Chỉ nên áp dụng đặc xá đối với một số đối tượng nhất định

(PLO) - Đó là đề xuất của Đại biểu Quốc hội (QH) Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) – Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam khi phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), hôm qua (11/6).

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu làm rõ một số vấn đề các ĐBQH nêu.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu làm rõ một số vấn đề các ĐBQH nêu.

Đặc xá quá nhiều không phải do luật

Lùi thời gian thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính–kinh tế đặc biệt

Trước khi cho ý kiến dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), với 423 ĐB tán thành, tương đương 85,63%, QH đã biểu quyết tán thành điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018).

Phát biểu sau đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu vụ việc xảy ra ở một số địa phương, một bộ phận người dân tụ tập đông người, một số có hành động quá khích làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. “Điều đó cho thấy những việc QH, ĐBQH đang bàn ở hội trường đã lan tỏa ra xã hội. Đáng tiếc là một bộ phận người dân không hiểu đúng bản chất của sự việc nên có hành động quá khích, cũng không loại trừ lòng yêu nước của người dân đã bị lợi dụng trong việc này, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Quốc hội kêu gọi đồng bào, nhân dân cả nước hãy bình tĩnh, tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các dự án luật QH đang thảo luận và luôn lắng nghe ý kiến của người dân”- Chủ tịch QH nêu rõ. 

Đại biểu (ĐB) Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, ông tán thành với việc dự thảo Luật giữ nguyên quy định của luật hiện hành về 3 thời điểm đặc xá, gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, ĐB Thịnh cho rằng dự thảo vẫn chưa quy định cụ thể nên sẽ khó áp dụng. Đồng thời kiến nghị đối với trường hợp nhân ngày lễ lớn của đất nước chỉ nên quy định đặc xá vào những năm chẵn, vì việc xét tha tù trước thời hạn có điều kiện theo quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015 được thực hiện 3 lần mỗi năm, nếu đặc xá với những thời điểm ngắn quá sẽ làm mất ý nghĩa của việc đặc xá.

Cũng theo ĐB Đỗ Ngọc Thịnh, để khắc phục tình trạng đặc xá với số lượng lớn như thời gian vừa qua, nên chăng chỉ quy định áp dụng đối với một số đối tượng nhất định. Không áp dụng đặc xá đối với những người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII các tội xâm phạm an ninh quốc gia, Chương XVI các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh…

Băn khoăn về số lượng được đặc xá, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, nếu số lượng đặc xá mỗi lần quá lớn thì cần phải xác định có phải lỗi của luật hay không? ĐB Cường phân tích: “Vấn đề nằm ở chỗ quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước có thể mở rộng hoặc thu hẹp các đối tượng được đặc xá, điều kiện được đặc xá. Trong khi đó, pháp luật của nước ta cũng có quy định về thẩm quyền của Chủ tịch nước đối với việc ân giảm án tử hình và cũng không kèm theo bất kỳ điều kiện gì. Trên thực tế điều kiện này không bị lạm dụng, nếu cho rằng số lượng người được đặc xá quá nhiều thì lỗi trước tiên phải là lỗi của bộ phận tham mưu, giúp việc đã không nắm sát tình hình mà không phải lỗi của luật”.

Phải bảo đảm sự chủ động, linh hoạt cần thiết

Từ thực tế trên, ĐB Cường đề xuất dự thảo Luật nên sửa đổi điều kiện đối với người được đặc xá theo các quan điểm: Thứ nhất, phải đặt trong sự so sánh giữa các chính sách khoan hồng khác nhau của chúng ta, như đại xá của Quốc hội, đặc xá của Chủ tịch nước, giảm án và tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án. Thứ hai, phải bảo đảm sự chủ động, linh hoạt cần thiết và bảo đảm thẩm quyền đặc biệt cho Chủ tịch nước. Thứ ba, phải bảo đảm đồng bộ với hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn. 

Phát biểu làm rõ tại phiên thảo luận, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đồng tình với  ý kiến của các ĐB đã nêu và cho rằng, đặc xá trong thời gian qua “có vẻ làm hơi quá”. Để khắc phục tình hình này, từ đầu năm nay khi Bộ luật Hình sự có hiệu lực, có một chế định mới Quốc hội đã thông qua là tha tù trước thời hạn. Hàng năm có thể 2 đợt hoặc 3 đợt và phần lớn gắn liền với các ngày lễ trong năm.

Nhấn mạnh sự khác nhau giữa đặc xá với tha tù trước thời hạn được quy định ở luật hình sự, Chánh án TANDTC cho biết: “Thẩm quyền đặc xá là của Chủ tịch nước, còn tha thù trước thời hạn là Chánh án các cấp. Điểm khác cơ bản là người được tha tù trước thời hạn khi ra ngoài có vi phạm phải quay lại tù tiếp tục chấp hành phần còn lại của bản án. Còn đặc xá tha là tha luôn”. Ông Nguyễn Hoà Bình cũng lưu ý “thời điểm đặc xá phải đúng là sự kiện đặc biệt quan trọng chứ làm mỗi năm thì dễ trùng với tha tù trước thời hạn”.

Có chính sách ưu đãi để thu hút người tài vào ngành Giáo dục

Cùng ngày, cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục sửa đổi, ĐB Nguyễn Thanh Phương (Đoàn TP Cần Thơ) cho rằng, cần quan tâm đến lương thầy cô và chính sách tuyển dụng mới thu hút được người giỏi; lúc đó chất lượng của đào tạo mới được giải quyết. Đồng thời cần có học bổng cho người giỏi để khuyến khích người tài. Đồng tình với quan điểm phải có chính sách thu hút, ưu đãi sinh viên giỏi và đội ngũ thầy cô giáo thì mới thu hút được người tài vào ngành Giáo dục, nhưng ĐB Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) băn khoăn về chính sách cho vay tín dụng đối với sinh viên ngành sư phạm. Theo ĐB Chương, vay tiền đã khó khăn nhưng học xong không tìm được việc làm thì lại càng khó khăn hơn, cho nên chính sách cần hết sức thận trọng. Còn ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho rằng, cần có bước đột phá trao quyền tự chủ cho nhà trường để thay đổi mạnh mẽ về chuyên môn. Như vậy, sẽ đảm bảo tính tự chịu trách nhiệm của nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của thị trường gắn với từng thời kỳ.

Đọc thêm