Tại Hội thảo "Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 10/11, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành băn khoăn đặt câu hỏi: Mặc dù có chính sách, có con người, nhưng sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam (2001-2010), nhiều chỉ tiêu đề ra đều không đạt hoặc thấp hơn so với kế hoạch.
Nếu việc đầu tư tiếp tục dàn trải thì mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 sẽ khó thành hiện thực.
Nhìn vào các chỉ tiêu chính về sản xuất, kinh doanh của ngành cơ khí trong giai đoạn 2003-2013 có thể thấy, tuy giá trị sản xuất năm sau cao hơn năm trước nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước của ngành cơ khí năm 2012 mới đạt 32,58% (thấp hơn mục tiêu của chiến lược là đáp ứng 40-50% nhu cầu trong nước vào năm 2010).
Không những thế, tỷ lệ nhập khẩu liên tục tăng cao, nhất là máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất. Cụ thể, năm 2006 giá trị nhập khẩu cơ khí là 8,7 tỷ USD; năm 2012, giá trị nhập khẩu cơ khí là 22,460 tỷ USD. Đến năm 2013, giá trị nhập khẩu ngành cơ khí ước đạt 24,8 tỷ USD, nhập siêu ngành cơ khí tương đối lớn hơn 10 tỷ USD.
Điều đó cho thấy mục tiêu phát triển ngành cơ khí còn nhiều bất cập. Phần lớn các lĩnh vực chưa đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí và phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tăng Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp Quang Trung cho biết, trong khi các nguồn lực của nhà nước có hạn thì việc phân bố đầu tư không đồng đều, điều này đã khiến ngành cơ khí đã khó lại càng yếu.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ ngành cơ khí có nhiều nhưng không định lượng được sẽ đầu tư bao nhiêu tiền, ai là người theo dõi, sơ kết, đánh giá... nên chưa đến được với doanh nghiệp. Đơn cử chính sách vay vốn, dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp khi có dự án tốt được vay vốn ưu đãi nhưng khâu tiếp cận lại rất khó khăn vì phải đáp ứng rất nhiều hồ sơ, thủ tục.
Theo ông Cường, đối với ngành cơ khí, để chế tạo một sản phẩm hàng hóa phải qua 7 bước bao gồm thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, tạo phôi, gia công cắt gọt, lắp ráp, thử nghiệm, xuất xưởng... Hiện nay chúng ta nặng về khâu lắp ráp, các khâu còn lại chúng ta không quan tâm đầu tư.
“Để phát triển ngành cơ khí, đề nghị Bộ Công Thương, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp nên nghiên cứu, xem xét, với ngành cơ khí, trong điều kiện nguồn lực có hạn thì nên đầu tư có trọng điểm như đầu tư vào khâu thiết kế. Đây là khâu quan trọng mà các ngành khác đều cần, ví dụ như giao thông, xây dựng, chế tạo máy...” – ông Cường chia sẻ.
Do vậy, ông Cường cho rằng, cần tạo cơ chế cho khâu thiết kế như doanh nghiệp tự đầu tư thiết kế. Nếu sản phẩm tốt, đi được vào cuộc sống, sản phẩm trở thành hàng hóa thì Nhà nước sẽ hỗ trợ toàn bộ. Ngoài ra, cần đầu tư vào sản xuất khuôn mẫu, tạo phôi, thử nghiệm... Nếu không tập trung vào những khâu này thì chúng ta không bao giờ thành công được.
Còn theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, hiện nay Nhà nước có những chính sách hỗ trợ phát triển ngành cơ khí như chương trình cơ khí trọng điểm, các chính sách khác hỗ trợ ngành cơ khí trong công tác đấu thầu, trong chế tạo thiết bị cơ khí thủy công, chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện, các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ...
Theo ông Ngô Quang Quý - Phó Tổng Giám đốc Công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) cho rằng, do nhiều vật liệu đầu vào còn phụ thuộc nhập khẩu nên đã đẩy giá thành lên cao.
Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia cho sản xuất vật liệu mới còn thiếu và yếu, nhiều cán bộ chuyên môn cao và nguồn chất xám của Việt Nam đang nhảy ra nước ngoài làm việc, khiến ngành cơ khí ngày càng thiếu hụt nghiêm trọng.
Trước những ý kiến nêu ra, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, do xuất phát điểm của ngành cơ khí còn thấp, hiện nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số nên không chỉ thiếu cả vốn mà thiếu cả con người. Theo Thứ trưởng, từ bài học ngành công nghiệp ô tô, để phát triển ngành công nghiệp cơ khí cũng cần phải có một chính sách hỗ trợ chung cho các ngành công nghiệp phụ trợ khác.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, trước mắt nhà nước có thể đẩy mạnh những chính sách chung như tạo dung lượng thị trường để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
"Trong chiến lược mới cho ngành cơ khí, nhà nước sẽ có định hướng và đi vào cuộc sống, không vẽ ra để làm không được mà cần làm cùng nhau" - Thứ trưởng kết luận.