Ông Phạm Anh Tuấn. |
Nạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh
Tình trạng tham nhũng trong bộ máy công quyền là nguyên nhân quan trọng nhất làm suy yếu bộ máy nhà nước cũng như năng lực làm việc của công chức, qua đó làm kìm hãm sự phát triển của đất nước. Thưa ông, dường như công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua chưa tạo được sự chuyển biến ?
- Tham nhũng là hiện tượng xã hội phức tạp, luôn song hành cùng quá trình thực hành quyền lực, không chừa một quốc gia nào. Thời gian qua ở Việt Nam, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt một số kết quả quan trọng, nhất là trong lĩnh vực xây dựng thể chế và triển khai các biện pháp phòng ngừa. Trên một số lĩnh vực tham nhũng bước đầu được kiềm chế như: quản lý và sử dụng tài sản công; sử dụng vốn ODA; chi tiêu thường xuyên bằng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. So với nhiều năm trước đây, quyết tâm và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến triển, tạo tiền đề thúc đẩy cho những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, chống tham nhũng là cuộc chiến khó khăn, lâu dài; mặc dù chúng ta đã tập trung chỉ đạo, quyết tâm cao, nhưng đúng là công tác phòng, chống tham nhũng chưa tạo được sự chuyển biến có tính cơ bản. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình, không ít hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục, tham nhũng chưa được đẩy lùi. Giữa quyết tâm chính trị chống tham nhũng và hành động chống tham nhũng còn khoảng cách.
Trả lời giới truyền thông, ông từng nói, hiện tượng tham nhũng nhỏ ở ta rất nhiều. Và trên thực tế, nạn nhũng nhiễu trong các bộ máy công quyền phổ biến đến mức mà người dân phải chấp nhận“chung sống” hòa bình với nó. Vì sao lại như vậy, thưa ông?
“Tham nhũng nhỏ, đời thường, dễ nhìn thấy đó là sự sách nhiễu, vòi vĩnh của nhũng người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Tình trạng nhũng nhiễu như hiện nay đầu tiên phải kể đến là do sự tha hóa của một bộ phận người có chức vụ, quyền hạn khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ”. |
- Thế nào là tham nhũng lớn, tham nhũng nhỏ. Tham nhũng lớn tạm hiểu là những vụ, việc giá trị tài sản bị chiếm đoạt lớn, gây bức xúc, bất bình trong xã hội, cái này chắc chắn xã hội đồng thuận cao phải chống quyết liệt. Còn tham nhũng nhỏ, đời thường, dễ nhìn thấy đó là sự sách nhiễu, vòi vĩnh của nhũng người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Tình trạng nhũng nhiễu như hiện nay đầu tiên phải kể đến là do sự tha hóa của một bộ phận người có chức vụ, quyền hạn khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Song không thể không tính đến yếu tố là do tâm lý của một số người mong muốn được việc nên chủ động “quà cáp”. Cả hai cái cộng hưởng với nhau dẫn đến tâm lý của một bộ phận xã hội tặc lưỡi, chấp nhận “chung sống” với tham nhũng nhỏ như hiện nay.
Tôi nhớ một lần sang công tác tại CHLB Nga, chứng kiến cảnh nhân viên Cảnh sát Nga nhũng nhiễu thô bạo, hỏi bà con mình sinh sống bên Nga, tôi bất ngờ nhận được câu trả lời, nguyên nhân tình trạng trên một phần do người nước ngoài, trong đó không ít người Việt Nam khi tiếp xúc với Cảnh sát, để tránh rắc rối thường chủ động lót tiền, lâu dần tạo thành thói quen cho Cảnh sát. Tôi xin nói lại, thói quen này rất tác hại đến sự lành mạnh của cơ thể xã hội.
Chống tham nhũng không phải là phong trào
Công chức, cán bộ nhà nước nhất là công chức, viên chức trong những ngành nghề thuộc các lĩnh vực “nhạy cảm” như đất đai, khai thác khoáng sản, xây dựng cơ bản, công an, thuế vụ, hải quan... thường bị phản ánh nhũng nhiều, tham nhũng, ăn hối lộ nhiều hơn các lĩnh vực khác. Ông có suy nghĩ như thế nào về đạo đức, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức của ta hiện nay?
- Đúng thế. Trong bất cứ bộ máy công quyền nào cũng có một bộ phận phải thường xuyên tiếp xúc, trực tiếp giải quyết công việc của người dân ở những lĩnh vực “nhạy cảm”; sự phản ánh là có cơ sở. Ta hình dung, sức đề kháng như nhau, môi trường dễ ô nhiễm khác nhau thì số lượng người nhiễm bệnh sẽ khác nhau. Những người thường xuyên công tác trong môi trường dễ tham nhũng đương nhiên khả năng và tỷ lệ mắc tham nhũng sẽ nhiều hơn môi trường khác và đúng như thực tế đang xảy ra.
Nói như vậy không lẽ họ là nạn nhân của hoàn cảnh, thưa ông?
- Đã có bạn hỏi tôi như vậy. Họ không phải là nạn nhân mà chính họ là thủ phạm, môi trường chỉ là điều kiện. Không phải bất cứ ai trong môi trường đó cũng tham nhũng, có nhiều người sa ngã nhưng cũng có bao nhiêu tấm gương liêm khiết, biết giữ mình đáng trân trọng trong những lĩnh vực công tác “nhạy cảm” này, vì vậy không thể biện minh tham nhũng là do hoàn cảnh. Tôi rất tâm đắc câu nói của một đồng chí lãnh đạo cấp cao, chống tham nhũng phải bắt đầu từ chính bản thân mình.
Thưa ông, chuyện “cơm áo gạo tiền” cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự trong sach, thanh liêm của ván bộ, công chức. Và thường nếu thu nhập không đủ sống, thì họ ắt phải tận dụng quyền lực mình có trong tay để mưu lợi?
“Cuộc chiến chống tham nhũng, làm thanh sạch đội ngũ cán bộ công quyền phải có sự vào cuộc, sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; không hy vọng có một công cụ hay một biện pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết ngay được vấn đề.” |
- Hành vi con người do hai yếu tố chi phối, đó là bản năng vật chất và lý trí xã hội. Như tôi đã nói, trong điều kiện, hoàn cảnh như nhau, không phải ai cũng tham nhũng. Nhu cầu bản năng vật chất của con người là cái vốn có và giống nhau, khác nhau là ở lý trí mỗi con người. Anh có đủ lý trí để tự vượt qua thôi thúc bản năng vật chất hay không. Nếu anh cứ hành động theo bản năng, dễ dàng tận dụng quyền lực mình có trong tay để tham nhũng nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất là điều khó chấp nhận, chưa kể đâu là giới hạn của sự thỏa mãn nhu cầu vật chất.
Vì vậy, để hạn chế tham nhũng, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, bồi bổ ý thức, làm cho mọi cán bộ, công chức, đảng viên và người dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng. Nhận thức phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có một phần trách nhiệm của mình.
Mặc dù có rất nhiều công cụ để giải quyết vấn đề tham nhũng, hối lộ nhưng mỗi công cụ lại có những khó khăn riêng của nó khi tiến hành. Ví dụ như tăng lương thì Nhà nước không đủ ngân sách, tuyên truyền thì cần có thời gian, đấu tranh thông qua các cơ quan công an, thanh tra... lại cũng không đơn giản (Nếu như tham nhũng trong chính cơ quan đó)... Theo ông, cuộc chiến chống tham nhũng, làm thanh sạch đội ngũ cán bộ công quyền, chúng ta nên bắt đầu từ đâu để tránh cái vòng luẩn quẩn đó?
- Ai cũng thấy tham nhũng đang là một vấn nạn ở nước ta. Tham nhũng đã và đang xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đi theo sự phát triển kinh tế - xã hội, tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp. Để có thể ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng thì trước hết chúng ta phải xây dựng đồng bộ các công cụ như cơ chế, chính sách, pháp luật; kết hợp tổ chức một bộ máy chuyên trách hoặc kiêm nhiệm phòng, chống nhũng hiệu quả, đồng thời huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng phòng, chống tham nhũng. Rất khó trả lời chính xác là cuộc chiến chống tham nhũng, làm thanh sạch đội ngũ cán bộ công quyền bắt đầu từ đâu. Còn câu trả lời của tôi là phải có sự vào cuộc, sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; không hy vọng có một công cụ hay một biện pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết ngay được vấn đề tham nhũng. Quyết tâm chính trị chống tham nhũng và hành động cụ thể chống tham nhũng phải là một. Chống tham nhũng không hình thức, chiếu lệ, càng không phải là phong trào.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này và chúc ông sức khỏe!
Phi Hùng (thực hiện)