệng há to, mép trên không có mũi, kéo dài thành một cái vòi uốn mềm mại, vươn lên cao… Rồng thời Lý toát lên sự mạnh mẽ song vẫn mang dáng dấp hiền hòa, mềm mại chứ không dữ dằn, tung hoành đầy vẻ quyền lực vua chúa. Điều đó rất phù hợp với một đất nước đang trên đường hội nhập, giang tay chào đón bạn bè quốc tế của Việt Nam. Hơn nữa, là người đến sau, khi thiết kế đang thi công giai đoạn cuối, đầu Rồng khi ông Hạng đưa ra, phải bảo đảm yêu cầu tuân theo khung kỹ thuật có sẵn của đơn vị thiết kế về tỷ lệ, sức tải, bố cục, chất liệu... Về tổng thể bố cục phải hài hòa, lúc nhìn gần có đủ thời gian thưởng lãm qua các chi tiết, đường nét; lúc đứng cách xa sẽ nhìn thấy dáng điệu cây cầu.

Ông Hạng tiết lộ những điều ít được biết về cầu Rồng với tác giả. Ảnh: Vân Anh

Ông Hạng tiết lộ những điều ít được biết về cầu Rồng với tác giả. Ảnh: Vân Anh

Đôi mắt trái tim, đầu vươn ra biển lớn

Sau một hồi ngược lại quá khứ, ông Hạng vui vẻ tiết lộ: “Điểm nhấn của đầu rồng nằm ở đôi mắt thiết kế theo hình trái tim. Nó cho thấy hình tượng rồng Đà Nẵng ẩn chứa biểu tượng nhân văn thời đại, tính Đà Nẵng trữ tình, nhìn cuộc đời bằng lòng nhân ái. Và phải là trái tim được tôi nhiều lần bảo lưu quan điểm, để con rồng là duy nhất có sự khác biệt giữa rồng quá khứ và rồng Đà Nẵng”.

Ông Hạng cho biết, thiết kế đuôi rồng ở vị trí đối diện trục đường Nguyễn Văn Linh, cửa ngõ từ sân bay vào thành phố, nằm cạnh bảo tàng Nghệ thuật Chăm, nơi khách tứ phương đến thăm quan du lịch cũng khá căng thẳng. Ông khẳng định, cho đến nay nhiều người vẫn không biết, giai đoạn đó còn có nhiều tranh cãi nảy lửa, là cho rồng hướng vào bờ, hay quay mặt ra biển, rồi có nên làm tận… hai con rồng hay không?. Cuối cùng, khi đã chọn đầu rồng mang tư thế rồng vươn ra biển lớn, lúc này, đuôi rồng cũng cần tạo tính hợp lý ở góc nhìn thẩm mỹ, không thô cứng.

Đuôi rồng được ông lên ý tưởng tác tạo thành một bó hoa bất tử, mang tâm thức hình tượng những trái tim kết lại của người Đà Nẵng, trao tặng đến tất cả những ai có dịp ngắm nhìn… “Nhưng là cây cầu thép, vẻ đẹp cũng đòi hỏi phải đúng kỹ thuật cắt hàn từ những tấm thép vô tri để thành dáng điệu, đường nét; rồi nhịp điệu, chỗ âm, chỗ dương nhằm chuyển bóng tối và ánh sáng thành hình, thành mảng, cho cảm giác hình tượng rồng theo nhịp tổng thể cây cầu uốn lượn…”, ông Hạng tự hào nhắc đến.

Cầu Rồng Đà Nẵng phun lửa, phun nước về đêm. Ảnh: Vân Anh

Cầu Rồng Đà Nẵng phun lửa, phun nước về đêm. Ảnh: Vân Anh

Một điều cũng ít được thông tin, là cho đến khi con rồng đã cơ bản hình thành, lãnh đạo Đà Nẵng lúc bấy giờ mới tiếp tục đưa ý tưởng phun lửa và nước thật. Rồng Đà Nẵng phun nước xa hơn 120m liên tục trong 15 phút, nhưng mỗi lần như vậy chỉ tốn 5m3 nước, nhờ một bồn nước chứa hàng trăm mét khối với công nghệ máy nén. Còn nhiên liệu phun lửa được nén ở áp suất cao nên khi khỏi ống phun, gặp áp suất của không khí thấp tạo nên hiệu ứng âm thanh, làm tăng sự độc đáo, hấp dẫn. Quầng lửa với đường kính từ 2 - 3m và đi xa từ 8 - 10m nhưng không làm hư hại đến bề mặt và kết cấu các công trình kiến trúc…Thời gian sau này, hệ thống thiết bị phun lửa được cải tiến theo kiểu Rồng ngậm ngọc, khi phun, nửa phần phía trước của viên ngọc sẽ mở ra và khi phun xong, viên ngọc sẽ tự động đóng lại.

Những ngày đầu năm Thìn, được nghe chuyện từ “cha đẻ” hình dáng rồng Việt Nam trên cầu Rồng - nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, mới cảm hết được ý tứ: rồng “bay” vào tư duy sáng tạo của người Việt, làm thăng hoa khát vọng quốc thái dân an nhưng không quên đi tính trữ tình lẫn bác ái nhân văn…

Cầu Rồng đã nhận nhiều giải thưởng vì được đánh giá là thiết kế độc đáo chưa từng có trên thế giới về kết cấu chịu lực, là sự kết hợp giữa dầm thép, vòm thép và dầm bê-tông.

Đọc thêm