Bị cáo đã “nể nang” như thế nào?
Theo Cáo trạng, năm 2011 bà Phạm Thị Nga mua phần đất ven sông Cửu An từ ông Trần Văn Viễn. Tuy diện tích đất này là đất công, do UBND xã cho ông Viễn “thầu dài hạn” nhưng bị cáo Tôn lúc đó là Chủ tịch xã vẫn chỉ đạo cán bộ địa chính Nguyễn Đức Nhượng làm hồ sơ và ký xác nhận trong giấy mua bán là “đất ONT” (ở nông thôn), đủ điều kiện chuyển nhượng. Sau này, bà Nga bán tiếp diện tích đất này cho một số người khác và cũng được bị cáo Nhượng xác nhận. Một số trường hợp còn được bị cáo xác nhận khi không còn là Chủ tịch UBND xã.
Truy tố bị cáo Tôn và Nhượng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, VKSND huyện Kim Động cho rằng, trong quá trình xác nhận trên thì bị cáo Tôn được bà Nga “bồi dưỡng” 3,5 triệu đồng, bị cáo Nhượng được “bồi dưỡng” 3 triệu đồng. Nhưng qua thẩm vấn tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm đã bác bỏ tình tiết này và khẳng định không có chứng cứ nào về việc bà Nga đưa tiền và bị cáo nhận tiền “bồi dưỡng” như trên.
Tuy không đủ chứng cứ chứng minh bị cáo được hưởng lợi về vật chất nhưng Tòa sơ thẩm lại cho rằng: “Bị cáo xác nhận sai nguồn gốc đất vì nể nang, vì có quan hệ tình cảm cá nhân, quan hệ thân thiết với bà Nga từ trước”.
Nhận định này vô lý ở chỗ, nếu thân thiết và nể nang bà Nga thì tại sao bị cáo Tôn lại xác nhận sai nguồn gốc đất, gián tiếp đẩy bà Nga vào cảnh mất tiền oan, bị thiệt hại khi mua phải đất thầu của xã? Cả bị cáo Tôn và bà Nga đều khẳng định giữa hai người chỉ có quan hệ xã giao, công việc thông thường chứ không có quan hệ thân thiết, quan hệ cá nhân, tức là bị cáo Tôn đều không có lợi ích vật chất hay phi vật chất nào trong vụ việc này.
Lý giải cho hành động của mình, bị cáo Tôn khai ký xác nhận là đất ở nông thôn vì thấy khu vực xung quanh mọi người đều đã xây nhà, chuyển thành đất ở và xã cũng đã có đề nghị UBND huyện chuyển khu đất này thành đất ở. Hơn nữa, cho dù bị cáo có xác nhận như trên thì cũng không đủ điều kiện để hai bên chuyển nhượng đất vì đây chỉ là thủ tục ban đầu. Hai bên còn cần làm thủ tục ở nhiều cơ quan khác như Thuế, Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện….
Mơ hồ về thiệt hại phi vật chất
Tại phiên tòa sơ thẩm, một lần nữa Kiểm sát viên bị “hớ” khi HĐXX không chấp nhận quan điểm về “thiệt hại vật chất” của vụ án (có “nhiều công trình xây dựng trên đất đã bị cưỡng chế, đập bỏ” hoặc “gây thiệt hại cho người mua đất khi họ bỏ ra một khoản tiền mà không được sử dụng đất”). Thực tế, trên đất không có công trình xây dựng kiên cố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, xét xử cũng không có một cá nhân nào đưa ra chứng cứ để cho rằng mình bị thiệt hại, yêu cầu bị cáo phải bồi thường.
Tương tự như việc xác định “lợi ích của bị cáo”, HĐXX sơ thẩm cũng đã không thể định lượng rõ thiệt hại của vụ án như thế nào mà chỉ đánh giá về “thiệt hại phi vật chất” để kết án các bị cáo. “Vẽ” ra thiệt hại là “mất trật tự trị an, gây tâm lý hoang mang cho nhân dân, gây mất lòng tin của dân đối với với Đảng và Nhà nước” nhưng HĐXX lại không đưa ra được các chứng cứ cụ thể để chứng minh như: vụ mất trật tự xảy ra ở địa điểm nào, kéo dài bao lâu, ai là người bị hoang mang, ai là người đã mất lòng tin với Đảng, với Nhà nước và nếu có thì việc mất lòng tin này có đúng là do việc xác nhận sai nguồn gốc đất của bị cáo gây ra.
Kết tội bị cáo bằng 2 căn cứ “phi vật chất” như trên liệu có thỏa đáng khi cả hai yếu tố “phi vật chất” này đều là những nhận định “trời ơi”, mơ hồ và đầy sự cảm tính, chủ quan?/.