Chưa kiểm soát thuốc lá thế hệ mới do sợ hệ lụy hay khó quản lý?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vì sao Việt Nam vẫn chưa quản lý thuốc lá thế hệ mới trong khi 184 nước thuộc WHO đã cho phép làm điều đó? Lời giải về chính sách quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng vẫn còn bỏ ngỏ cho các cơ quan, chính quyền sở tại, dấy lên nỗi băn khoăn về sức khỏe người dùng và xã hội.

Loay hoay tìm định nghĩa cho thuốc lá thế hệ mới trong khi thế giới đã nhất quán từ lâu?

Trong khi Việt Nam vẫn đang gặp phải một số câu hỏi về cách định nghĩa, phân loại thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) thì một số sản phẩm như thuốc lá làm nóng (TLLN) đã được thế giới đồng thuận về cách phân loại từ lâu. Hội nghị lần thứ 8 các nước thành viên (COP8) thuộc Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức đã chỉ định: TLLN là sản phẩm thuốc lá.

WHO, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) đều nhất quán với định nghĩa này. Theo đó, 184 trong số 195 quốc gia thành viên của WHO đã cho phép lưu hành và quản lý sản phẩm này dưới luật.

Dù đã sớm được công nhận tại nhiều nước, nhưng tại Việt Nam, TLLN vẫn chưa được đưa vào kiểm soát theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) hiện hành (từ năm 2012). Với mức độ độc tính giảm thiểu đáng kể so với thuốc lá điếu đốt cháy, không chỉ các nhà lãnh đạo y tế, chính phủ, mà các cộng đồng, hiệp hội người dùng cũng đồng loạt ủng hộ việc sử dụng TLLN như một giải pháp chuyển đổi cho người hút thuốc trưởng thành gặp khó khăn trong việc cai thuốc.

Kiểm soát sớm là góp phần giảm tác hại từ khói thuốc. (Ảnh minh họa, nguồn EWN)

Kiểm soát sớm là góp phần giảm tác hại từ khói thuốc. (Ảnh minh họa, nguồn EWN)

Chính vì vậy, kiểm soát mặt hàng này sớm là bước đi cần thiết giúp các bệnh nhân không thể bỏ thuốc, người hút thuốc lá chủ động và thụ động đều có cơ hội được giảm thiểu nguy cơ bệnh tật và tử vong đến từ khói thuốc đốt cháy thông thường.

Thế giới ngăn chặn tác động đến xã hội, giới trẻ bằng cách nào?

Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cho biết, kết quả khảo sát mới nhất ở Anh ủng hộ quan điểm rằng việc sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) không “bắc cầu” chuyển sang hút thuốc điếu thông thường. Các khảo sát quy mô lớn trên toàn cầu cũng không tìm thấy mối liên kết bắc cầu giữa việc sử dụng các sản phẩm TLĐT và TLLN với việc hút thuốc lá điếu tại Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Pháp, Thụy Sĩ...

Trái với nhận định là TLTHM sẽ “tạo ra một thế hệ nghiện nicotine mới” ở giới trẻ, thông qua 5 cuộc khảo sát tại Anh từ năm 2015-2017, tổ chức chống thuốc lá ASH khẳng định, hầu hết người trẻ chỉ thử trải nghiệm TLĐT và không trở thành người dùng thường xuyên. Đồng thời, nhiều công trình nghiên cứu khoa học quốc tế chứng minh TLTHM còn góp phần giúp giảm thiểu tác hại từ khói thuốc lá điếu.

Tại Việt Nam, xu hướng giới trẻ sử dụng TLTHM gia tăng thời gian qua là do chưa có chế tài kiểm soát chặt chẽ, khiến người dùng dễ tiếp cận các nguồn hàng bất chính từ chợ đen. Đồng thời, việc chưa áp dụng luật quản lý dẫn đến thiếu hướng dẫn chính thức về cách sử dụng hay phân loại TLTHM chính danh, từ đó tạo kẽ hở cho tội phạm buôn lậu điều hướng việc sử dụng sai mục đích, sai đối tượng, dẫn đến những hệ lụy xã hội đối với giới trẻ, thậm chí các ca ngộ độc ma túy trá hình như hiện nay.

Như vậy, vấn đề lớn khi cho phép lưu hành TLTHM ở mức độ cộng đồng là cần đảm bảo nâng cao năng lực, nguồn lực quản lý thị trường, kiểm soát về y tế công cộng nhằm một mặt cung cấp giải pháp giảm tác hại cho người hút thuốc trưởng thành, mặt khác ngăn chặn tối đa sự tiếp cận của giới trẻ.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi và Trung tâm Ung thư Quốc gia Nhật Bản kết luận: “Mức phơi nhiễm với khí hơi (aerosol) từ TLLN thấp hơn 3 bậc so với thuốc lá điếu đốt cháy trong cùng điều kiện phòng kín”.

Tiến sĩ Lion Shahab trình bày nghiên cứu tại hội nghị khoa học “No Smoke Summit”.

Tiến sĩ Lion Shahab trình bày nghiên cứu tại hội nghị khoa học “No Smoke Summit”.

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP Hồ Chí Minh) đánh giá, làm nóng thuốc lá thay vì đốt cháy sẽ giảm đáng kể tác nhân gây hại, có thể hỗ trợ cho những bệnh nhân không thể cai thuốc lá, đặc biệt là các bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Nghiên cứu mới nhất của Đại học King’s College London cũng khẳng định, người chuyển đổi sang TLTHM sẽ giảm đáng kể khả năng phơi nhiễm với các chất gây ung thư, bệnh phổi và tim mạch. “Nghiên cứu này là cơ sở để trấn an các nhà hoạch định chính sách và cơ quan y tế về lợi ích sức khỏe cộng đồng”, theo ông Lion Shahab, Tiến sĩ Sức khỏe tâm lý, Khoa Khoa học hành vi và sức khỏe, Viện Dịch tễ và y tế Anh nhận định.

Dưới góc độ chuyên môn và cộng đồng, Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Đình Phương - Trưởng khoa Nội Tổng quát và Y học gia đình, Bệnh viện Việt Pháp - FV, TP Hồ Chí Minh phát biểu, cần phải giúp người hút thuốc vừa cắt cơn “nghiện” nicotine, vừa chuyển đổi hành vi hút thuốc lá điếu sang một sản phẩm nào đó ít độc hại hơn, phù hợp với khuynh hướng của thế giới bây giờ.

Có thể nói, TLTHM dựa trên nguyên lý không đốt cháy là giải pháp giảm tác hại so với thuốc lá điếu thông thường, đã được giới khoa học, các tổ chức y tế và chính phủ ở các quốc gia tiên tiến công nhận và khuyến khích người dân chuyển đổi. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu quản lý tốt TLTHM bằng luật pháp thì vấn đề liên quan đến giới trẻ hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Bên cạnh đó, giải pháp này sẽ giúp giảm gánh nặng cho các cơ quan quản lý thị trường, giảm gánh nặng bệnh tật cho y tế, khuyến khích người hút thuốc thực hiện lối sống lành mạnh, có ý thức xây dựng cộng đồng không khói thuốc.

Đọc thêm