Chủ đầu tư Skylight đã “ngấm ngầm” thay đổi thiết kế?

(PLO) - Liên quan đến vụ việc một số cư dân Khu nhà ở cao cấp Skylight lên tiếng “tố” chủ đầu tư (CĐT) thiếu minh bạch trong công tác quản lý, mới đây BQL Skylight đã lên tiếng giải thích những phản ánh của cư dân. Tuy nhiên, đến lúc này cư dân mới “tá hỏa” khi biết thiết kế ban đầu đã bị thay đổi!?
Một góc nhỏ tại chung cư cao cấp Skylight

Có hay không việc công trình đã được thay đổi thiết kế?

Như Pháp luật Việt Nam đã đưa tin, thời gian qua một số hộ dân đang sinh sống tại khu nhà ở cao cấp Skylight (125D Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vô cùng bức xúc trước việc CĐT là Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) không thực hiện đúng một số điều khoản trong Hợp đồng, cũng như gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của cư dân nơi đây.
Ngày 07/4 vừa qua, đại diện BQL chung cư Skylight là ông Nguyễn Tường Lân – Phó giám đốc BQL tòa nhà đã có buổi làm việc với PV để lý giải những phản ánh của cư dân với báo chí.
Theo ông Lân, việc đưa ra mức phí tạm thu là 4.000đ/m2 đã được hầu hết các hộ dân đồng tình ủng hộ, BQL vẫn đang tiếp tục đến từng nhà để lấy ý kiến một số hộ dân chưa gặp. “Không có hướng dẫn nào quy định phải tập trung cư dân để lấy ý kiến”, ông Lân nhấn mạnh.
Về nội dung phản ánh việc BQL tự ý cho thuê đặt biển quảng cáo trong thang máy, lắp cột thu phát sóng, lắp bình nước nóng, điều hòa…tại các phần diện tích sở hữu chung nhưng cư dân không thông qua ý kiến cư dân, ông Lân cho biết: “Hiện tại CĐT đang là đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà. Vì chưa có BQT nên chưa thể bàn giao cho toàn dân được”. Như vậy, theo ông Lân, BQL không cần hỏi ý kiến cư dân khi sử dụng các phần diện tích chung này.
Lý giải thắc mắc của cư dân xung quanh việc BQL tòa nhà thu phí dịch vụ đối với tầng kỹ thuật (tầng 02 – phần sở hữu chung) nhưng lại hạch toán trả tiền thuê văn phòng BQL hơn 13 triệu/tháng cũng như cho thuê một phần diện tích mà không đưa khoản thu này vào hạch toán để cấu thành phí dịch vụ, ông Lân cho biết: Theo như hồ sơ thiết kế ban đầu, tầng kỹ thuật được đặt toàn bộ các hệ thống kỹ thuật, bao gồm hệ thống điện, nước, thông gió điều hòa không khí, thông tin và hệ thống gas trung tâm.
Sau khi đi vào thi công đã thay đổi thiết kế, vì nếu theo như thiết kế sơ bộ ban đầu thì khi đưa vào quản lý vận hành sẽ không vận hành được…!? Vì vậy CĐT đã thiết kế lại và điều chuyển một phần hệ thống kỹ thuật xuống tầng 1 và tầng hầm (phần diện tích thương mại của CĐT). Do đó phần diện tích CĐT chuyển hệ thống kỹ thuật xuống tầng hầm được sửa chữa, phục vụ vào mục đích thương mại…
Tuy nhiên, khi PV đề nghị cung cấp Hồ sơ thiết kế và Giấy phép xây dựng được cấp cho bản thiết kế được thay đổi, ông Lân cho biết, BQL chỉ được bàn giao quản lý sau khi chung cư đi vào hoạt động, vấn đề cấp phép cho việc thay đổi thiết kế BQL không nắm được!?
Trái ngược với thông tin vị phó GĐ BQL chung cư đưa ra, đến lúc này nhiều hộ dân mới tá hỏa cho biết chưa từng được thông báo về việc thay đổi thiết kế, công năng của các hạng mục trên. “Họ đưa ra giấy phép xây dựng số 107 GP/SXD cho chúng tôi để làm căn cứ của Hợp đồng, nếu có thay đổi thì CĐT phải thông báo ngay cho chúng tôi để xin ý kiến điều chỉnh lại các căn cứ, nội dung của Hợp đồng mua bán căn hộ cũng như các phát sinh liên quan chứ không thể muốn làm gì thì làm. Việc thay đổi này đã được xin điều chỉnh và cấp phép chưa cũng không ai được biết”, anh L – cư dân tại đây bức xúc.
Mập mờ quỹ bảo trì, CĐT trục lợi?
Theo số liệu BQL chung cư Skylight cung cấp, kinh phí bảo trì trước kiểm toán tại thời điểm 31/12/2014 là 23.338.233.412đ; trong đó phần thu của khách hàng là 21.218.360.205đ; phần thu từ các phần diện tích của chủ đầu tư là 2.119.873.027đ. Kinh phí bảo trì đã thu đến ngày 31/12/2014 là 20.348.833.199đ.
Như vậy, sau khi mua căn hộ, các hộ dân đã nộp đầy đủ 2% phí bảo trì theo quy định. Tuy nhiên đến nay sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, CĐT chung cư này vẫn chưa thông báo công khai việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì này ra sao, thậm chí chính CĐT cũng chưa nộp đủ khoản phí bảo trì này.
Nhiều hộ dân không khỏi đặt ra nghi vấn CĐT cố tình mập mờ quỹ bảo trì để trục lợi từ tiền của nhân dân, vi phạm các quy định của pháp luật.
“Hiện tại BQL Skylight chưa tổ chức được Hội nghị chung cư lần thứ nhất dẫn tới chưa có Ban quản trị (BQT) thì chủ đầu tư tạm quản lý nguồn kinh phí này. Ngay khi bầu ra được BQT thì CĐT sẽ làm việc với BQT để thống nhất phương án quản lý, phối hợp, khai thác hiệu quả nhất đối với nguồn kinh phí này”, ông Lân nói.
Quyết định 08/2008/QĐ-BXD về việc ban hành Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư: Điều 20. Quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư: Chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản tiền gửi cho từng nhà chung cư tại ngân hàng thương mại với lãi suất không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn kể từ khi đưa nhà chung cư vào sử dụng và bàn giao tài khoản đó cho Ban quản trị khi Ban quản trị được bầu ra. Ban quản trị quản lý tài khoản kinh phí bảo trì với hình thức đồng chủ tài khoản (gồm Trưởng Ban quản trị và một thành viên do Ban quản trị cử ra) để quản lý và sử dụng khoản kinh phí này theo quy định của pháp luật về tài chính. Số tiền lãi phát sinh trong mỗi kỳ do gửi tiền tại ngân hàng phải được bổ sung vào kinh phí bảo trì.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm