Chính Phủ cấm hành vi bắt con rể ở nhà bố mẹ vợ để trả nợ

(PLO) - Bắt đầu từ ngày 15/2 tới đây, hành vi cản trở hôn nhân do khác dân tộc, tôn giáo hay tập tục buộc con rể ở rể sau khi kết hôn để trả công cho bố, mẹ vợ nếu không có tiền cưới và đồ sính lễ sẽ bị nghiêm cấm.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình; trong đó đáng chú ý là quy định về chế độ tài sản của vợ chồng cũng như các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình bị cấm áp dụng.
Theo quy định, quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ; tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác được coi là tài sản riêng của vợ, chồng.
Ngoài ra, tài sản riêng của vợ, chồng còn có khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Cũng theo Nghị định này, tài sản chung của vợ chồng bao gồm: khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp (trừ khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định về ưu đãi người có công với cách mạng)...
Đối với quyền sử dụng đất và những tài sản khác mà pháp luật có quy định phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu, phải được đăng ký theo quy định tại Điều 34 Luật Hôn nhân và Gia đình. Với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng.
Ảnh minh họa từ Internet
Ảnh minh họa từ Internet
Trường hợp tài sản chung được chia trong thời kỳ hôn nhân mà trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên cả vợ và chồng thì bên được chia phần tài sản bằng hiện vật có thể yêu cầu cơ quan đăng ký tài sản cấp lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở văn bản thỏa thuận của vợ chồng hoặc quyết định của Tòa án về chia tài sản chung.
Cùng với quyền xác lập về tài sản, Nghị định cũng quy định chi tiết các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình bị cấm áp dụng. Cụ thể, cấm áp dụng chế độ hôn nhân đa thê; tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ; thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò... để dẫn cưới) hay đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn. Pháp luật cũng nghiêm cấm hành vi cản trở hôn nhân do khác dân tộc, tôn giáo hay tập tục buộc con rể ở rể sau khi kết hôn để trả công cho bố, mẹ vợ nếu không có tiền cưới và đồ sính lễ.  
Việc đăng ký kết hôn không do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện; kết hôn trước độ tuổi quy định; cưỡng ép kết hôn do xem “lá số” và do mê tín dị đoan.. cũng là những hủ tục cần vận động để xóa bỏ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2015.

Đọc thêm