Cho rằng bị cạnh tranh không lành mạnh, nhà sản xuất gửi đơn “cầu cứu”

(PLO) - Liên tiếp “dính” vào những “sự cố đáng ngờ”, cho rằng mình bị cạnh tranh không lành mạnh, ngày 13/4, Công ty TNHH Thương mại- Dịch vụ Tân Hiệp Phát (THP) đã làm đơn gửi đến Bộ Công thương, Cục Quản lý cạnh tranh, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam để mong rằng các cơ quan này có biện pháp can thiệp…
Theo như trình bày trong đơn của THP, thời gian qua, lợi dụng sự cố một khách hàng của THP có hành vi đe dọa, tống tiền doanh nghiệp này, trong khi các cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức thì một số trang mạng không rõ nguồn gốc đã tung tin xuyên tạc, kết hợp theo đó là những bình luận chủ quan, bịa đặt mang tính tiêu cực, phiến diện một chiều gây hoang mang cho người tiêu dùng. 
Nghiêm trọng hơn, theo đơn “cầu cứu” của THP, hàng loạt Facebook lấy tên của công ty này xuất hiện, nhiều hình ảnh cá nhân lãnh đạo cũng như các nhãn hiệu hàng hóa và thương hiệu của công ty bị Facebook này chỉnh sửa làm biến dạng, làm xấu đi hình ảnh của THP trong mắt người tiêu dùng. 
Không những vậy, phía THP cũng cho rằng, thời gian ngắn vừa qua, hàng loạt các sự cố… lạ lùng liên quan đến sản phẩm của công ty cũng lần lượt xuất hiện. Theo THP, những sự cố này là vô lý, bất thường, thể hiện sự việc đã được tính toán và sắp đặt kỹ lưỡng từ trước. 
“Như quý Cơ quan chức năng cũng nắm biết được thông tin thông qua Hiệp hội ngành nghề, và thêm nữa là nội dung trình bày của Công ty Tân Hiệp Phát ở trên, thì hàng loạt sự việc đã và đang xảy ra nhằm vào Công ty Tân Hiệp Phát rất bất thường, thể hiện rõ có sự sắp đặt, chuẩn bị và tiến hành rất bài bản, hệ thống theo một kế hoạch đã được vạch sẵn trước đó, cùng với sự liên kết của nhiều cá nhân, tổ chức nhằm tấn công và gây thiệt hại cho Công ty Tân Hiệp Phát để đạt được những mục tiêu phi pháp”, THP trình bày trong đơn của mình.
Trao đổi với phóng viên, đại diện công ty này cho biết, THP có hơn 20 năm hình thành và phát triển, hàng ngàn lao động của THP đã nỗ lực để tạo ra nhiều sản phẩm hương vị Việt chất lượng cao nhằm bảo đảm an toàn và tốt cho sức khỏe người Việt, nhằm đi đến mục tiêu xa hơn là tạo dựng và phát triển Giá Trị Việt – Thương Hiệu Việt trong bối cảnh hội nhập khu vực, quốc tế. Tuy nhiên, với hành vi phá hoại, cạnh tranh không lành mạnh trên đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề không thể khắc phục cho THP. Nghiêm trọng hơn, nếu những hành vi cạnh tranh không lành mạnh này không được ngăn chặn chấm dứt kịp thời, có thể mong ước và nỗ lực phát triển Giá Trị Việt – Thương Hiệu Việt của Công ty Tân Hiệp Phát nói riêng, và của người dân Việt nói chung sẽ không còn cơ hội để thực hiện. 
Qua đơn “cầu cứu” của mình, THP mong muốn Bộ Công thương, Cục quản lý cạnh tranh, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cùng nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác có biện pháp tích cực và kịp thời để ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh này.
Box: Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện trang thông tin “suthattanhiepphat.com” (Sự thật Tân Hiệp Phát- PV) đã liên tiếp đăng tải những thông tin khiến nhiều người lầm tưởng đây là “sản phẩm” do THP lập lên để “phản pháo” những trang mạng ngoài luồng đang công kích doanh nghiệp này. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, đại diện THP khẳng định, họ không hề liên quan đến trang mạng này. THP chỉ có hai trang thông tin là http://www.thp.com.vn và http://congthongtin.thp.com.vn. “Đây là hai kênh thông tin chính thức của công ty. Ngoài hai kênh này thì THP không sử dụng bất cứ trang mạng, diễn đàn nào khác trên internet”, đại diện THP cho biết.
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm