|
Hiếm có ngôi chùa nào mà lại có lịch sử được viết bằng thơ như chùa Viên Minh ở xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Thơ rằng: “Chùa xưa soi bóng Hồng Hà/Sắc - Không e lấp phong ba trôi chìm/Hai dân mới đồng tâm hiệp lực/Chuyển chùa vào thiết lập nơi đây/Một lần cũ đổi mới thay/Nguyễn triều Thành Thái đương cai Nhâm Dần (1902)/Tổ Nguyên Uẩn sơn môn Đa Bảo/Bậc hưng công lãnh đạo chủ trương/Lập đây một chốn đạo trường/Viên Minh Pháp Hội bóng vang hãy còn…”. |
|
Thời điểm ra đời của chùa hiện không có thư tịch ghi lại, nhưng trước năm 1900, chùa được dựng ở ngoài bãi sông Hồng, năm 1900 (tức là đầu thế kỷ 20) do có nguy cơ sạt lở, nên dân làng hai xã Quang Lãng và Mai Xá đã công đức và mời Nhà sư Thích Nguyên Uẩn tới trụ trì và dỡ chuyển chùa đến nơi hiện nay. |
|
Khi đã xây dựng quy củ, thầy Thích Nguyên Uẩn tập hợp tăng ni trong Sơn Môn Pháp Phái để thành lập đạo tràng lấy tên là Viên Minh Pháp Hội giảng dạy tu học Phật pháp. Bởi thế, nơi đây còn được gọi là “Viên Minh tự”. Năm Nhâm Dần 1902, Pháp sư Thích Nguyên Uẩn mở Đạo tràng Viên Minh Pháp Hội, quy tụ được hơn 100 tăng ni giảng dạy và tu học trong 12 năm (1903 – 1915). |
|
Cố Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đức Đệ Tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam là người kế thừa di sản và sứ mệnh của mạng mạch truyền thừa sơn môn Đa Bảo - Viên Minh Pháp hội do Đại Pháp sư Thích Nguyên Uẩn khai sơn. Khi trụ trì chùa Viên Minh, Sa môn Thích Phổ Tuệ đã từng có lời ký kế nghiệp, nay vẫn được ghi lại ở chùa: “Lời Kinh Phật ngày giờ tụng niệm/Vượt ra ngoài phổ biến vang xa/Cầu cho mưa thuận gió hòa/Bội thu hoa lợi mọi nhà yên vui…”. |
|
Đức Cố Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ sinh năm 1917 (năm Đinh Tỵ), trong một gia đình thuần thành theo Phật, tại làng Phùng Thiện, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ngài xuất gia khi 5 tuổi, 18 tuổi thọ Sa di giới, 20 tuổi thọ Đại giới Tỷ kheo và Bồ tát giới tại Giới đàn Viên Minh với các Sư tổ Tế Xuyên, Đào Xuyên, Vĩnh Nghiêm, Bồ Đề, Đa Bảo và Viên Minh. Ngài đã tham gia học ở hầu khắp các tổ đình miền Bắc. |
|
Trụ trì ngôi chùa làng, Cố Hòa thượng Thích Phổ Tuệ là một vị sư rất thạo việc đồng áng. Ngày thường ở nơi thôn dã, vị tăng già trực tiếp cày cấy, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Đến năm 80 tuổi, Hòa thượng mới thật sự thôi cày ruộng, nhưng vẫn liên tục làm vườn, làm việc chùa không ngừng nghỉ. Và có lẽ vì thế mà Hòa thượng Thích Phổ Tuệ thường dặn dò đệ tử rằng: “Sống ở đời phải biết lao động, nếu chúng sinh tất thảy đều lười biếng thì biết lấy gì để nuôi nhau. Và khi không có ăn thì đời tất sinh biến, mọi lỗi lầm u chướng rồi cũng từ đó mà ra”. |
|
Điều đặc biệt là đã hơn nửa thế kỷ nay, chùa Giáng hoàn toàn không có tục đốt vàng mã tại chùa. Đức Cố Pháp chủ Thích Phổ Tuệ thường xuyên dặn rất kỹ Phật tử trong chốn Tổ đặc biệt chỉ có tụng kinh, phóng sinh, cầu tăng phúc thọ chứ không có dâng sao giải hạn hay đốt vàng mã. Rau quả sử dụng cho bếp ăn nhà chùa, chùa tự cung tự cấp. Có nhiều Phật tử tới đây thấy các hạng, mục đồ đạc trong chùa đã cũ xin sư cụ để được đóng góp, trùng tu lại nhưng sư cụ vẫn bảo giữ nguyên, cố gắng tiết kiệm. |
|
Sinh thời, cố Đại lão Hòa thượng từng nói: Tuổi thọ không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho đời, cho đạo. Ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệp thì bất khả tư nghì. Nhưng đã hỏi, thì tôi cũng khuyên muốn sống lâu trước hết phải sạch sẽ từ thân đến tâm. |
Cố Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong các cấp Giáo hội như: Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN (1997 - 2007), Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội (2003 - 2007), Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Phật học (2003 - 2007); Phó pháp chủ kiêm Chánh thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN (2002 - 2007).
Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 6 (2007), Ngài được Đại hội suy tôn ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, trở thành Pháp chủ thứ ba của GHPGVN. Trải qua các nhiệm kỳ Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 7 (2012), 8 (2017), Ngài luôn luôn được Đại hội suy tôn ngôi vị Thiền gia Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ có nhiều tác phẩm về Phật học ở Việt Nam, như Đại từ điển Phật học, Đề cương kinh Pháp Hoa, Kinh Bách Dụ, Phật tổ tam kinh…
Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ qua đời vào 3 giờ ngày 21.10.2021 (tức 19.9 năm Tân Sửu), trụ thế 105 năm, hạ lạp 85 năm. Nhập kim quan tại Tổ đình Viên Minh (chùa Giáng).