Duối trăm tuổi, hay ngàn tuổi?
Ngôi miếu cổ làng Xuân Phao nằm trong ngõ nhỏ của làng, giữa quần thể gồm chùa, đình và miếu.
Gốc cây gồm nhiều đoạn cây nhỏ quấn quít, chằng chịt với nhau. Lên cao, cành cây to hơn các khúc cây ở gốc và vươn ra thành một tán cây khổng lồ, có đường kính trên 20 mét.
Tại gốc cây duối, gặp ông Nguyễn Huy Thanh (82 tuổi, ngụ thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo), ông cụ cho biết: “Quê mẹ tôi ở thôn Xuân Phao nên từ bé tôi đã biết cây duối này. Nghe dân làng nói cây này “thiêng” vô cùng. Hồi nhỏ, mỗi lần về quê ngoại chơi, gia đình đều dặn tôi nhớ không được bẻ cành, vặt lá cây, nếu không “thánh vật””.
Cây duối làng Xuân Phao trở thành nơi hóng mát của dân làng mỗi khi hè về. Đến mùa, quả duối chín vàng trên cây rồi rụng xuống, không ai dám hái ăn dù cành la đà trên đầu.
Cạnh cây duối là một cái miếu cổ được khóa kỹ. Ông Nguyễn Văn Bồ, Hội Người cao tuổi thôn Xuân Phao kể: “Miếu này do người dân địa phương đóng góp tiền xây dựng mới đây. Còn trước đó chỉ có bệ đất đặt cái bát hương, lúc trông hướng Đông, lúc trông hướng Tây. Miếu thờ bà chúa rừng sim”.
|
Miếu thờ bà chúa rừng sim |
Theo người dân, trước đây, nơi đây không có người ở, là một vùng đất hoang vu mọc đầy sim. Mùa hè, hoa sim nở tím ngắt cả vùng. Tương truyền, bà chúa rừng sim là một nàng công chúa không biết thời nào. Khi giặc giã, loạn lạc, nàng về vùng đất này lánh nạn.
Thấy rừng sim đẹp và để giấu thân phận của mình nên nàng làm nhà giữa đồi sim để ở. Vì sống một thân một mình nơi hoang vu nên nhan sắc của nàng bị nhiều kẻ nhòm ngó. Một đêm, công chúa bị kẻ xấu rắp tâm làm nhục. Không chịu thất tiết, nàng đã quyên sinh.
Hôm sau, người dân lên đồi sim thấy xác nàng mối đùn thành đống lớn. Vì vậy, người dân đã lập miếu thờ cạnh nơi nàng chết, trồng cây duối bên mộ. Người đời sau gọi nàng là bà chúa rừng sim.
Người dân địa phương cho biết, miếu rất thiêng. Không chỉ ngày rằm, mùng một, bình thường khi có việc gì, thì đều đến miếu kêu cầu với bà chúa.
Gặp họa sau ngày chặt cành cây?
Ông Bồ kể: “Những người không tín ngưỡng, không tin vào chuyện cây duối cổ thụ có thần, không tin thánh ở miếu nên tự động chặt cây, bị trừng phạt, nói thẳng ra là chết.
Trước đây có nhiều người đã chết nhưng tôi không nhớ tên, nhưng trường hợp của anh Sơn thì tôi biết. Thấy cây duối có nhiều cành to nên anh Sơn chặt mấy cành để đóng ván lát đường. Đang khỏe mạnh vậy mà ít lâu sau anh này lăn đùng ra tử vong”.
Vẫn lời ông Bồ: “Hai anh em ông Nại và ông Nhài cũng chết bất đắc kỳ tử sau khi chặt cành duối. Ông Hóa xây nhà cao tầng. Cây duối xòe tán rộng ra 4 xung quanh. Tán cây trùm vào đất nhà ông Hóa, trùm vào đình làng. Ông Hóa thuê ông Nại chặt cành với giá 100 nghìn đồng.
Ông Nại chặt cây xong, mang tiền đi mua rượu thịt về uống. Ăn uống xong bỗng dưng ông này đổ vật ra chết thẳng cẳng.
Không ai nghĩ là ông Nại chặt cây, phạm vào khu miếu thờ bị thánh vật; nên năm sau ông Hóa lại thuê em trai ông Nại là ông Nhài chặt cây. Ông Nhài chặt cây lấy 100 nghìn đồng xong rồi sau đó cũng lăn đùng ra tử vong. Từ đó, người dân sợ xanh mắt, cho rằng cây thiêng, chặt cây thì bị trừng phạt nên không ai dám chặt cây nữa”.
|
Cây duối lớn vươn cành trùm lên đình làng Xuân Phao |
Tuy nhiên, cây duối càng ngày càng vươn tán, trùm khắp nơi. Vì cây quá rậm rạp nên vẫn phải cắt cành. Ông Bồ cho biết: “Chúng tôi có nhiều lần chặt cành cây nhưng trước khi chặt cây đều làm lễ ở miếu xin bà chúa rừng sim cho chặt cây. Chưa hết, còn phải làm lễ ở cây, xin âm dương, thánh thần đồng ý, chúng tôi mới chặt. Chúng tôi thuê ông Sứt môi ở làng Ổ chặt cành. Ông này chặt cây xong không bị làm sao”.
Về phong thủy của khu đất có ngôi miếu và cây duối, dân làng không biết có hình thể gì. Khi bà Hiển nhà gần miếu xây nhà mới đi xem bói, “thầy” bói bảo vùng đất đó có hình con mãng xà lớn. Đầu con mãng xà quay về phía nhà bà. Gia đình bà Hiển đào móng làm nhà vô tình xiên vào miệng con mãng xà nên phải làm lễ.
Sau vụ ấy, cả làng Xuân Phao đã mời “thầy” về cúng tế linh đình. Người rỗi rãi ngồi tính lại nhận thấy có 5 người chết trẻ, dưới 50 tuổi vì ung thư.
Người mê tín lại vin vào cây duối để tung suy luận hoang mang; còn phần nhiều thì bảo 5 người đó chết vì ô nhiễm chì, kẽm, chứ không phải vì chặt vào mồm “mãng xà” đang ngủ yên dưới đất.
Hiện đình làng và miếu làng có người trông coi, còn chùa làng Xuân Phao vẫn chưa có sư. Chẳng có sư nào về dám ở trên đất nguyên là kho thuốc sâu cũ, nên ngôi chùa xây mới tốn gần 1 tỷ đồng, giờ chỉ một bà vãi trông coi./.