Người dân kiến nghị làm rõ văn bản của Tòa Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bất đắc dĩ phải “đáo tụng đình”, người dân mong muốn vụ việc sẽ được hội đồng xét xử phán xét một cách công minh, thỏa đáng. Thế nhưng, trong vụ án này, sau nhiều lần xét xử, những khúc mắc lại… có phần còn rắc rối hơn.

Đất đã được cấp giấy chứng nhận, vẫn bị “đòi lại”

Theo đó, diễn biến vụ việc tóm tắt như sau: Bà Nguyễn Thị Số được thừa kế một phần thửa đất số 309, tờ bản đồ số 42, tọa lạc tại phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (trong đó có 200m2 đất thổ cư).

Năm 2007, bà Số và con trai là Trương Thanh Tùng ký hợp đồng chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Minh, bà Trần Thị Út diện tích 144m2 với giá 52 triệu đồng. Hợp đồng không được công chứng/chứng thực nhưng ông Tùng đã nhận đủ số tiền.

Năm 2009, bà Số, ông Tùng lại ký hợp đồng “cho tặng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất” cho ông Minh, bà Út gồm 200m2 thổ cư, 200m2 cây lâu năm, nhà và cây lâu năm gắn liền với đất, giá 250 triệu đồng. Hợp đồng này cũng không được công chứng/chứng thực nhưng ông Tùng thừa nhận đã nhận tiền nhiều lần với tổng 52 triệu đồng. Tổng cả 2 lần là 104 triệu đồng.

Ngày 21/7/2010, bà Số ký hợp đồng chuyển nhượng cho ông Minh, bà Út diện tích 420m2 (trong đó có đất ở đô thị và cây lâu năm), giá chuyển nhượng là 303 triệu đồng. Hợp đồng này được UBND thị trấn (nay là phường) Uyên Hưng xác nhận. Tới ngày 19/08/2010, ông Minh, bà Út đã được cấp GCNQSDĐ thửa đất số 309, diện tích 420m2.

Trả lời về việc chứng thực, UBND phường Uyên Hưng khẳng định: “Việc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là đúng quy định của pháp luật”. Đối với giấy chứng nhận đã cấp, UBND thị xã Tân Uyên cho rằng: trình tự thủ tục cấp GCNQSDĐ cho ông Minh, bà Út được thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định 181/2014/NĐ-CP. Việc cấp GCN không đo đạc thực tế nhưng không có sự chồng lấn diện tích.

Thế nhưng, bốn tháng sau, ngày 17/12/2010, bà Trương Thanh Phượng (con gái bà Số) có đơn tranh chấp và ngày 6/2/2012, có đơn khởi kiện ra tòa án.

Thửa đất xảy ra tranh chấp.

Thửa đất xảy ra tranh chấp.

Một trong những lý do được nguyên đơn đưa ra để đề nghị hủy hợp đồng chuyển nhượng, hủy giấy chứng nhận đã cấp cho ông Minh, bà Út là việc bà Số bị “mất năng lực hành vi dân sự”.

Qua xem xét diễn biến sự việc, một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng: Việc mất năng lực hành vi dân sự ảnh hưởng tới hiệu lực của hợp đồng cần phải xác định tại thời điểm ký kết. Ở đây, UBND cấp xã xác nhận đã thực hiện đúng quy định về chứng thực nên việc bản án phúc thẩm sử dụng một văn bản có sau thời điểm giao kết (phiếu khám ngày 21/10/2010) để lập luận sẽ chưa thuyết phục.

Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ Luật Dân sự, Luật Công chứng thì người không biết chữ vẫn có quyền giao kết hợp đồng. Khoản 2, điều 41 Luật Công chứng 2006 quy định: “Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong văn bản công chứng trong các trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký”.

Luật sư này cũng cho rằng, hội đồng xét xử cần xem xét quá trình chuyển nhượng xuyên suốt để đảm bảo quyền lợi của bị đơn cũng như làm rõ thêm tình tiết mà nguyên đơn cho rằng bà Số bị bệnh, gia đình khó khăn nên nhiều lần phải mượn tiền ông Minh để chữa bệnh từ 2007 – 2010 để đảm bảo việc đánh giá vụ án khách quan.

Căn cứ đưa ra là kết luận của bác sĩ ngày 19/6/2009, bà Số bị rối loạn chức năng tuần hoàn não. Phiếu khám sức khỏe ngày 21/10/2010 kết luận bà Số bị trầm cảm, năng lực nhận thức điều khiển hành vi bị hạn chế và cần người giám hộ. Ngày 25/5/2011, TAND thị xã Tân Uyên có Quyết định (số 02/2011/QĐDS-ST) bà Số là người mất năng lực hành vi dân sự.

Về việc bà Số bị mất năng lực hành vi dân sự, Bản án dân sự sơ thẩm ngày 2/4/2019 của TAND thị xã Tân Uyên cho rằng, “Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có cơ sở vì sau thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng, bà Số mới bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự”.

Đồng quan điểm, tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Dương khi phát biểu ý kiến cũng cho rằng: Bà Số ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất các năm 2007, 2009, 2010 trong trạng thái tinh thần minh mẫn và hoàn toàn tự nguyện. Nguyên đơn đề nghị Tòa án tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng với lý do bà Số bị mất năng lực hành vi dân sự nhưng thời điểm ký hợp đồng chưa có QĐ số 02/2011/QĐDS-ST nói trên nên “không có căn cứ xác định bà Số bị mất năng lực hành vi dân sự ở thời điểm ký hợp đồng”.

Thế nhưng, bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương vẫn dựa vào Phiếu khám sức khỏe tâm thần ngày 21/10/2010 (có sau thời điểm ký hợp đồng 3 tháng), kết hợp với việc bà Số không biết chữ, các bên chưa giao tiền và giao đất… để cho rằng, “hợp đồng không đảm bảo đúng ý chí tự nguyện, tự định đoạt tài sản của bà Số”, không đúng các quy định của pháp luật nên “bị vô hiệu kể từ thời điểm xác lập”.

Văn bản “lạ” của Tòa phúc thẩm

Sau khi vụ án được thụ lý ngày 9/3/2012, tới ngày 16/5/2016, TAND thị xã Tân Uyên mới tiến hành đưa vụ việc ra xét xử sơ thẩm. Kết quả, tòa không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Sau đó, cả 2 bên đều kháng cáo.

Ngày 20/9/2016 vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm. HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm. Ngày 02/04/2019 vụ việc được tiến hành xét sơ thẩm lần 2. Tại bản án số 07/2019/DS-ST ngày 02/4/2019 của TAND thị xã Tân Uyên cũng tiếp tục tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phượng về việc tranh chấp quyền sử dụng đất. Ngày 19/11/2019, TAND tỉnh Bình Dương đưa vụ án ra xét xử.

Tại phiên tòa này, trong khi đại diện Viện KSND nêu quan điểm đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, giữ nguyên bản án sơ thẩm thì HĐXX lại không tán đồng khi quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, hủy các hợp đồng, giao dịch đã xác lập năm 2007, 2009 và tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng ký năm 2010 bị “vô hiệu”.

Quyết định của cấp phúc thẩm khiến bị đơn bức xúc, chưa đồng tình. Do dung lượng có hạn nên trong bài viết này chưa trình bày một số tình tiết khác liên quan đến vụ việc. Ở đây chỉ đăng tải thêm kiến nghị của ông Minh, bà Út liên quan đến một văn bản “khó hiểu” của TAND tỉnh Bình Dương.

Theo đó tại Bản án Phúc thẩm số 266/2019/DS-PT ngày 19/11/2019 về việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của TAND tỉnh Bình Dương, tại phần nhận định có đoạn: Việc cấp GCNQSDĐ cho ông Nguyễn Văn Minh, bà Trần Thị Út đã được UBND huyện Tân Uyên xem xét, giải quyết; Bản án hành chính sơ thẩm của tòa Bình Dương, phúc thẩm của tòa cấp cao tại TP.HCM…do đó, Tòa án không xem xét giải quyết trong vụ án này.

Tuy nhiên, sau khi bản án được tuyên, TAND Bình Dương lại bất ngờ có văn bản số 70/TA-DS ngày 4/2/2020, trong đó có nội dung: Do đó, Tòa án kiến nghị UBND thị xã Tân Uyên thu hồi GCNQSDĐ cấp cho ông Nguyễn Văn Minh, bà Trần Thị Út ngày 19/8/2010 để đảm bảo việc thu hồi đất, bồi thường và thi hành Bản án dân sự phúc thẩm số 266/2019/DS-PT ngày 19/11/2019 của TAND tỉnh Bình Dương.

Văn bản giải thích bản án của TAND tỉnh Bình Dương.

Văn bản giải thích bản án của TAND tỉnh Bình Dương.

Ông Minh, bà Út trình bày: “Cứ tưởng sự việc của gia đình tôi sau nhiều năm cuối cùng đã được giải quyết thấu tình đạt lý, nhưng không ngờ, kết quả xét xử phúc thẩm lần 2 ngày 19/11/2019 khiến gia đình chưa đồng tình. Chúng tôi đã làm đơn đề nghị giám đốc thẩm. Trong khi đang chờ tòa cấp trên xem xét thì tôi và bà Út tình cờ biết được giải thích bản án do tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương gửi đến Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Tân Uyên…với nội dung trái với nội dung bản án”.

Một điều khiến ông Minh bức xúc nữa là, bản thân ông và gia đình là những người có quyền lợi, nghĩa vụ trực tiếp liên quan đến vụ án nhưng lại không hề nhận được văn bản nói trên.

Càng bất ngờ hơn bởi sau khi ông làm đơn khiếu nại thì ngày 11/5/2020 TAND tỉnh Bình Dương có văn bản số 157/TA-DS lại khẳng định: “Từ thời điểm ban hành Bản án số 266/2019/DS-PT ngày 19/11/2019 đến nay, TAND tỉnh Bình Dương không có ban hành thông báo sửa chữa bổ sung bản án hay giải thích bản án cho đương sự”.

Trong khi phần trích yếu tại văn bản số 70/TA-DS ngày 4/3/2020 do thẩm phán chủ tọa Đào Minh Đa nói trên ký lại ghi rõ: “v/v (về việc – PV) giải thích bản án”.

Văn bản khẳng định không có ban hành thông báo giải thích bản án.

Văn bản khẳng định không có ban hành thông báo giải thích bản án.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trần Đình Dũng – Đoàn LS TP Hồ Chí Minh cho biết: Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án và cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định, giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành. Việc giải thích chỉ là giải thích cho rõ hơn do bản án tuyên có những điểm chưa rõ về lỗi chính tả, cộng trừ nhân chia số liệu. Điều 268 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 qui định về Sửa chữa, bổ sung bản án đã nêu rõ “Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai”.

Như vậy, việc giải thích bản án chỉ là nhằm làm rõ hơn chỗ chưa rõ và tuyệt đối không được giải thích mâu thuẫn với phần tuyên xử của bản án, phần quyết định của toà án. Người dân kiến nghị TAND tỉnh Bình Dương, TAND cấp cao và các cơ quan giám sát hoạt động xét xử quan tâm, xem xét thấu đáo nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.

Đọc thêm