Ông không chỉ được nhiều người biết đến với vai trò Tiến sĩ Luật, một người đã góp phần đào tạo nhiều lớp Thẩm phán, Luật sư… mà trong công tác ông còn được đánh giá cao vì giỏi chuyên môn và tính thẳng thắn. Đó là Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên - Phó Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh.
Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên trong phòng làm việc. |
Vươn lên từ khó khăn
Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên xuất thân trong một gia đình nghèo khó, cha là liệt sỹ, hy sinh khi ông chưa kịp chào đời. Ngày bé, có lúc, ông đã phải bỏ học để giúp mẹ nuôi em, lo cho cuộc sống cho gia đình. Nhưng rồi nhờ lòng hiếu học, cậu bé Tuyên ngày ấy đã quyết tâm vượt khó.
Từ nhỏ, ông Tuyên đặc biệt đam mê khoa học pháp lý - một lĩnh vực khó và quá khô khan như cách nói của nhiều người. Công tác trong ngành TAND, ông không ngừng sáng tạo tìm tòi để đưa ra các sáng kiến và đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn xét xử, để nâng cao chất lượng công tác xét xử, góp phần đẩy mạnh công cuộc cải cách tư pháp địa phương.
Năm 2010, khi ông còn phụ trách Tòa Dân sự, Hành chính, nhận thức được tầm quan trọng của công tác hòa giải cơ sở đối với các tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, ông đã chủ trì và tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải cơ sở và tại Tòa án đối với các tranh chấp dân sự trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”.
Hội thảo đã thu hút đông đảo lãnh đạo, ban ngành trong tỉnh, các Tổ trưởng Tổ hòa giải cơ sở cùng các Thẩm phán, Thư ký Tòa án… tham gia. Có thể nói, đó là những thành công bước đầu khi mà những kinh nghiệm được áp dụng thực tiễn tại địa phương nâng cao số lượng các vụ hòa giải thành trong quá trình giải quyết các vụ, việc dân sự.
Đam mê khoa học pháp lý
Đầu năm 2012, Thẩm phán, Thư ký ngành TAND đã có ấn tượng mạnh khi cuốn “Sổ tay quy trình giải quyết án hình sự” của TAND tỉnh Bắc Ninh xuất hiện.
Đúng như tên gọi của nó, đó là tài liệu tham khảo được đông đảo bạn đọc trong ngành đón nhận. Người biên soạn cuốn sách hữu ích đó chính là Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên.
Ông Đặng Quang Phương - Phó Chánh án thường trực TANDTC, vị Tiến sỹ Luật hàng đầu của ngành TAND - đã nhận xét về cuốn sách của Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên như sau: “Việc TAND tỉnh Bắc Ninh đề nghị và được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ xây dựng là một hướng đi đúng đắn trong việc nâng cao nhận thức và khả năng áp dụng thống nhất pháp luật tố tụng hình sự của Thẩm phán.
Mặc dù đây không phải là tài liệu hướng dẫn chính thức và một số nội dung chỉ phản ánh quan điểm cá nhân nhưng cuốn sổ tay là tài liệu rất hữu ích cho các Thẩm phán”.
Bản thân Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên thì chia sẻ về “đứa con tinh thần” của mình với tất cả sự tâm huyết, đam mê: “Trong thời gian qua, chất lượng xét xử các vụ án hình sự trong ngành đã được nâng cao, giảm thiểu được lượng án bị hủy, sửa. Tuy nhiên, vẫn còn có những nhận thức chưa thống nhất trong việc áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về quy trình giải quyết các vụ án hình sự, chưa làm đúng các bước trong quá trình xét xử, việc xét hỏi đôi khi còn mang tính phiến diện…
Những tồn tại đó đã và đang làm mất đi tính uy nghiêm tại các phiên tòa hình sự. Vì thế mà tôi cố gắng biên soạn cuốn sách này với mong muốn pháp luật được áp dụng thống nhất và đồng bộ”.
Xem sự công bằng, thấu tình đạt lý là lẽ sống
Đảm nhiệm cương vụ của một Phó Chánh án phụ trách chuyên môn bận rộn với cả núi công việc chỉ đạo, điều hành những vụ án khó trong toàn tỉnh nhưng Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên vẫn tham gia giảng dạy các lớp đào tạo Luật sư, Thẩm phán, Cao học; hướng dẫn luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ tại Học viện Tư pháp và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh… Những bài giảng của ông được học viên đánh giá cao không chỉ bởi tính lý luận mà còn mang tính thực tiễn sâu sắc.
Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên tâm niệm: Lao động của Thẩm phán là lao động đặc thù, hoạt động trên cơ sở các quy định của pháp luật. Đối tượng mà Thẩm phán giải quyết là con người, là quyền lợi ích hợp pháp của họ, phán quyết của Thẩm phán ảnh hưởng đến quyền lợi của mỗi con người cả về chính trị và kinh tế, danh dự và nhân phẩm, đôi khi là cả sinh mạng của con người.
Một bản án tử hình đúng pháp luật được thông qua, một mặt sẽ loại ra khỏi cuộc sống một tên tội phạm, mặt khác đó lại là sự sống một con người - là nỗi niềm day dứt của người Thẩm phán.
Do vậy, để xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan người vô tội, không để lọt kẻ có tội, mang lại công bằng cho nhân dân là một áp lực và thách thức không nhỏ.
Ông cho rằng, một bản án được tuyên ngoài yếu tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì còn phải thấu tình đạt lý, được nhân dân đồng tình thì pháp luật mới thực sự đi vào cuộc sống. Và như vậy, với ông, sự công bằng và thấu tình đạt lý của pháp luật chính là lẽ sống ở đời.
Công Lý