Chuyện hiếm
SEA Games 31 vừa kết thúc, Đoàn thể thao Việt Nam giành tới 205 Huy chương Vàng, phá vỡ “kỷ lục” 194 HCV mà đoàn Indonesia giành được ở SEA Games 19 tổ chức năm 1997. Đây cũng là cột mốc lịch sử của Thể thao Việt Nam kể từ khi tham gia tranh tài ở đấu trường này. Đằng sau những tấm HCV, có những chuyện hiếm, cảm động; trong đó có việc 2 chị em ruột cùng dành vàng ở cùng một môn thể thao.
Theo đó, ngày 18/5 là ngày đặc biệt của 2 chị em người Huế là Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (25 tuổi) và Nguyễn Thị Mỹ Trang (21 tuổi) khi đã mang về 2 tấm HCV ở nội dung vật tự do nữ cho Việt Nam tại SEA Games 31.
Mỹ Hạnh bảo vệ thành công chức vô địch ở hạng cân 62kg, còn Mỹ Trang lần đầu tiên được bước lên bục cao nhất tại một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á ở nội dung 57kg.
Người chị Mỹ Hạnh nói: “Thật tuyệt vời khi 2 chị em được đứng trên bục cao nhất tại SEA Games 31. Bố, mẹ đã đi từ Huế để tới đây cổ vũ cho bọn em. Khi biết hai chị em đều giành HCV, cả nhà đều rất hạnh phúc. SEA Games 31 này chính là kỷ niệm đáng nhớ của 2 chị em. Đây chính là điều đặc biệt nhất trong cuộc đời em tới bây giờ”.
Đô vật Nguyễn Thị Mỹ Hạnh là một vận động viên không còn xa lạ với thể thao Việt Nam, đặc biệt ở môn đấu vật khi cô từng giành HCĐ ASIAD 2018 và HCV tại SEA Games 30 cùng nhiều tấm huy chương quý giá khác. Còn Nguyễn Thị Mỹ Trang đã giành được HCV ở ngay lần đầu dự SEA Games này.
Nụ cười rạng ngời của bố mẹ và 2 chị em Mỹ Hạnh, Mỹ Trang sau khi giành HCV. |
HLV Đinh Văn Kiên, HLV tuyển vật Thừa Thiên Huế nhận xét về hai cô học trò mình đã và đang dìu dắt.“Hạnh mạnh về đòn tấn công, xốc vác, thắng là thắng luôn. Trang phòng ngự trội hơn, đánh kiểu cù nhầy. Một điểm đặc biệt, Hạnh và Trang đều có máu ăn thua rất cao. Dù tập hay thi đấu, vào sới là các em chiến hết mình để giành chiến thắng. Đây là điều rất cần cho thể thao, nhất là môn mang tính đối kháng cao như vật. Hai em cũng rất chăm chỉ tập luyện, có lối sống lành mạnh, giản dị và là tấm gương sáng cho các vận động viên noi theo”
Từ cô bé nghèo thành cô gái vàng của Thể thao Việt Nam
Tìm về xóm Khe, thôn Thạch Bình, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền trong ngày đầu tháng 6/2022; cả xóm này ai nấy đều tự hào vì quê mình có 2 chị em là “vua vật” ở Đông Nam Á. Xung quanh hai cô gái vàng là những câu chuyện hết đỗi đặc biệt.
Bà Đặng Thị Huệ (46 tuổi, mẹ của hai đô vật) chi sẻ, bà sinh tới 7 người con, Mỹ Hạnh thứ 2, còn Mỹ Trang thứ 3. Hiện gia đình còn 2 cô em cũng đang theo nghiệp đô vật; trong đó Mỹ Linh (19 tuổi) đang tập luyện ở đội tuyển trẻ Việt Nam hạng cân 55kg và Mỹ Tiên (17 tuổi) đang tập ở đội vật tỉnh Thừa Thiên Huế.
“Dù trước đây điều kiện gia đình khó khăn nhưng các con quyết tâm theo học môn võ này nên vợ chồng tôi luôn ủng hộ và động viên, khuyên con phải luyện tập chăm chỉ để mang vinh quang về cho tỉnh nhà và tổ quốc. Giờ thì gia đình rất mừng và tự hào”. Bà Huệ nói.
Được biết,bố của Hạnh làm công nhân cơ khínhưng tiền lương ít ỏi không đủ nuôi 7 người con nên phải làm thêm nhiều việc khác, quần quật từ sáng sớm đến tối mịt, hễ ai kêu làm gì có tiền và miễn không vi phạm pháp luật thì đều nhận lời. Còn mẹ, hàng ngày phải dậy từ 3 giờ sáng để đi bán cá. Nhà đông con nên mấy anh chị em rất vất vả. Cái đói, cái nghèo đeo bám nên thuở nhỏ, mấy chị em ra chợ phụ mẹ bán cá, lúc thì mò cua bắt ốc; thiếu thốn đủ bề.
Nói về cơ duyên đi theo môn vật, Mỹ Hạnh cho biết, năm 13 tuổi, người anh họ của cô vốn là tuyển thủ môn vật của tỉnh Thừa Thiên Huế, khi tới nhà chơi thấy Hạnh sở hữu những khả năng phù hợp với vật nên đã thuyết phục để em đi tập.
“Lúc đó, nhà quá nghèo nên nghĩ đi tập sẽ được nuôi ăn học, bớt phần gánh nặng cho bố mẹ. Thế là, em đã quyết định đến với môn vật. Bố của em chỉ nói duy nhất một câu rằng con cứ đi, khổ quá thì về nhà. Vậy là vật bước vào đời tôi như thế”- Mỹ Hạnh chia sẻ.
Những ngày đầu tập luyện, tất cả xương khớp đều muốn rụng rời do va chạm liên tục cả ngày, nhiều lúc mệt đến phát khóc. Nhưng rồi nghĩ về gia đình, về việc sẽ có chút ít tiền giúp đỡ bố mẹ và được cácthầy động viên nên cô nén đau, gạt sang một bên nỗi nhớ nhà để lăn lộn trên sới vật.
Theo vật hơn một năm, Mỹ Hạnh có tiền, có nghề, được ăn uống đầy đủ nên “rủ” em gái Mỹ Trang đi tập cùng. Tiếp theo, các thầy về nhà Mỹ Hạnh, Mỹ Trang thăm chơi rồi“kéo”tiếp các hai người em gái đi theo con đường là vận động viên vật... Thế là, Mỹ Linh rồi Mỹ Tiên tiếp bước các chị.
Trong làng thể thao Việt Nam, gia đình sở hữu tới 4 thành viên cùng chơi một môn thể thao là điều quá hiếm. |
Trong làng thể thao Việt Nam, gần như không có gia đình nào sở hữu tới 4 thành viên cùng chơi một môn thể thao. Đáng nói hơn, cả bốn chị em Hạnh, Trang, Linh, Tiên đều có tố chất để trở thành các VĐV đỉnh cao.
“May mắn cho các em là nhận sự quan tâm, sẻ chia và giúp đỡ của các HLV nên gia đình rất yên tâm. Hơn nữa, khi ở cùng thì cả 4 chị em có cơ hội để chăm sóc nhau, cả trong đời sống cũng như trong tập luyện, đi thi đấu...”. ông Nguyễn Đăng Sơn (48 tuổi, bố của những “cô gái vàng”) nói.
Giờ đây, cuộc sống của gia đình bốn đô vật này đã khấm khá hơn. Nhưng nhịp sống vẫn không thay đổi. Hằng ngày, bà Huệ vẫn tất tả bán cá lúc 3h sáng. Ông Sơn lặn lộn ra Hà Tĩnh mở xưởng còn bốn chị em tập luyện đều đặn trên Trung tâm huấn luyện thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế hay ra tập trung ở đội tuyển vật quốc gia.
Chi tay người viết, mấy chị em Mỹ Hạnh đều mong muốn và quyết tâm: “Ở SEA games 32 sắp tới được tổ chức ở Campuchia, chúng em cố gắng làm sao đó để 3 chị em cùng được tham gia và đều giành được HCV”.
Ngoài Mỹ Hạnh, Mỹ Trang; còn có hai chị em Nguyễn Thị Thanh Thuỷ và Nguyễn Hoàng Thành cũng giành HCV SEA games 31 ở môn Judo với hạng 52kg nữ và 55kg nam.
Ngoài ra, 3 chị em nhà họ Quah người Singapore là Quah Ting Wen (29 tuổi) bảo vệ thành công tấm huy chương vàng nội dung bơi 100m tự do. Cô em út Quah Jing Wen (22 tuổi) giành huy chương vàng ở nội dung 200m bơi bướm nữ. Còn chàng trai Quah Zheng Wen (25 tuổi) giành huy chương vàng ở nội dung 100m bơi ngửa.