Chàng trai dùng lửa vẽ tranh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lửa và giấy là hai vật liệu để Huỳnh Quốc Tuấn (quận 8, TP Hồ Chí Minh) tạo nên những bức tranh đầy tính nghệ thuật. Không chỉ thế, hiện tại chàng trai sinh năm 1994 còn phát triển thành kỹ thuật vẽ tranh lửa có màu, tạo nên một “trường phái” vẽ tranh rất độc đáo.

Những đớn đau khi “đùa” với lửa

Đã tốt nghiệp ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh và đi làm tại một công ty thiết kế nội thất, thế nhưng Huỳnh Quốc Tuấn vẫn dành nhiều thời gian cho đam mê vẽ tranh lửa của mình. Suốt 10 năm qua, hàng trăm bức ảnh đã ra đời, góp phần đưa nghệ thuật vẽ tranh bằng lửa có nguồn gốc từ các bộ tộc du mục ở châu Phi và Ai Cập xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam.

Trên thế giới, vẽ tranh bằng lửa trên các bề mặt tự nhiên như gỗ, đá đã có nhiều, thế nhưng vẽ trên giấy như Tuấn thì rất hiếm hoi. Bởi lẽ, lửa và giấy vốn dĩ kỵ nhau, như lời Tuấn chia sẻ: “Chỉ cần một sơ suất hoặc lơ đãng thiếu tập trung một chút, ngọn lửa sẽ biến tác phẩm thành tro bụi chỉ trong tích tắc. Vì vậy, người vẽ tranh lửa phải thực sự chuyên tâm cao độ, tỉ mỉ và vô cùng cẩn thận”.

Một tác phẩm tranh lửa ra đời bằng những vật liệu đơn giản: giấy, lửa...

Một tác phẩm tranh lửa ra đời bằng những vật liệu đơn giản: giấy, lửa...

Huỳnh Quốc Tuấn khoe với chúng tôi những bức vẽ mà anh tâm đắc, trong đó có những tác phẩm của ngày đầu bước vào đam mê như chú báo oai nghiêm, nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành...

Anh cũng khoe luôn các vết sẹo mờ mờ trên tay do bị bỏng lửa trong quá trình sáng tạo tác phẩm. Đau rát ngón tay, tiếc nuối, bực dọc khi bức tranh sắp hoàn thành lại không may bị ngọn lửa thiêu rụi... là những cảm giác rất quen thuộc với chàng họa sĩ này. Mặc ban đầu có nhiều khó khăn, bạn vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê và không ngừng nâng cao tay nghề của mình.

bức tranh đầu tay của Tuấn được làm từ giấy và lửa: cá lia thia

bức tranh đầu tay của Tuấn được làm từ giấy và lửa: cá lia thia

Một bức tranh lửa trên giấy A4 chuyên dụng, Tuấn phải mất từ 8 tiếng đến một ngày mới có thể hoàn thành. Khâu quan trọng nhất là đốt tranh để vẽ phác thảo. Nếu bố cục phác thảo hỏng thì mọi công đoạn khác không thể thực hiện tiếp được. Để hạn chế việc giấy dễ bị cháy, Tuấn đã mày mò ra cách xử lý giấy trước khi bắt đầu dùng lửa sáng tác.

“Điều khó nhất là phải điều chỉnh được ngọn lửa to, nhỏ, bàn tay cầm bút đánh lửa phải uyển chuyển, nhanh nhạy để có góc nghiêng phù hợp, tạo ra các chi tiết, hình khối của bức tranh”, Tuấn cho hay.

Qua nhiều năm khổ luyện, đến nay, từng đường nét trên bức tranh lửa của Tuấn trở nên tinh tế, mềm mại và rất có hồn, việc không may bị cháy nguyên cả bức tranh cũng ít hơn. Tuy nhiên, việc bị bỏng nhẹ vẫn không thể tránh khỏi.

Hiện tại, khi đang làm công việc thiết kế nội thất, Tuấn vẫn dành thời gian để tìm tòi, nghiên cứu, mạnh dạn đưa tranh lửa trở thành một phần trong không gian sống của khách hàng, tạo nên phong cách đơn giản nhưng không kém phần sang trọng khi kết hợp với các vật dụng trong nhà. Tranh của Tuấn cũng được nội bộ công ty đưa ra đấu giá để lấy kinh phí phục vụ các hoạt động của nhân viên.

vẽ để thỏa niềm đam mê

vẽ để thỏa niềm đam mê

Năm 2019, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã chủ động liên hệ, đề nghị Tuấn vẽ tặng chân dung của Bác Tôn. Tuấn chấp thuận ngay, tuy nhiên, với một tâm thế hết sức lo lắng, hồi hộp. Bạn tâm sự: “Đó là lần đầu tiên mình vẽ chân dung một nhà cách mạng xuất sắc của dân tộc. Suy nghĩ vẽ làm sao để toát lên thần thái khiêm tốn, giản dị, đôn hậu của Bác Tôn... đã làm mình rất áp lực. Mình phải mất 6 ngày ròng rã mới có thể hoàn thành bức tranh và rất vui là hiện tại, tác phẩm đã được lưu trữ trong bảo tàng, chờ ngày trưng bày”.

Tìm tòi ra tranh lửa có màu

Mọi người đã quen thuộc với các gam màu ố vàng, cánh gián, nâu, đen của bức tranh, mang lại một cảm giác cổ xưa, hoài niệm và đượm một chút buồn. Để bức tranh thêm sinh động, tươi tắn và cảm xúc hơn, Tuấn đã mất 4 năm để tìm tòi, nghiên cứu cách thức tạo màu. Hiện tại, Tuấn đã có thể tạo ra 4 màu trên tranh lửa như: Xanh rêu, xanh dương, hồng tím, vàng hoa cúc.

Ngắm bức tranh lửa có màu xanh đầu tiên của Tuấn, chúng tôi đã bị thu hút bởi thần thái của con cá thia lia đang quẩy bộ vây lớn, mạnh mẽ bơi thẳng về phía trước với tính cách hung hăng, hiếu chiến. Quả là tay nghề của anh chàng này sau vài năm đã “lợi hại” hơn trước. Bởi thế, Tuấn thường xuyên được mời biểu diễn vẽ trực tiếp tại các sự kiện, gameshow, talkshow, trở thành một “hot” họa sĩ trong lòng nhiều bạn trẻ yêu nghệ thuật.

Tựchụp ảnh bên tác phẩm tâm đắc của mình.

Tựchụp ảnh bên tác phẩm tâm đắc của mình.

Tuấn hào hứng chia sẻ bí quyết: “Mỗi màu có một kỹ thuật tạo ra khác nhau. Chẳng hạn như màu vàng, tôi sử dụng phương pháp đốt gián tiếp qua một bề mặt (lớp giấy) khác, để cho màu bay hơi, loang xuống giấy vẽ chính. Còn màu xanh thì phải tẩm một loại dung dịch lên giấy trước khi vẽ bằng lửa... Tạo màu cho tranh đòi hỏi phải có tay nghề vững, linh hoạt, nhanh nhạy trong khi vẽ, nếu không sẽ hư cả bột lẫn đường”.

Theo chàng họa sĩ, các thao tác để vẽ tranh lửa màu có độ rủi ro cao hơn bình thường, vì nếu lỡ tay, bức tranh sẽ khó sửa chữa lại được. Cái khó là ngọn lửa, khói, hơi của màu tác động vào bề mặt giấy một cách tự nhiên, ngẫu nhiên; người họa sĩ nương vào đặc tính đó để điều phối, sắp xếp chi tiết, hình khối, bố cục sao cho phù hợp với ý tưởng sáng tạo của mình. Người họa sĩ phải có nhiều năm luyện tập, có sự tính toán, đong đếm kỹ càng các vật liệu vẽ, cộng thêm sự nhạy cảm của nghệ sĩ mới có thể điều tiết được ngọn lửa và màu sắc.

Phần trình diễn vẽ tranh lửa của Tuấn trong một chương trình truyền hình.

Phần trình diễn vẽ tranh lửa của Tuấn trong một chương trình truyền hình.

Trong tín ngưỡng và văn hóa tâm linh của người Việt thì lửa (hỏa) hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa. Trong đó, lửa là biểu tượng văn hoá với những ý nghĩa tốt đẹp như sự tái sinh, sức sống mãnh liệt, sự kỳ diệu...

Với chàng họa sĩ 9X, lửa có màu sắc rất đặc biệt, vừa mạnh mẽ, vừa mềm mại, lửa không chỉ thiêu cháy mà còn có thể tạo nên những đường nét quyến rũ. Để nâng giá trị nghệ thuật của tranh lửa, Tuấn đang dự định sắp tới sẽ cho ra mắt những tác phẩm tranh lửa dát vàng, đắp nổi và có hiệu ứng tầng lớp rạn nứt...

Đọc thêm