Chinh phục thị trường Việt: 'Đừng bán hàng, hãy bán sự khác biệt'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo ông Phạm Thanh Học - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng thương hiệu, đổi mới tư duy, cách làm với phương châm “Bạn đừng bán hàng, hãy bán sự khác biệt” để ngày càng có nhiều người tiếp cận, sử dụng các sản phẩm do thương hiệu Việt sản xuất.
Đoàn kiểm tra tại Tổng Công ty May 10.
Đoàn kiểm tra tại Tổng Công ty May 10.

Mới đây, Đoàn kiểm tra số 2 do ông Phạm Thanh Học chủ trì, phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố đã làm việc tại Tổng Công ty May 10 (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam).

Báo cáo với Đoàn kiểm tra, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Bạch Thăng Long cho biết, Tổng Công ty May 10 hiện có trên 12 ngàn lao động, trong đó, có hơn 7 ngàn lao động trực thuộc Tổng Công ty. Đơn vị sản xuất các mặt hàng quần áo, phụ liệu ngành may và sản xuất trang thiết bị y tế; kinh doanh siêu thị, khách sạn; đào tạo nghề, xuất nhập khẩu trực tiếp; giáo dục mầm non, y tế. 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Tổng Công ty đạt hơn 3 ngàn tỷ đồng; thu nhập bình quân người lao động đạt hơn 9,3 triệu đồng.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Tổng Công ty May 10 đã sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến để sản xuất hàng trong nước, có quy trình bắt buộc kiểm tra 100% sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Nhờ đó, các sản phẩm của Tổng Công ty ngày càng đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng trong nước.

Ngoài ra, Tổng Công ty đã đẩy mạnh kênh phân phối, quảng bá thương hiệu qua hệ thống gần 200 cửa hàng, đại lý tại 3 miền Bắc, Trung, Nam và kênh thương mại điện tử, các mạng xã hội, các sàn giao dịch điện tử, cung cấp đồng phục cho các đơn vị.

Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 đề xuất thành phố đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến, tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm thương hiệu mạnh. Đồng thời, hỗ trợ trong phát triển tìm kiếm thị trường đầu ra. Ông Bạch Thăng Long cũng kiến nghị các cơ quan chức năng có các biện pháp hữu hiệu để giảm tình trạng hàng giả, hàng nhái, lợi dụng thương hiệu gây ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm của các đơn vị.

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Mạc Quốc Anh, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho hay, thời gian qua, Hiệp hội đã đẩy mạnh thúc đẩy tiêu thụ nội khối, tạo ra chuỗi giá trị cung ứng giữa các doanh nghiệp trong Hiệp hội, trực tiếp sử dụng sản phẩm của nhau.

Nhấn mạnh đến vai trò của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Mạc Quốc Anh đánh giá, Cuộc vận động đã giúp các doanh nghiệp có nhiều hoạt động thương mại hiệu quả, khẳng định giá trị thương hiệu Việt.

Để đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ và phát triển hội viên, ông Mạc Quốc Anh cho biết, Hiệp hội đã mở thêm 3 văn phòng tại các quốc gia là: Áo, Nhật, Mỹ để thúc đẩy đưa các sản phẩm, dịch vụ của các thành viên Hiệp hội ra các nước đối tác.

Từ những ý kiến đưa ra, ông Phạm Thanh Học, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đề nghị các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu và phải thực hiện một cách kiên trì, đổi mới tư duy, cách tiếp cận với phương châm: “Bạn đừng bán hàng, hãy bán sự khác biệt”.

Ông Học cũng đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại và thúc đẩy tinh thần nêu gương, sử dụng hàng Việt trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Có các biện pháp xử lý triệt để tình trạng hàng giả, hàng nhái, lợi dụng thương hiệu gây mất lòng tin của người tiêu dùng trong nước.

Đại diện phía Hiệp hội đề xuất, từ trước đến nay Cuộc vận động mới chỉ tôn vinh các doanh nghiệp, do vậy, năm nay nên có giải thưởng hay hình thức tôn vinh người tiêu dùng tại các cuộc bình chọn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần có bảng đánh giá để định lượng xem thu được hiệu quả gì sau khi tham gia các Chương trình, cuộc bình chọn từ đó rút ra các kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế.

Đọc thêm