Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, VKSNDTC, Bộ Công an và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Giải quyết gần 93% tổng số vụ án thụ lý
Báo cáo của TANDTC cho thấy, năm 2014 các Tòa án đã giải quyết, xét xử hơn 385 nghìn vụ án các loại (tăng hơn 20 nghìn vụ án so với năm 2013), đạt tỷ lệ 92,8% trong tổng số vụ án đã thụ lý… Chất lượng giải quyết xét xử các vụ án tiếp tục được đảm bảo và có tiến bộ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án giảm, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết số 63 của Quốc hội đề ra.
Việc xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội, hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị báo. Đặc biệt, các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm về tham nhũng đều được xử lý nghiêm minh, tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung cơ bản đúng căn cứ, được Viện kiểm sát chấp nhận đạt 90%.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, TANDTC đã tham gia tổ liên ngành xem xét 102 trường hợp có đơn kêu oan và có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình, qua đó kháng nghị để giải quyết giám đốc thẩm 3 trường hợp do vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, tiếp tục xem xét, giải quyết 13 trường hợp kêu oan.
Về bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước từ 10 đơn yêu cầu, TANDTC đã thương lượng thành 3 vụ với số tiền hơn 800 triệu đồng, 4 trường hợp đang thương lượng, giải quyết…
Đại diện các cơ quan tham dự buổi làm việc đều đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác tòa án năm 2014 nhưng cũng mong muốn TANDTC cần thẳng thắn hơn nữa để nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, tìm ra nguyên nhân và có giải pháp khắc phục.
Điển hình, một số Tòa án địa phương chưa khắc phục triệt để các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định pháp luật do lỗi chủ quan của Tòa án.
Đơn đề nghị giám đốc thẩm mới giải quyết được trên 60%, đơn oan sai mới được 53/102 vụ, tiến độ bồi thường nhà nước như đã nêu còn chậm. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán tuy có giảm song chưa giảm mạnh rõ rệt; kỷ cương, kỷ luật công vụ chưa nghiêm, vẫn xảy ra các trường hợp cán bộ, công chức Tòa án vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ, thậm chí vi phạm pháp luật…
Chấn chỉnh tình trạng cán bộ vi phạm
Bước sang năm 2015, ngành TAND xác định sẽ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, bảo đảm các phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, bảo đảm công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa; khắc phục triệt để tình trạng để các vụ án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan của Tòa án, phấn đấu không để xảy ra việc oan sai, bỏ lọt tội phạm, chú trọng việc triển khai áp dụng án lệ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ t"hẩm phán theo tinh thần “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân…".
Để triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2015, TANDTC đề nghị Chủ tịch nước có ý kiến với Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung biên chế cho các Tòa án; có ý kiến với các cơ quan chủ trì soạn thảo một số dự án luật về tố tụng để bảo đảm sự thống nhất về nhận thức khi thể chế hóa các quy định của Hiến pháp và các quan điểm về cải cách tư pháp; sửa đổi chế độ tiền lương, phụ cấp và các chính sách ưu đãi khác cho Thẩm phán, cán bộ, công chức của Tòa án…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận và biểu dương những thành tích, kết quả đạt được trong năm qua của TAND các cấp. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng lưu ý, bên cạnh những thành tích đạt được, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành Tòa án vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt được; vẫn còn một số ít các vụ án để quá hạn luật định do lỗi chủ quan của thẩm phán; tình trạng đội ngũ cán bộ, công chức của ngành, nhất là đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp vi phạm kỷ luật, thậm chí vi phạm pháp luật bị xử lý…
Cơ bản tán thành các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2015 và các kiến nghị của ngành TAND, Chủ tịch nước yêu cầu phải chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, tích cực triển khai Hiến pháp năm 2013, các Nghị quyết của Quốc hội, Đảng về cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh công tác giám đốc — kiểm tra, kịp thời phát hiện sai phạm, nếu có phải giảm tuyệt đối…
Chủ tịch nước còn lưu ý, cần chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức ngành TAND để công việc mới nhiều hơn thì uy tín của ngành cũng phải tăng lên; đồng thời hết sức tập trung vào án oan, sai, thấy sai phải dám sửa, tránh bỏ lọt tội phạm bởi đó là con đường dẫn đến công bằng, công lý.