Chủ quán ở Hà Nội 'sốc' khi cảnh sát phạt nặng lái xe uống rượu bia

(PLVN) - Mùa cao điểm nhưng khách thưa thớt, doanh thu giảm mạnh khiến nhiều chủ quán bia, quán nhậu ở Hà Nội "sốc", vội vàng thay đổi mặt hàng, thêm dịch vụ giữ xe qua đêm, đưa đón khách... để thu hút, níu chân "thượng đế".

Dịp này hằng năm, các công ty, công sở thường tổ chức liên hoan cuối năm, các nhóm bạn, gia đình họp mặt, gặp gỡ tất niên nên nhà hàng, quán nhậu, quán bia, quán karaoke... ở Hà Nội luôn nườm nượp khách, cả từ trưa và tối, tiếng hô "trăm phần trăm", cạn ly... không ngớt. Tuy nhiên, năm nay, không khí chung tại những tụ điểm "trăm phần trăm" này có vẻ bớt hẳn náo nhiệt.

Ông N.H – chủ quán bia T.H (Đội Cấn) chia sẻ, ông mở quán khoảng 10 năm, những năm trước gần như không ngày nào vắng khách, đặc biệt gần Tết. Nhưng từ khi áp dụng quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó, phạt nặng lái xe có nồng độ cồn, lượng khách đến quán T.H giảm rõ rệt.

"Đây là chuyện rất hiếm gặp với quán tôi", ông N nói. "Tôi đang tìm cách giữ khách. Tôi đã phải sửa lại quán, tầng 1 làm khu để xe máy và thuê thêm sân làm bãi đỗ ô tô phục vụ khách không thể tự mình lái xe sau khi uống bia. Chúng tôi có đội ngũ riêng chuyên gọi taxi cho khách khi ra về”.

Cũng theo ông N, khách đến quán bây giờ ý thức hơn, khi xác định được mình không còn tự lái xe về nhà đã chủ động tìm hỗ trợ, như gọi người nhà đến đón hoặc là nhờ nhân viên quán gọi taxi...

Quán bia T.H không còn phải huy động nhiều nhân viên giữ xe...
 Quán bia T.H không còn phải huy động nhiều nhân viên giữ xe...

Còn anh Đỗ Việt Anh, quản lý một quán karaoke tại Nam Từ Liêm tỏ ra sốc khi lượng khách giảm một cách chóng mặt so với tháng trước và cùng thời điểm những năm trước.

"Tôi rất sốc vì chưa bao giờ doanh thu lại tụt đến mức trầm trọng thế này. Khi khách đến, bia rượu không còn là sự lựa chọn số 1 nữa. Thay vào đó, họ gọi nước ngọt hoặc nước suối", anh Việt Anh bày tỏ.

Quản lý quán karaoke cho biết thêm, chủ quán đã triệu họp, bàn bạc và đưa ra nhiều phương án để "vực" doanh thu. Trước mắt, quán hỗ trợ đưa khách về nhà miễn phí khu vực Cầu Giấy. Với khách đi ô tô, quán có lái xe túc trực luân phiên để lái thay và có đội ngũ nhân viên trực ở hầm gửi xe để gọi taxi giúp khách. Quán cũng sửa sang lại mặt tiền quán để thu hút khách hơn...

Nhân viên quán Karaoke tại quận Nam Từ Liêm "rảnh việc" hơn khi cảnh sát phạt nặng lái xe có nồng độ cồn.
Nhân viên quán Karaoke tại quận Nam Từ Liêm "rảnh việc" hơn khi cảnh sát phạt nặng lái xe có nồng độ cồn. 

Khách đến cũng giảm đáng kể nhưng bà N.T.H – chủ nhà hàng S.S (đường Đình Thôn, quận Nam Từ Liêm) có suy nghĩ tích cực.

“Quy định mới như thế, mình bán rượu bia thì tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng. Khách phải giảm đi nhiều chứ. Khách đến nhà hàng muốn uống rượu bia mà chỉ gọi nước lọc hay trà thôi là họ cũng phải kiềm chế bản thân lắm", bà H cười, nói. "Nhưng như thế là tốt, rượu vào lời ra, tai nạn nhiều, bao tiêu cực do rượu. Quán tôi nằm ngoài mặt đường nên cũng không đến nỗi không có khách, đồ nhậu vẫn bán được, dù không bằng trước đây. Tôi đang tính bán thêm các thứ khác nữa".

Nhà hàng của bà T.H nay mở rộng phục vụ thêm nhiều loại nước theo yêu cầu của khách hàng.
  Nhà hàng của bà T.H nay mở rộng phục vụ thêm nhiều loại nước theo yêu cầu của khách hàng. 

Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1/1/2020. Theo đó, mức phạt tăng mạnh đối với người uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cụ thể, đối với người đi ô tô, nồng độ cồn trong máu vượt quá 80 miligam/100 mililít hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, mức phạt cao nhất có thể lên tới 40 triệu đồng và thu GPLX 2 năm.

Đọc thêm