Chống hàng giả và vi phạm bản quyền theo kinh nghiệm Thụy Sỹ

Để thu hút sự quan tâm của xã hội, nhất là giới trẻ, chiến dịch có sự tham gia của các diễn viên, ca sỹ nổi tiếng của Thụy Sỹ. Bên cạnh đó, Chính phủ Thụy Sỹ đã có nhiều biện pháp mạnh để trấn áp nạn hàng giả như công khai tên doanh nghiệp làm hàng giả trên truyền hình, tổ chức tiêu hủy hàng giả, triển lãm hàng thật và hướng dẫn người dân cách thức nhận biết hàng thật trong quá trình mua hàng. 
Trong một chuyến công tác, chúng tôi đã có dịp đặt chân tới đất nước xinh đẹp Thụy Sỹ, nơi nổi tiếng với các ngân hàng, các nhãn hiệu hàng đầu thế giới đặc biệt là đồng hồ và các sản phẩm trí tuệ cùng KH&CN phát triển… 
Thương hiệu quốc gia SWISS MADE 
Đến Thụy Sỹ, những hình ảnh đầu tiên choán ngợp tầm mắt khách phương xa là những chiếc đồng hồ khắp nơi, từ các cửa hiệu sáng choang cho tới từng ngôi nhà, từng góc phố cổ kính và yên tĩnh tới lạ lùng. Và nữa là những cửa hàng, cửa hiệu với màu đỏ đặc trưng gắn biển SWISS MADE. 
Đồng hồ được xem như biểu trưng của ngành CN Thụy Sĩ
Thụy Sỹ vốn có truyền thống lịch sử về sự trung lập. Kể từ năm 1815 đến nay, họ chưa xảy ra bất kỳ một cuộc chiến tranh nào. Cả thế giới đặt đất nước này trong sự bao bọc và bảo vệ. Các ngân hàng và các tổ chức quốc tế quan trọng như Unesco, Tổ chức Thương Mại Thế giới đều đặt trụ sở chính tại đây.
Ngoài ra, Thụy Sỹ  có nền  KH&CN phát triển, trong đó có nhiều ngành đạt trình độ hàng đầu trên thế giới như: cơ khí chế tạo (nổi tiếng nhất thế giới về sản xuất đồng hồ chính xác và sang trọng), điện cơ, hóa chất,…. Chính phủ Thụy Sỹ đã ban nhiều nhiều đạo luật về KH&CN và SHTT, thành lập tòa án riêng về SHTT, phát triển tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuyên truyền nâng cao nhận thức của công chúng về SHTT, xây dựng thương hiệu quốc gia SWISS MADE, hỗ trợ đưa nhanh các kết quả nghiên cứu ra thị trường...
Đáng chú ý trong các hoạt động trên là chiến dịch chống hàng giả và vi phạm bản quyền nhằm bảo vệ quyền sáng tạo, hỗ trợ cho hoạt động ngoại thương và tạo môi trường kinh tế lành mạnh. Ủy ban thương mại và đầu tư (CTI) trực thuộc Cục liên bang về các vấn đề kinh tế từ năm 1943, với ngân sách khoảng 100 triệu USD/1năm có chức năng hố trợ cho quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các Trường Đại học và Viện nghiên cứu.
Trong khoảng 3 năm, từ khi có kết quả nghiên cứu đến khi khởi tạo thành công doanh nghiệp KHCN, CTI  sẽ hồ trợ về tài chính, bí quyết công nghệ, đào tạo về quản lý, mạng lưới chuyên gia và SHTT để các doanh nghiệp KH&CN đưa kết quả nghiên cứu nhanh chóng trở thành hàng hóa trên thị trường. Tính đến nay, CTI đã thúc đẩy sang tạo thành công 1.600 doanh nghiệp KHCN hoạt động có hiệu quả trên thị trường, thành công của tập đoàn HeiQ chuyên sản xuất vật liệu Nano là một ví dụ.
Để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, Chính phủ Thụy Sỹ đặc biệt quan tâm đến phát triển KH&CN và xây dựng xã hội sáng tạo. Hàng năm Chính phủ liên bang và các địa phương chi khoảng 18,4% trong tổng số chi ngân sách cho giáo dục và nghiên cứu khoa học. Theo thống kê của Viện sở hữu trí tuệ liên bang Thụy Sỹ (IPI), số lượng sáng chế của Thụy Sỹ trên dân số (khoảng 7,5 triệu người) đứng hàng đầu thế giới, Thụy Sỹ đã thành lập Cơ quan thúc đẩy sáng tạo.
Sức mạnh của truyền thông 
SHTT là một bộ phận cấu thành trong quá trình biến các kết quả nghiên cứu thành hàng hóa trên thị trường. Vì vậy, Thụy sỹ rất quan tâm đến công tác truyền thông về SHTT cho công chúng, tùy từng đối tượng khác nhau đều có nghiên cứu về phương pháp truyền thông phù hợp, sự kết hợp giữa cơ quan nhà nước, nhà sản xuất, người dân và giới truyền thông  trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ được phối hợp hiệu quả và chế tài mạnh (Luật hải quan mới của Thụy sỹ cho phép Hải quan tịch thu hàng giả ngay tại cửa khẩu). 
Hiện tượng hàng giả và vi phạm bản quyền đã là vấn đề đáng lo ngại trên phạm vi toàn thế giới. Về cơ bản, không có ngành công nghiệp nào là không bị ảnh hưởng: phần mềm, nhạc, phim, hình ảnh, các loại thuốc, thực phẩm và thậm chí cả máy móc  đều có thể bị làm giả hoặc sao chép mà không được phép, đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay. Hậu quả của vấn nạn hàng giả và vi phạm bản quyền đối với doanh nghiệp và xã hội là rất lớn. Người ta ước tính rằng nền kinh tế Thụy Sỹ bị thiệt hại 2 tỷ USD hàng năm do nạn hàng giả và vi phạm bản quyền. Trên phạm vi toàn cầu, thiệt hại do hàng giả và vi phạm bản quyền ước tính khoảng vài trăm tỷ USD mỗi năm. 
Quan trọng hơn những thiệt hại về kinh tế, hàng giả và vi phạm bản quyền làm suy yếu hệ thống khuyến khích sáng tạo và hạn chế đầu tư đổi mới ngay cả trong các quốc gia là nguồn gốc của hàng giả này. Chiến dịch được tổ chức với sự cam kết mạnh mẽ của cơ quan nhà nước và được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, tại sân bay, rạp chiếu phim....
Để thu hút sự quan tâm của xã hội, nhất là giới trẻ, chiến dịch có sự tham gia của các diễn viên, ca sỹ nổi tiếng của Thụy Sỹ. Bên cạnh đó, Chính phủ Thụy Sỹ đã có nhiều biện pháp mạnh để trấn áp nạn hàng giả như công khai tên doanh nghiệp làm hàng giả trên truyền hình, tổ chức tiêu hủy hàng giả, triển lãm hàng thật và hướng dẫn người dân cách thức nhận biết hàng thật trong quá trình mua hàng. 
Trong khoảng 2 năm triển khai, Chiến dịch đã thu được kết quả tốt đẹp, nạn hàng giả và vi phạm bản quyền đã giảm nhanh chóng, góp phần bảo vệ và xây dựng thương hiệu của hàng hóa Thụy Sỹ trên thế giới, tạo dựng một quốc gia thịnh vượng với GDP bình quân đầu người khoảng 35.000 USD/năm.   
Nhìn vào thực tế Việt Nam, chuyên gia về SHTT của Thụy Sỹ cho rằng Việt Nam nên xây dựng chiến lược SHTT mang tầm quốc gia, từng bước xây dựng thương hiệu quốc tế cho một số sản phẩm của Việt Nam, đẩy mạnh chiến dịch chống hàng giả và vi phạm bản quyền, tạo dựng  môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước, cơ quan truyền thông trong việc xây dựng thương hiệu và bảo vệ quyền SHTT của chính doanh nghiệp mình.    
Uyên Na

Đọc thêm