Chưa nêu rõ trách nhiệm cá nhân bộ trưởng, trưởng ngành

(PLO) - Các cơ quan của Chính phủ cần nêu rõ trách nhiệm cá nhân của bộ trưởng, trưởng ngành trong việc để tồn tại, hạn chế và có biện pháp, giải pháp thực hiện các vấn đề đã hứa.
Chưa nêu rõ trách nhiệm cá nhân bộ trưởng, trưởng ngành
Đó là một trong những yêu cầu của Quốc hội khi thảo luận về Báo cáo của Chính phủ việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp vào sáng qua (17/11). 
Còn hạn chế vì có “cán bộ chưa hết trách nhiệm trước nhân dân”
Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện các lời hứa tại các phiên chất vấn, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn nhận thấy trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, một số chính sách còn bất cập, một số cán bộ chưa thực sự phát huy hết trách nhiệm trước nhân dân nên kết quả của một số mặt còn chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. 
ĐBQH cho rằng, Chính phủ mới chú trọng báo cáo những mặt làm được mà chưa đề cập đầy đủ về những tồn tại, hạn chế, nhất là một số nguyên nhân của tồn tại, hạn chế được nêu ra chưa đủ sức thuyết phục. Từ thực trạng tàu chìm thì rà soát tàu, một mỏ đá sập thì rà soát mỏ, một cái cầu treo đứt thì rà soát cầu..., 
ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị Chính phủ giải thích vì sao có nhiều sự việc xảy ra rồi mới chỉ đạo rà soát. “Thế những việc cần làm trước đó thì sao? Những việc đó Thủ tướng hay các bộ trưởng không thể quản lý hết, trách nhiệm chính là ở các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương”. 
Đề cập đến “món nợ” với cử tri “còn xấu hơn nợ xấu và nợ công” là vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu vẫn gây những tác hại nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội, đến đời sống nhân dân, tình hình sản xuất và cả an ninh quốc gia, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) thắc mắc, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có nhiều kết quả tích cực với nỗ lực chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhưng tình trạng này vẫn còn xảy ra nghiêm trọng với quy mô lớn và phức tạp. 
“Người nông dân đã nghèo nhưng mua phải phân bón giả, thuốc trừ sâu cũng làm giả, người dân ăn uống cảm thấy không an toàn, bệnh đi cấp cứu thì thuốc giả, người dân cảm thấy không an toàn với cuộc sống. Đây là món nợ tôi cho rằng còn xấu hơn nợ xấu và nợ công. Rất mong Chính phủ có biện pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng này” – ĐB kiến nghị.
Bảo vệ lợi ích của người dân thì phải sa thải được cán bộ
Bức xúc trước kết quả “cải cách hành chính giảm được nhiều thủ tục, giảm được phiền hà nhưng chưa giảm được bộ máy, biên chế”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhận định, lý do khiến bộ máy ngày càng phình ra là do không dám làm mạnh, kiên quyết nên đề nghị “Chính phủ phải kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn, đặc biệt xác định vị trí việc làm, có điều kiện sa thải công chức, viên chức, chứ tuyển viên chức, công chức mà vào ngồi ì không đuổi được. Bảo vệ lợi ích của người dân thì phải sa thải được cán bộ”.
Nhiều ĐBQH nêu những vấn đề chưa làm được trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, trong đó, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) băn khoăn trước thực trạng “bài toán phát triển ngành nông nghiệp chưa được đặt ra đồng bộ” dù nước ta có rất nhiều lợi thế về nông nghiệp, về trồng trọt, ngư nghiệp, kinh tế biển... còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mới chỉ tập trung được vào việc “trồng cây gì, nuôi con gì” mà chưa biết “bằng cách nào và cho ai” nên người nông dân luôn gặp điệp khúc “được mùa mất giá”. Từ đó, một số ĐBQH đặt ra lo ngại về an ninh lương thực và chất lượng cuộc sống của người nông dân.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, thời gian tới, đảm bảo an ninh lương thực của đất nước, phải duy trì vững chắc năng lực sản xuất lương thực, thực phẩm, chứ không phải chỉ lúa gạo, quan tâm hơn nâng cao thu nhập cho các hộ có nhiều khó khăn để đảm bảo mọi người có đủ lương thực. 
Thừa nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế mà ĐBQH chỉ ra, một số chuyển biến chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của ĐBQH và cử tri cả nước, thay mặt Chính  phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ nỗ lực tập trung rà soát, kiểm tra biện pháp, hiệu quả tổ chức thực hiện các vấn đề cụ thể đã nêu trong các Nghị quyết của Quốc hội; xác định rõ hơn, phân công rõ hơn trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành trong việc giải quyết các vấn đề mà ĐBQH và cử tri đã nêu, Thủ tướng sẽ có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc quyết liệt, sát sao hơn những vấn đề đã đưa vào nghị quyết chất vấn. 
* Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): 
Lộc quan không phải  là ăn chặn của dân
Trong phòng, chống tham nhũng, yếu tố con người là quan trọng nhưng còn phải xây dựng lòng tin cho người dân. Người dân đưa hối lộ là vì không còn tin vào cán bộ nữa nên phải xem lại cán bộ của mình và ngoài xử lý nghiêm, trừng phạt nghiêm, phải chú trọng xây dựng lòng tin, nếu không xây dựng lòng tin cho người dân, đi đến đâu người dân cũng phải đưa tiền không phải vì kính nể. Lộc của quan là khác, làm quan thời nào cũng có lộc, chứ ăn chặn của dân lại khác.
* Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: 
Cần sự giám sát của Đại biểu Quốc hội để phòng, chống tham nhũng
Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng đã có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc phòng, chống tham nhũng ở các ngành, địa phương; chỉ đạo xử lý những vụ tham nhũng lớn. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều giải pháp rất đồng bộ, từ xây dựng thể chế đến thực hiện các giải pháp phòng ngừa tương đối hiệu quả. Trong thời gian tới, ngoài việc thực hiện các giải pháp từ chỉ đạo đến phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, cần có sự giám sát của các ĐBQH, sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, của hệ thống chính trị nói chung và các cơ quan liên quan.

Đọc thêm