Chợ đầu mối quốc tế: Bí bách trước bài toán mặt bằng và vốn đầu tư

(PLO) - Với thị trường 100 triệu dân như Việt Nam, việc có một Chợ đầu mỗi (CĐM) quốc tế là điều cần thiết và được thực hiện theo mô hình mới với các tổ hợp, không đơn thuần chỉ là mua và bán. 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Mô hình chợ đầu mối (CĐM) thời 4.0 như Bình Điền và Hóc Môn (TP HCM) đang là điểm sáng để các CĐM ở các tỉnh, TP học tập. Tuy nhiên, các địa phương khác, trong đó có Hà Nội hiện thực hóa được mô hình CĐM hiện đại này khi mặt bằng và vốn đầu tư đang là bài toán khó giải?

Do thiếu mặt bằng?

Ông Nguyễn Trọng Hoàng, đại diện Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico), đơn vị quản lý CĐM Minh Khai, cho biết, hiện, Hadico đang quản lý ATTP theo hình thức yêu cầu 100% các hộ kinh doanh phải ký cam kết bán hàng đảm bảo vệ sinh ATTP, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, định kỳ hàng tuần, hàng tháng, Ban Quản lý chợ tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng toàn bộ mặt bằng chợ. 

Bên cạnh đó, Ban Quản lý chợ cũng phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra thực phẩm gia súc, gia cầm tươi sống và các loại thịt chín. Các đơn vị phối hợp sẽ triển khai các loại xe test (kiểm tra) nhanh để phát hiện các thực phẩm nhiễm bẩn, có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Xe test được thực hiện theo kế hoạch định kỳ. Mỗi lần test lấy khoảng 10 mẫu thực phẩm. Cho đến nay, vẫn chưa phát hiện được bất kỳ loại thực phẩm mất an toàn nào. Với cách quản lý nêu trên, đại diện Hadico khẳng định, đã đạt được mục tiêu khi tiến hành đầu tư, quản lý CĐM.

Tuy nhiên, khi đề cập đến việc Hadico có thể triển khai theo mô hình CĐM thời 4.0 như TP HCM đã làm, ông Hoàng khẳng định, để làm được điều này, Hadico cần chú trọng vào công tác nhân sự, đầu tư trang thiết bị, cơ cở vật chất, hạ tầng, từng bước hiện đại hóa quản lý và nâng cấp cơ sở hạ tầng. 

Đề xuất đầu tiên mà ông Hoàng đưa ra là cần phải có mặt bằng rộng lớn hơn (hiện CĐM Minh Khai có diện tích 3,6ha). Nhưng để có thêm được mặt bằng trong điều kiện hiện nay không hề đơn giản. Đây cũng là vấn đề mà ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đã đề cập đến. Theo ông Hải, muốn có một mô hình CĐM giống như thế giới đang làm phải tạo điều kiện về chính sách, đặc biệt vấn đề về mặt bằng.

Theo Quy hoạch mạng lưới bán buôn bán lẻ của Hà Nội đến năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm 5 CĐM, trong đó có 1 chợ ở xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) đã được Công ty Cổ phần Pan Asia One đề xuất xây dựng. Ngoài 5 chợ trong quy hoạch, hiện Tập đoàn Vingroup cũng đề xuất xây dựng thêm CĐM ở xã Yên Viên, huyện Gia Lâm. Được biết Vingroup đang hợp tác với Tập đoàn Semmaris (Pháp) nghiên cứu đề xuất về quy mô, tính chất CĐM. 

Nhưng, bước đầu, Dự án CĐM ở xã Phù Đổng đang gặp khó khăn do khu đất thực hiện Dự án là đất bãi ngoài đê, mật độ xây dựng không quá 5% theo quy định của Luật Đất đai. Ông Hải cho rằng, mỗi dự án CĐM đều gặp những khó khăn nhất định về mặt bằng và quy mô xây dựng, Chính phủ phải tháo gỡ được vấn đề này, Hà Nội mới có thể tiến hành đầu tư CĐM theo đúng tiêu chuẩn thế giới.

Sẽ đầu tư CĐM quốc tế với mức đầu tư hàng trăm triệu USD?

Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, hạn chế lớn nhất khi đầu tư các mô hình CĐM tiêu chuẩn chính là việc nguồn vốn đầu tư khá cao, trung bình phải cần từ 40-100 tỷ đồng/chợ. Trong khi đó nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước rất hạn chế, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết, Vụ đang chỉ đạo thực hiện Dự án CĐM quốc tế, do Công ty Proton và đối tác lập, thực hiện đầu tư. Dự án có quy mô từ 200 ha với mức đầu tư khoảng 1 triệu USD/ha. Được biết, Dự án CĐM quốc tế sẽ tạo ra hệ sinh thái thương mại bán buôn mới, hướng sản xuất dựa trên nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ 4.0 để giảm chi phí sản xuất, chi phí logictis… Dự án cũng đặt mục tiêu sẽ là trung tâm giao thương hiện đại, quy mô đa quốc gia dưới dự hỗ trợ phát triển và kết nối thị trường quốc tế của Mercasa Group. Được biết, Mercasa đang sở hữu và quản lý 23 CĐM hoạt động tại Tây Ban Nha với giá trị thương mại hàng hoá lưu thông hàng năm lên đến 19 tỷ USD. 

Ông Carlos Dominguez, đại diện Đại sứ quán Tây Ban Nha ở Việt Nam cho biết, trước khi tiến hành đầu tư CĐM phải hiểu hết khái niệm CĐM. Bởi CĐM không chỉ là nơi bán hàng mà còn là nơi kết nối sản phẩm phân phối, giao lưu và gìn giữ các giá trị văn hóa. Tại CĐM Tây Ban Nha, các dịch vụ chế biến, ăn uống luôn đảm bảo truy xuất nguồn gốc, ATTP, môi trường và rác thải… Qua đó, đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, đổi mới hệ thống bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Long, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Proton khẳng định, việc thực hiện mô hình CĐM quốc tế này có lẽ là tương lai xa, bởi hiện nay, các CĐM ở Việt Nam vẫn mới chỉ dừng lại ở hình thức bán và mua… 

Đọc thêm