Chỉ nhìn vào "tiền bù đắp" thì "dưỡng Liêm" là ảo tưởng?

“Dưỡng liêm” là một ý tưởng tích cực, nhưng “dưỡng liêm” bằng cách nào mới là quan trọng. Nếu chỉ nhìn vào một khoản tiền bù đắp thì chỉ là ảo tưởng mà thôi. Cần phải tiến hành một cách lâu dài lấy lại sự “liêm sỉ” của xã hội bằng giáo dục (coi việc dạy làm người là ưu tiên của học đường), dùng dư luận xã hội lên án và luật pháp nghiêm trị những hành xử bất liêm, trước hết trong tầng lớp công chức theo nguyên tắc chức càng to thì tội càng nặng.

[links()]“Liêm” là một chữ chứa đựng những phẩm chất chung của con người như sự trong sạch, ngay thẳng, không tham lam... Có lẽ vì thế người ta hay coi đó là một phẩm chất rất cần có ở những người có chức vụ trong bộ máy công quyền, xưa kia là quan lại.

Bởi vì, những người làm quan, những người nhân danh Nhà nước thực thi công vụ do đặc thù của cương vị rất dễ sinh lòng tham, lươn lẹo hay nhiễm thói xấu của kẻ có quyền. Vì thế, để được tiếng là “liêm quan” người làm quan phải phấn đấu để vượt qua cám dỗ, được dân “thanh nghị” (bình phẩm) và những thiết chế của triều đình cũng tạo điều kiện cho đội ngũ quan lại của mình giữ được chữ liêm.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Để thực hiện được mục tiêu này, các nhà nước ngày xưa có nhiều biện pháp, ví như “luật hồi tỵ” nhằm hạn chế những môi trường làm cho người làm quan tha hoá (không được làm quan ở quê của mình, không được lấy vợ, tậu nhà tậu đất tại nơi mình trị nhậm...); đồng thời, đặt ra một khoản “dưỡng liêm” để khích lệ về tinh thần, bù trì về vật chất để quan lại tránh bị những món lợi bất chính cám dỗ làm mất thanh danh và uy tín của kẻ cầm quyền. Ngoài lương là khoản thu nhập thưòng xuyên còn có bổng là những khoản khuyến khích của vua, nên còn gọi là “liêm bổng”.

Nói nôm na thì khoản dưỡng liêm hay liêm bổng nó tựa như “trợ cấp chức vụ” ngày nay, vừa thể hiện sự đãi ngộ của nhà nước, vừa tạo ra những chuẩn mực để người làm quan phấn đấu. Trong trường hợp này, sự đánh giá của người dân thông qua dư luận, xã hội, dòng tộc là quan trọng. 

“Dưỡng liêm” là một ý tưởng tích cực, nhưng “dưỡng liêm” bằng cách nào mới là quan trọng. Nếu chỉ nhìn vào một khoản tiền bù đắp thì chỉ là ảo tưởng mà thôi. Cần phải tiến hành một cách lâu dài lấy lại sự “liêm sỉ” của xã hội bằng giáo dục (coi việc dạy làm người là ưu tiên của học đường), dùng dư luận xã hội lên án và luật pháp nghiêm trị những hành xử bất liêm, trước hết trong tầng lớp công chức theo nguyên tắc chức càng to thì tội càng nặng.
Nhưng, mặt khác cũng phải thực tế nhìn nhận vào đồng lương, thu nhập của cán bộ, công chức như hiện nay thì có thể “dưỡng” liêm được không? Một nhà nước mà không nuôi nổi những công chức của mình thì không thể gọi là nhà nước, tựa như một ông chủ mà không nuôi được thầy, thợ của mình thì không đáng mặt ông chủ. Sự kêu gọi liêm khiết của công chức chỉ là để “kêu gọi” mà thôi, hơn thế nữa nó lại khuyến khích bằng cách tạo cho những công chức của mình sự biện hộ “có thực mới vực được đạo”.
Vân Anh (ghi)

Đọc thêm