Chủ động đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng thể chế

(PLVN) - Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022, Thủ tướng đặc biệt lưu ý, phải chủ động đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế, ngay từ khi xây dựng thể chế, để không vướng mắc thể chế và không tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Bày tỏ sự phấn khởi cùng các lãnh đạo bộ, ngành đến dự Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Tư pháp và đại biểu dự Hội nghị tại các điểm cầu lời chào trân trọng, lời chúc mừng tốt đẹp, thăm hỏi ân cần nhất.

Về kết quả năm 2021 qua xem phóng sự tư liệu và phát biểu của đại diện một số bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng nhất trí với các đánh giá, các kết quả đạt được.

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh thêm về bối cảnh năm 2021. Năm 2021 khác năm 2020 ở những điểm mới, diễn biến mới như tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kiện toàn nhân sự Trung ương, tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và nằm trong diễn biến hết sức phức tạp của đợt dịch Covid bùng phát lần thứ 3, thứ 4, nhất là đợt dịch thứ 4 ngay sau kiện toàn các chức danh Nhà nước. Đến nay, nhìn tổng thể lại trong điều kiện khó khăn, phức tạp, cả nước chúng ta vẫn ổn định chính trị, giữ vững an ninh – quốc phòng, cuộc sống người dân cơ bản bình yên, an ninh, an toàn nhân dân được đảm bảo.

Kinh tế - xã hội dù còn nhiều khó khăn khi vaccine khan hiếm toàn cầu, chưa được tiếp cận bình đẳng, thuốc chữa bệnh chưa có, chưa hiểu về biến chủng Delta, kinh nghiệm phòng chống dịch chưa nhiều nên có sự lúng túng, bị động, buộc phải thực hiện biện pháp hành chính để phòng chống dịch, thậm chí có nơi phải giãn cách xã hội, tăng cường giãn cách xã hội với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ của người dân là trên hết, trước hết.

Do thực hiện biện pháp hành chính, tác động ngay đến phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tăng cường giãn cách xã hội ở 23 tỉnh, thành phía Nam thì đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng khi chúng ta bắt đầu làm chủ được vaccine, hiểu biết hơn về virus SARS-CoV-2, đúc kết kinh nghiệm phòng chống dịch với 3 trụ cột chính là cách ly – xét nghiệm – điều trị mà cụ thể hóa thành công thức chống dịch “5K + vaccine, thuốc + các biện pháp điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác” thì chúng ta thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Khắc hoạ những đặc điểm quan trọng trên, theo Thủ tướng là để thấy khó khăn của đất nước, người dân, doanh nghiệp và sự khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, tổ chức quản lý của Nhà nước, để thấy sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước. Từ đó, nhận thức sâu sắc, phân tích rõ những điểm tích cực để phát huy những thành quả tốt, những mặt hạn chế để tập trung khắc phục, tháo gỡ.

Thủ tướng nhắc lại một lần nữa là đến nay, tình hình đất nước ổn định chính trị, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ để an lòng dân thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, chú trọng hoạt động đối ngoại, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, từ khi đất nước chưa lâm nguy. Vấn đề văn hóa cũng được bàn bạc, đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa là nền tảng tinh thần, văn hóa soi đường cho quốc dân đi.

Tức là chúng ta vừa thích ứng với diễn biến mới vừa thực hiện những nhiệm vụ hết sức cơ bản, cả trước mắt và lâu dài. Đặc biệt năm 2021 triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII ở tất cả các lĩnh vực. Chúng ta đã cố gắng giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện khó khăn; đảm bảo các cân đối lớn như thu chi đã vượt dự toán và vượt năm 2020, cân đối được xuất nhập khẩu – hiện đã xuất siêu, cân đối lương thực, thực phẩm trong khi các nước đông dân đang gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm và xuất khẩu gạo năm nay được giá, cân đối được năng lượng và thị trường lao động từng bước phục hồi và đang phục hồi nhanh dù còn khó khăn.

Thủ tướng khẳng định, chúng ta đã vượt lên khó khăn, thách thức để giữ bản lĩnh của người Việt Nam, khẳng định giá trị con người Việt Nam, khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự ủng hộ đoàn kết của nhân dân. Tuy nhiên, khó khăn còn rất nhiều, chúng ta không nên chủ quan, không mơ hồ, mất cảnh giác, không say sưa với vòng nguyệt quế nhưng chỉ ra để thấy mà phát huy tiếp những mặt tích cực.

Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp tích cực, quan trọng của Bộ Tư pháp. Cụ thể, một là Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực cụ thể hoá, thể chế hóa đường lối của Đại hội XIII, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong phòng chống dịch (như tham mưu xây dựng Nghị quyết 30 đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế).

Hai là Bộ Tư pháp tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế để thúc đẩy sản xuất kinh doanh nói chung và các vướng mắc pháp luật liên quan đến các lĩnh vực khác nói riêng.

Ba là Bộ Tư pháp tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Bốn là nâng cao uy tín của Việt Nam, nâng 6 bậc trong xếp hạng Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật của Việt Nam năm 2021.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương những kết quả đạt được của Bộ, ngành Tư pháp trong năm 2021. Thủ tướng phân tích rõ 3 nguyên nhân để đạt được kết quả trên. Đó là Bộ Tư pháp chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần tháo gỡ khó khăn về thể chế, làm rất nghiêm túc, chủ động.

Đó là sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, cố gắng vươn lên của toàn ngành, nhất là sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp. Đó là có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, kể cả Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam.

Ghi nhận những hạn chế, bất cập đã được Bộ Tư pháp thẳng thắn chỉ ra, Thủ tướng lưu ý thêm các điểm cần khắc phục. Thứ nhất là chất lượng xây dựng văn bản vẫn còn những mặt hạn chế, cần tiếp tục khắc phục, nỗ lực hơn nữa để không phải làm đi làm lại, không phải trình đi trình lại.

Thứ hai là khắc phục đưa tiến độ, khi đưa ra tiến độ thì làm tốt để thúc đẩy tiến độ.

Thứ ba là đầu tư về nguồn lực, nhất là về con người, cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo chưa tương xứng với yêu cầu, đột phá.

Thứ tư là một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác này. Chính phủ có quan điểm coi đầu tư cho xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển, Thủ trưởng các cơ quan phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật nhưng một số cơ quan chưa coi đây là đầu tư phát triển.

Thứ năm là nhận thức về tầm quan trọng, vai trò, vị trí về xây dựng, thực thi pháp luật của một số nơi, một số lúc chưa đúng tầm.

Dự báo tình hình có thời cơ, thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn năm 2022, xác định như vậy là phù hợp với tình hình thực tế để chuẩn bị tâm thế, tư thế, năng lượng, kêu gọi sự hưởng ứng đồng lòng của người dân, doanh nghiệp để nhiệm vụ chính trị năm 2022 có hiệu quả hơn, cao hơn.

Năm 2022 cũng là năm bản lề thúc đẩy thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và đòi hỏi của nhân dân cũng cao hơn về môi trường pháp lý, thực tiễn cũng đòi hỏi cải thiện, nâng cao môi trường pháp lý tốt hơn để thực hiện quyền công dân, thực hiện nghiêm túc sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật trong điều kiện chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Vì thế, Thủ tướng nhấn mạnh, đầu tiên là cần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế. Từ Đại hội XI, Đảng ta đã xác định đây là 1 trong 3 khâu đột phá trong quá trình đổi mới đất nước, để có môi trường pháp lý thuận lợi, phù hợp tình hình thực tế, phù hợp xu thế thời đại, giải quyết được vướng mắc thực tiễn, nhất là sau Hiến pháp năm 2013.

Từ nhận thức đó, chúng ta thấm nhuần quan điểm của Đảng là phát huy giá trị con người Việt Nam, lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm trong xây dựng, thực thi pháp luật, mọi chính sách phải hướng đến người dân vì mục tiêu cuối cùng là làm cho nhân dân ấm no, hạnh phúc trong môi trường pháp lý dân chủ, trong Nhà nước pháp quyền XHCN, đánh giá mọi tác động đến người dân, doanh nghiệp, là chủ thể tham gia, xây dựng, tổ chức thực thi nghiêm túc các quy định pháp luật.

Thứ hai là bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng để thể chế hoá nhanh chóng và bám sát tình hình thực tiễn nhưng phải căn cứ thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, có tính khả thi, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của nước ta, phù hợp với tình hình, nguồn nhân lực và các điều kiện khác, đặc biệt là tháo gỡ nút thắt về thể chế.

Chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu những khó khăn, vất vả trong xây dựng thể chế, Thủ tướng yêu cầu phải tuân thủ pháp luật nhưng pháp luật không sát thực tiễn, pháp luật bị thực tiễn vượt qua thì phải mạnh dạn phát hiện kịp thời sửa đổi, kiên trì sửa đổi, chứ không trì trệ. Điều nào mà đa số đồng tình ủng hộ thì luật hoá, còn điều nào vẫn băn khoăn, vướng mắc, chưa rõ, chưa chín thì làm thí điểm, vừa làm vừa hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thứ ba là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, thực thi của các cấp chính quyền, tranh thủ sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp. Chúng ta chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng nhưng cũng phải mở ra môi trường đổi mới sáng tạo, bám sát thực tiễn, huy động trí tuệ tập thể, của đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia, sức mạnh của người dân khi xây dựng, phổ biến, thực thi chính sách, pháp luật, vì mục tiêu cuối cùng là dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Xây dựng, phổ biến, thực hiện, giám sát thực hiện pháp luật cũng đòi hỏi các cấp ủy đảng lãnh đạo, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham gia giám sát, nhân dân giám sát.

Thứ tư là đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, coi đây là đầu tư cho sự phát triển, đầu tư và nâng cao chất lượng con người, nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực. Muốn có được điều đó, phải làm tốt công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đến công tác nâng cao năng lực xây dựng, thực thi pháp luật của cán bộ. Việc này các cấp uỷ dành thời gian bàn bạc, bố trí nhân lực.

Bên cạnh đó là đầu tư cơ sở vật chất, không bố trí không gian làm việc tạm thời nhưng phù hợp với thực tiễn, cân đối, bình đẳng với các ngành khác; đầu tư tài chính – Bộ Tư pháp chủ trì việc này, làm luật khó, vất vả, phải đam mê, say sưa nhưng làm sao phải có chính sách, chế độ đãi ngộ tương xứng với sức lao động, hài hòa, hợp lý với tổng thể các ngành khác.

Đầu tư cho nhân lực thì sẽ khắc phục được chất lượng xây dựng thể chế và tiến độ về thể chế. Điều này quan hệ rất chặt chẽ với hai vướng mắc chúng ta đang gặp phải”, Thủ tướng khẳng định và đồng thời yêu cầu Bộ Tư pháp tăng cường tiến độ, chất lượng công tác thi hành án dân sự, thu hồi tài sản theo Chỉ thị 04 của Ban Bí thư.

Thứ năm là đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh gắn với năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên trong hệ thống Bộ, ngành Tư pháp; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Kết luận khóa XIII của Trung ương, Nghị quyết 18, 19, 26 của Trung ương khóa XII cần tiếp tục cụ thể hóa, triển khai trong ngành Tư pháp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Bộ Tư pháp.Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo
Bộ Tư pháp
.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản, cắt giảm các thủ tục hành chính, nâng cao năng lực phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hoá trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý, phải chủ động đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế, ngay từ khi xây dựng thể chế, để không vướng mắc và không tham nhũng, tiêu cực. Đây là vấn đề hết sức quan trọng vì chúng ta phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

Thứ 6 là Bộ, ngành Tư pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành, địa phương để tập trung thúc đẩy, nâng cao đột phá chiến lược. Đối với Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư, cần coi trọng tranh thủ trí tuệ của các nhà khoa học, chuyên gia, lắng nghe nhiều chiều, phản biện, “đừng đóng cửa lại khi xây dựng luật pháp”.

Theo Thủ tướng, xây dựng pháp luật phải tranh thủ ý kiến của người dân, chuyên gia và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, cũng như sự phối hợp tốt của các bộ, ngành.

Nêu mục tiêu phát triển của đất nước đến năm 2025, năm 2030 và năm 2045, nhất là gắn với việc trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, Thủ tướng khuyến khích các bộ, ngành, địa phương mạnh dạn, kiên trì đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về thể chế, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Một lần nữa chúc mừng thành tích năm 2021 của Bộ, ngành Tư pháp, Thủ tướng tin tưởng thành tích năm 2022 sẽ cao hơn thành quả năm 2021.

Đọc thêm