Chưa giải được cơn “khát” vốn cho người “nhà quê”

(PLO) - Cơ cấu vốn vay của các ngân hàng thương mại cho khu vực nông nghiệp nông thôn chưa phù hợp, các tổ chức tín dụng khu vực phi chính thức hoạt động manh mún…đang khiến cho người nghèo ở khu vực nông thôn rất khó vay vốn để cải thiện sản xuất.   
Người nghèo ở khu vực nông thôn vẫn hoàn nghèo vì rất khó vay vốn từ các tổ chức tín dụng để nâng cao sản xuất
Người nghèo ở khu vực nông thôn vẫn hoàn nghèo vì rất khó vay vốn từ các tổ chức tín dụng để nâng cao sản xuất

Chưa đến 1% HTX được vay tín dụng

Theo Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT, Bộ NN&PTNT (Cục KTHT), mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, áp sàn dư nợ tín dụng tối thiểu 20% nhưng tỷ trọng vốn tín dụng nông nghiệp nông thôn (NNNT) vẫn đạt rất thấp. 

Tổng dư nợ tín dụng NNNT tính đến tháng 6/2016 chỉ đạt 847.471 tỷ đồng chiếm 18% tổng dự nợ nền kinh tế. Do rủi ro trong lĩnh vực nông nghiệp cao, sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, manh mún nên chỉ có 38% hộ sản xuất nông lâm thủy sản có vay tín dụng, nhưng chỉ 1/3 trong số đó là được vay vốn ngân hàng. 

Cũng theo Cục KTHT, về tín dụng nội bộ hợp tác xã hiện nay có 1200/11000, chiếm khoảng 11% HTX nông nghiệp có dịch tín dụng nội bộ, với trung bình dự nợ của mỗi HTX là khoảng 400 triệu đồng. Trong khi đó, nguồn tín dụng ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội hiện tại đang có khoảng 80 ngàn nhóm tiết kiệm, với 11 triệu thành viên, trong đó 90% thuộc Hội liên hiệp phụ nữ quản lý. 

Thế nhưng, thực tế cho thấy, kênh tín dụng chính thức vốn đã khó tiếp cận, những kênh tín dụng phi chính thức người dân muốn tiếp cận cũng không dễ dàng gì. TS. Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục KTHT đánh giá:

Một trong những hạn chế tín dụng NNNT thời gian qua là chưa hình thành hệ thống tín dụng quy mô nhỏ chuyên nghiệp để phục vụ NNNT. Các sản phẩm tín dụng cung ứng của các tổ chức tín dụng còn đơn điệu chủ yếu cho vay theo món, cho vay hạn mức, cho vay lưu vụ, cho vay thu mua nông sản. 

“Đang có hiện tượng tín dụng chính thức bắt chéo và thống trị thị trường tín dụng vi mô với 73.160 tổ nhóm/58 ngàn dư nợ ủy thác/2,6 triệu hộ vay vốn. Hơn nữa, việc cho vay theo tổ, nhóm và HTX cũng cực kì  hạn chế. Năm 2015 cả nước chỉ có 0,67 HTX nông nghiệp được hỗ trợ vay vốn tín dụng và cũng chỉ có 2,25 % HTX nông nghiệp được tiếp cận tới Quỹ hỗ trợ HTX”- TS. Thịnh nhấn mạnh. 

Phát triển tổ chức tín dụng vi mô

Trong một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho thấy, vùng các tộc người thiểu số cũng đang rất cần vốn để đầu tư cho đầu vào sản xuất như: phân bón, giống, thuốc trừ sâu, trừ cỏ. 

Theo khảo sát của iSEE, một hộ dân người Mnong, Đắk Lắk cần khoảng 25 triệu đồng để đầu tư cho 5000m2 ngô; còn người Dao ở Thái Nguyên cần 22,72 triệu đồng để đầu tư cho  12 sào đất để trồng chè. Và một hộ người Thái ở Sơn La cần 180 triệu đồng để đầu tư cho 4 ha cà phê. 

Nếu như 59,5 % hộ dân ở Thái Nguyên có thể vay vốn ở Ngân hàng chính sách xã hội và 36,5 % vay từ nguồn phi chính thức là các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp thì tại Đắk Lắk, 20,7 % người dân nghèo là có thể vay ở ngân hàng này còn 47,6 % họ sẽ phải tìm đến hộ, đại lý kinh doanh vật tư để vay vốn sản xuất với lãi suất cao từ 3-5%/ tháng. 

TS. Hoàng Cầm, Viện iSEE cho biết: người dân ở Tây Nguyên phải vay lãi suất cao để đầu tư nên có sự mất cân đối giữa chi phí đầu vào và giá trị đầu ra của sản phẩm. Nợ cũ chưa trả, người dân tiếp tục vay chính các chủ nợ để sản xuất và làm nguồn thế chấp với hy vọng nếu được mùa, được giá sẽ trả được một phần nợ và để sinh tồn.

Sau đó họ lại phải dựa vào các nguồn vay tư nhân khác để xoay nợ. “Chiến lược ứng phó “linh hoạt” theo kiểu vá víu làm nợ chồng nợ, nợ miết từ năm này qua năm khác, nợ cả đời.”- TS. Cầm ngao ngán.  

Ông Cầm đặt ra vấn đề cần phải xem xét lại quan điểm phát triển, coi sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế thị trường có là đường duy nhất và tốt nhất cho tất cả vùng dân tộc thiểu số.

Cũng theo vị này, cần nâng trần lãi suất cho vay của ngân hàng để tạo cạnh tranh giữa tổ chức tín dụng vi mô (phi chính thức-PV) và các tổ chức tín dụng được ngân hàng nhà nước cấp phép. 

Đồng tình quan điểm này, TS. Thịnh cho rằng cần có chính sách để phát triển tín dụng phi chính thức. Ông nói, quy định mức trần lãi suất tín dụng cho vay đối với khu vực tín dụng phi chính thức đang làm hạn chế sự phát triển của khu vực này.

Thông tư  15 của NHNN về tín dụng nội bộ HTX quy định mức lãi suất áp dụng đối với khoản nợ vay quá hạn tối đa bằng 150% lãi suất cho vay ghi trong hợp đồng tín dụng là không hợp lý. Cần sửa quy định này ngay để điều chỉnh linh hoạt mức lãi suất tín dụng phi chính thức, đảm bảo 2-3 lần mức lãi suất thương mại trung bình để kích thích sự phát triển tín dụng vi mô.  

Để người dân “mặn mà” với các nguồn vốn chính thức, theo ông Thịnh, cần phải điều chỉnh thời hạn và hạn mức vay làm sao cho phù hợp với chu kỳ sản xuất nông nghiệp.

Bởi thời hạn vay vốn theo quy định hiện này là không phù hợp với chu kỳ sản xuất nông nghiệp của người dân. Các tổ chức tín dụng thường đưa ra các thời hạn vay cứng là 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng hoặc 36 tháng và vẫn chủ yếu cung cấp tín dụng ngắn hạn (12 tháng). 

“Ngoài ra, hạn mức cho vay của các Ngân hàng hiện nay cũng chưa phù hợp với từng đối tượng cây trồng, vật nuôi. Đã đến các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu cung cấp các khoản vốn vay sao cho kịp thời, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu vốn và nhất là phải phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của từng loại sản phẩm. ” – ông Thịnh đề nghị. 

Năm 2010, dư nợ tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn đạt 381.900 tỷ đồng đã tăng lên đến khoảng 825.000 tỷ đồng vào tháng 11/2015.
Riêng Agribank - ngân hàng gắn bó mật thiết nhất với khu vực nông nghiệp, nông thôn có tổng nguồn vốn huy động đến tháng 6/2016 đạt trên 847.471 tỷ đồng và tổng dư nợ tín dụng đạt 700.622 tỷ đồng.
Vốn tín dụng nông nghiệp chiếm trong tổng tín dụng của toàn ngành khoảng 18-19%, nếu cộng cả dư nợ của Ngân hàng Chính sách thì chiếm khoảng 20-22%, tương ứng với mức đóng góp cho GDP cả nước của ngành nông nghiệp. (Nguồn Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách -VEPR).

Đọc thêm