Tài sản chung của vợ chồng dễ bị “biến” thành… của riêng?

(PLO) - Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) hiện hành quy định tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định  và “đồ dùng, tư trang cá nhân”. Tuy nhiên, với quy định này, nhiều ý kiến cho rằng “mập mờ khó hiểu” và đặc biệt dễ bị “biến tài sản chung thành tài sản riêng” với những tư trang có giá trị lớn.

Sau thời gian thi hành Luật HNGĐ, trong đó có quy định về tài sản riêng của vợ chồng, Bộ Tư pháp cũng thừa nhận quy định tất cả đồ dùng, tư trang cá nhân thuộc tài sản riêng của vợ, chồng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Do Luật không quy định giới hạn về mục đích sử dụng và giá trị của các tài sản này sẽ dẫn đến nhiều trường hợp quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng bị xâm phạm, nhất là trong trường hợp đồ dùng, tư trang cá nhân đó chiếm một tỷ trọng lớn trong khối tài sản chung của vợ chồng hoặc không phục vụ nhu cầu thiết yếu của họ.
Hiện nay, Luật HN GĐ đã ghi nhận và bảo vệ quyền sở hữu tài sản riêng của vợ, chồng. Tuy nhiên, việc chứng minh đâu là tài sản riêng trên thực tế hiện nay gặp rất nhiều khó khăn nếu hai bên không có thỏa thuận trước hoặc không có các chứng cứ, tài liệu để chứng minh cụ thể…
Như vậy có thể hiểu, quy định hiện hành khiến tài sản chung dễ bị biến thành “của riêng” nếu một bên vợ hoặc chồng có “nhã ý” biến nó thành của riêng. Góp ý Dự thảo Luật HNGĐ, UBND tỉnh Quảng Ninh lo ngại: “Trên thực tế có một số loại đồ dùng, tư trang cá nhân như nhẫn kim cương, hột xoàn, dây chuyền vàng... có giá trị rất lớn, chiếm tỷ trọng đáng kể trong khối tài sản chung của vợ chồng. Nguồn gốc có những tư trang đó có thể lại xuất  phát từ chính khối tài sản chung của vợ, chồng. Vì vậy, Dự thảo Luật cũng nên đưa ra tỷ lệ nhất định số được gọi là tư trang đối với tổng khối tài sản chung của vợ chồng”.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh: “Nếu giá trị của mỗi loại đồ dùng, tư trang cá nhân dưới hoặc bằng giới hạn cho phép thì chúng ta thừa nhận đó là tài sản riêng của vợ, chồng. Còn nếu chúng có giá trị vượt quá giới hạn cho phép thì chúng ta cần dùng những quy định chung để xét đồ dùng, tư trang cá nhân đó có nguồn gốc là tài sản chung hay tài sản riêng.
Nếu đồ dùng, tư trang cá nhân có nguồn gốc từ tài sản chung của vợ chồng, ví dụ như được mua từ tài sản chung của vợ chồng thì chúng ta thừa nhận các tài sản này là tài sản chung của vợ chồng. Còn nếu đồ dùng, tư trang cá nhân đó có nguồn gốc từ tài sản riêng như mua bằng tài sản riêng, được tặng cho riêng… thì chúng ta thừa nhận đó là tài sản riêng của họ”. 
Do đó, UBND tỉnh này đề nghị Dự thảo Luật cần quy định rõ ràng vấn đề này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ, chồng khi xác định tài sản trong hôn nhân cũng như phân chia tài sản khi ly hôn. Vì nếu không quy định cụ thể sẽ rất dễ dàng để một bên cố tình lấy tài sản chung để mua những đồ dùng, tư trang tạo thành khối tài sản riêng cho mục đích của mình.
Ngoài những tài sản như luật hiện hành, Dự thảo Luật HNGĐ sửa đổi bổ sung quy định tài sản mà vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân thông qua giao dịch bằng tài sản riêng và sửa đổi theo hướng tài sản riêng là “đồ dùng, tư trang phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần định lượng rõ như thế nào là “nhu cầu thiết yếu”, nếu không sẽ khó khắc phục bất cập của luật hiện nay.
Tương tự, theo Điều 33 Luật HNGĐ năm 2000, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng quy định tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được đưa vào sử dụng mà lợi tức từ tài sản riêng đó là “nguồn sống duy nhất của gia đình” thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thỏa thuận của cả vợ chồng. Đây là điều khoản được đánh giá là có tính nhân văn, nhưng Luật không quy định rõ thế nào là “nguồn sống duy nhất của gia đình” dẫn tới tính khả thi của quy định còn thấp. Do đó, cần có quy định cụ thể trong Luật Sửa đổi để thuận lợi cho việc áp dụng quy định này trên thực tế.

Đọc thêm