Chiều qua phà Rạch Miễu...

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phà Rạch Miễu đã đi hết sứ mệnh của mình vào năm 2009, khi cây cầu dây văng Rạch Miễu dài nhất, đẹp nhất Việt Nam nối liền hai bờ Tiền Giang và Bến Tre, mở ra vựa nông sản miền Tây ngút ngàn hoa trái, giao thương được ví như “đường băng cất cánh”. Nhưng với người dân Bến Tre và người miền Tây, phà Rạch Miễu tồn tại suốt 100 năm qua bao thăng trầm của lịch sử vẫn là một cái tên thân thương đầy hoài nhớ…
Phà Rạch Miễu nối hai bờ Tiền Giang và Bến Tre. (Ảnh: Internet)
Phà Rạch Miễu nối hai bờ Tiền Giang và Bến Tre. (Ảnh: Internet)

Ký ức khó quên

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết trong một tạp văn: “Bến Tre lần đầu, tôi ngơ ngác như một cô dâu mới, con phà Rạch Miễu chạy chậm như chiều. Một chuyến phà thong dong, người ta bỏ ra khỏi xe, ngồi ngắm sông, người ta cười nói chậm, đốt thuốc và nhả khói cũng chậm rì. Thời gian như ngưng đọng, trên gương mặt người, trên dòng sông, trên cái cồn đất xanh rì cây trái…”.

Phà Rạch Miễu gắn liền với bao sự kiện lịch sử của đất nước trong gần 100 năm cần mẫn nối hai bờ sông nước. Khi cầu Rạch Miễu được đưa vào sử dụng vào giữa tháng 1/2009, bến phà Rạch Miễu chính thức ngừng hoạt động.

Ở vùng sông nước Cửu Long, thời chưa có cầu, phà Rạch Miễu được xem là con đường huyết mạch từ Bến Tre đi các tỉnh thành và ngược lại. Trong ký ức người miền Tây, từ Tiền Giang qua phà Rạch Miễu là Bến Tre, từ Bến Tre qua phà Hàm Luông là Trà Vinh. Đi theo Quốc lộ 1 thì qua bắc Mỹ Thuận nổi tiếng là đến Vĩnh Long, từ Vĩnh Long qua bắc Cần Thơ vào Tây Đô, đi ngã Sa Đéc qua phà Cao Lãnh đi Cao Lãnh, Hồng Ngự... Đi ngã Lấp Vò qua phà Vàm Cống đến Long Xuyên, từ An Giang qua bắc An Hòa tới Kiên Giang...

Dù vậy, mỗi lần qua phà ai cũng có cảm giác nhẹ nhàng, thích nhìn sông nước miền Tây, không khí mát lạnh, dòng sông yên ả với những rặng bần xanh, những giề lục bình miên man bất tận và những chiếc ghe chài chở lúa đầy ngắc ngư, lờ đờ trôi theo dòng nước. Trên phà lúc nào cũng sôi động, mọi người đều tất bật với công việc mưu sinh - những tiếng rao buồn của các em bé bán đậu phộng rang, bán nước giải khát hoặc cà rem cây.

Trong ký ức người dân nơi đây: “Thời sinh viên đi học, trên đường về quê mà xuống được phà Rạch Miễu thì xem như đã tới nhà. Cái cảm giác được đứng bên lan can của con phà “hải trình dài nhất Việt Nam” đón gió mát từ dòng sông rộng sau khi bước ra từ những chiếc xe chật cứng hành khách của những năm 1980 thật là sảng khoái. Thường mỗi thời điểm phà chạy hai chuyến qua lại. Nhớ lại mỗi lúc hai phà chạy ngang qua cũng ráng nhìn qua bên kia để… tìm người quen…”.

Phà Rạch Miễu cũng được xem là phà sạch nhất Nam bộ. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân từng chia sẻ về phà Rạch Miễu: “Tôi ấn tượng bến phà Rạch Miễu không chỉ vì những chiếc phà hiện đại mà còn vì cung cách người ta quản lý, điều hành các chuyến phà. Trên bờ thì từng đoàn xe xếp hàng trật tự. Dưới phà thì đầy những người bán vé số, bán hàng rong với những cách mời chào rôm rả và những tiếng rao hàng đặc sệt âm hưởng Nam Bộ. Mỗi khi xe xuống phà, mấy anh lơ xe luôn miệng dặn bà con hành khách không được ném rác xuống phà, vì chỉ một cái vỏ trái cây vô tình liệng xuống phà thì nhà xe sẽ bị phạt rất nặng.

Và đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác phải đi bộ qua phà, cứ vội vàng hối hả, nhớn nhác tìm đúng chuyến xe của mình khi qua bờ bên kia mà leo lên. Tôi nhớ có lần bị lỡ xe nhưng nhà xe cho anh lơ xe quay lại tìm. Tôi nhớ có lần thấy cả một chiếc xe đò mất thắng (phanh) từ phà xuống bờ đã lao luôn xuống sông...

Tuy bến phà điều hành khá tốt và những chiếc phà to lớn hiện đại nhưng tình hình khó khăn lúc đó làm giao thông ùn tắc. Muốn qua được phà nhanh lắm cũng mất hai, ba tiếng đồng hồ... Nhưng mỗi khi lên được phà rồi, tôi thường leo lên tầng hai, đứng nhìn qua cửa sổ phà nhìn xuống dòng sông phù sa nâu thắm, nhìn mải mê hai bờ xanh mát bóng cây cối và những chiếc ghe xuôi dòng chạy qua mà cứ ngỡ mình đang đi du lịch trên miền sông nước.

Sau này, khi cầu Rạch Miễu bắt đầu háo hức khởi công và cả khi cầu Rạch Miễu long trọng khánh thành, tôi đều nhận trọng trách lái xe đưa ba tôi về dự lễ. Ba tôi đứng trên cầu tần ngần nhìn về phía bến phà Rạch Miễu cũ và nhớ lại thời thơ ấu của ông. Hồi đó ba tôi từ thị xã Bến Tre đi bộ qua phà

Rạch Miễu để đi học ở Mỹ Tho. Có lần ba tôi qua phà bị kẻ gian móc túi mất hết tiền ông nội cho để đóng tiền học. Kể lại, ba tôi vẫn rưng rưng nước mắt. Sau này, mỗi lần qua phà Rạch Miễu tôi lại nhớ câu chuyện này và thấy thương ba tôi, thương cả những chuyến phà nghèo khổ thời xa xưa ấy”...

Bến phà xưa thương nhớ

Phà Rạch Miễu được lập vào những năm đầu thế kỷ 20. Năm 1909 nó đã được nhắc đến Trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong:

Qua sông Rạch Miễu có đò

Mỗi ngày hai chuyến vô ra hoài hoài.

Phà Rạch Miễu lúc bấy giờ là một chiếc sà lan do mấy chục người hì hục chèo. Phía bên kia là Rạch Miễu, thuộc làng Tân Thạnh, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (sau năm 1945 mới nhập vào Bến Tre). Còn phía bên này là đầu đường Général de Castelneu (nay là đường Nam Kỳ Khởi nghĩa). Bấy giờ xe cộ chưa nhiều, mỗi ngày chỉ có hai chuyến qua lại, chuyên chở xe kiếng, xe kéo của quan lại quyền quí. Còn khách bộ hành chủ yếu đi bằng đò bơi, đò chèo.

Khoảng năm 1924, chiếc sà lan chèo mới được thay thế bằng những chiếc phà chạy bằng động cơ, do vậy mà nhiều người ngỡ phà Rạch Miễu có từ năm ấy. Bởi theo tàng thư thì phà Rạch Miễu ra đời từ năm 1924… Thế rồi khi cầu Rạch Miễu hoạt động, người dân ngang qua bến phà cũ, ngùi ngùi thương hình bóng những chiếc phà năm xưa!

Nơi ấy, ngày cũng như đêm, chiếc phà ngang lầm lũi nặng nề, tách nước sông Tiền váng đục phù sa, chở theo bao bể dâu phận người…

“Chia lửa” quá tải với cầu Rạch Miễu

Sau 12 năm, phà Rạch Miễu tạm đã “trở lại” để giải cứu kẹt xe cho cầu Rạch Miễu từ dịp Tết Nguyên đán 2021. Bến phà Rạch Miễu tạm được xây dựng tại bến đò Song Thuận - cách cầu Rạch Miễu hiện tại khoảng 9km về phía thượng lưu. Ngoài ra, cầu Rạch Miễu 2 tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng, khởi công vào tháng 3/2022, dự kiến hoàn thành sau ba năm.

Về bài thơ và ca khúc có câu

“Bậu qua phà Rạch Miễu”…

“Bậu sang phà Rạch Miễu, qua lẽo đẽo theo sau

Đôi bóng trăng trên đầu

hường như áo cô dâu

Áo bậu đỏ cánh kiến, da bậu vàng phù sa

Mắt ngời xanh nước biển, tim bậu hồng lòng qua”.

… “Bậu sang phà Rạch Miễu, ngoe nguẩy xuống Bến Tre

Về Cái Mơn, Lương Hòa hay là về Sơn Đốc, Ba Tri?

Guốc bậu rụng tiếng lá, thoang thoảng mùi làm duyên

Thoáng mùi thương quá đỗi, mùi tình Lục Vân Tiên”.

Từ nhiều năm nay, ca khúc “Phải lòng người con gái Bến Tre” miên man về những chuyến phà xưa và những địa danh nức tiếng của “xứ cù lao” Bến Tre. Theo nhà thơ Luân Hoán, bài thơ mang tựa là hai câu thơ 7 chữ: “Ta may mắn được làm thi sĩ/ Nhờ đã phải lòng gái Bến Tre”. Bài thơ dài gồm 35 khổ, mỗi khổ 4 câu, sáng tác từ năm 1990, in trong tập thơ của ông vào năm 1991. Toàn bài thơ nhắc đến 8 lần câu “bậu qua (sang) phà Rạch Miễu” như một khẳng định chuyến phà ắt là từ Mỹ Tho qua Bến Tre và trên 28 lần gọi tên các địa danh của Bến Tre. Những địa danh trong ca từ, trong bài thơ dù còn tồn tại hay không, những tên đất, tên sông, tên cồn, tên chợ… đã trở thành “thương hiệu” của đất và người Bến Tre...

Cùng với đó, hai đại từ danh xưng “qua” và “bậu” là hai từ rất xưa, được người miền Trung và cả miền Nam sử dụng trong quá trình đi mở đất, đã in dấu ấn vào ca dao như “Ví dầu tình bậu muốn thôi/Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra...”... Ngày nay, một số người lớn tuổi vẫn còn sử dụng, thay cho hai từ “chàng, nàng” hay “anh, em”. Ngoài ra, hàng loạt các từ như “lẽo đẽo, ngoay ngoảy, hổng nghe, cầm đậu lòng, mắc cỡ, giả bộ, quắn quíu phát khùng, cáu tức, bén rễ, hết xẩy, phất phơ” là những phương ngữ Nam bộ, không cần những gọt dũa mà cũng thấm đậm hồn người!

Và đó còn là những mối tình phà, khi người ta lên phà, rời bến, người ta sống một cách khác rồi. Lòng rộng mở cùng sông nước, chập chùng cùng bãi bờ. Người ta bỗng dễ thương chi lạ. Nếu không, đâu có L’amant (Người tình) của Marguerite Duras thuở nào… Chỉ có ở trên phà, người ta mới dễ mời mọc xâu nem, bịch bánh tráng, mía, bắp, trái cây các thứ. Chỉ có ở trên phà, người ta mới dễ nhũn lòng với tiếng hát tiếng rao. Sau những giờ chờ đợi mướt mồ hôi, người ta uống vội trái dừa tươi hay ly trà đá để kịp chen chúc xuống phà. Nhiều cặp đôi đã nên duyên từ đó. Như ai đó “Phải lòng người con gái Bến Tre”…

Đó cũng chính là lý do vì sao địa danh Rạch Miễu bé nhỏ đã vượt qua giới hạn của một địa phương, vang mãi ra xa, đi vào lòng dân tộc, đi vào văn học và trở thành một nét son trong lịch sử phát triển của vùng đất phương Nam trù phú với những con người hào sảng, nghĩa hiệp này…

Đọc thêm