“Lực bất tòng tâm”
Chung cư 15 – 17 Ngọc Khánh (phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội), do Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thăng Long GTC làm chủ đầu tư, có 04 tầng thương mại và hơn 200 hộ dân cư. Năm 2007, chủ đầu tư bàn giao nhà cho khách hàng nhưng đến nay, dù đã hơn 10 năm đi vào hoạt động, hàng trăm hộ dân sinh sống nơi đây vẫn phải đánh cược mạng sống của mình cho “bà hoả”.
|
Chung cư 15-17 Ngọc Khánh |
Lo ngại về vấn đề cháy nổ khu tầng hầm để xe, ông Đ, cư dân sinh sống tại tầng 18 bức xúc: “Không gian tầng hầm của 03 toà nhà có hai lối thoát hiểm thì lối ra của xe máy được chủ đầu tư dùng thân gỗ dài khoá lại, bịt kín; còn lối ra của ô tô cũng được tận dụng làm nơi đỗ xe cả ngày lẫn đêm. Khi có đoàn kiểm tra, “tất thảy” đều được “dọn dẹp sạch sẽ”, cửa mở thông thoáng nhưng khi đoàn kiểm tra rời đi, mọi thứ đều trở lại như ban đầu”.
|
Hàng trăm chiếc xe máy dưới tầng hầm |
|
Một lối từ dưới hầm lên luôn có 3-4 chiếc xe ô tô đỗ |
|
Lối thoát hiểm bị bịt kín bằng xe máy, thanh che chắn ngang và khóa |
Ông Đ ngao ngán: “Nếu xảy ra cháy nổ thì cũng khó mà có đường thoát thân”. Không chỉ bất cập về công tác PCCC, chung cư 15 – 17 Ngọc Khánh còn rất nhiều những tồn tại ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân như không được công khai minh bạch nguồn kinh phí bảo trì toà nhà, thang máy “chết” dưới tầng hầm gửi xe, hệ thống PCCC được lắp đặt sơ sài, khiến tính mạng của cư dân nơi đây như “ngàn cân treo sợi tóc”. Mặc dù đã kiến nghị nhiều lần nhưng cư dân cũng chỉ nhận được những câu trả lời qua loa từ phía ban quản lý toà nhà và chủ đầu tư. Theo người dân, mọi vấn đề đều có thể giải quyết nếu có Ban quản trị dân cư.
|
Cả tầng hầm với hàng chục chiếc xe ô tô và hàng trăm chiếc xe máy nhưng chỉ có 3 bình cứu hỏa "hoen rỉ". |
Dọn về đây sinh sống từ khi chủ đầu tư bàn giao nhà, bà B (sinh sống tại tầng 17) cho biết: “PCCC là vấn đề nóng bỏng nhất, cư dân đấu tranh khốc liệt nhất. Đã quá 3 lần cư dân ở đây “chạy tá lả” khi tiếng chuông báo cháy kêu đến gần nửa tiếng nhưng bây giờ, tất thảy đều bình chân như vại”. Bà B lo ngại, “Cứ như thế này, không biết khi nào là cháy giả, cháy thật”.
Theo quan sát của phóng viên tại tầng hầm của tòa nhà thấy có rất nhiều xe sang được gửi tại đây nhưng cả khu tầng hầm chỉ có 2 lối được sử dụng cho cả xe ra và xe vào, lối ra của khu để xe máy không chỉ được chắn bằng thân gỗ dài mà còn được khoá “kỹ lưỡng” bằng chiếc khoá sắt. Hệ thống PCCC được lắp đặt sơ sài, cả tầng hầm với gần 100 chiếc xe lớn nhỏ chỉ được trang bị 3 bình chữa cháy.
|
Hàng chục chiếc xe ô tô "hạng sang" dưới hầm |
Trong vai người cần thuê mặt bằng chung cư làm văn phòng, chúng tôi được một bảo vệ toà nhà tiết lộ, cách đây không lâu, một xe ôtô bị bó côn nhả khói mù mịt, quá lo sợ cho vấn đề mất an toàn xảy ra, lực lượng an ninh đã ngay lập tức yêu cầu chủ nhân đưa chiếc xe ra ngoài.
“Chủ đầu tư thích độc quyền”?
Đó là đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Chiến – Phó Chủ tịch UBND phường Giảng Võ khi nhắc đến chủ đầu tư là công ty TNHH nhà nước MTV Thăng Long GTC, trong buổi làm việc với phóng viên.
Ông Nguyễn Ngọc Chiến khẳng định: “Hệ thống PCCC tại chung cư 15 – 17 Ngọc Khánh mới chỉ dừng lại ở mức kiểm tra, chưa hề hoàn thiện và được cấp Giấy phép PCCC. Thậm chí, những buổi kiểm tra cùng đoàn liên ngành, phường Giảng Võ đều không được mời tham gia kiểm tra, đơn cử như buổi kiểm tra gần đây nhất vào ngày 25/10/2017, chỉ đến khi đoàn kiểm ra dời đi thì phía phường mới nhận được thông tin từ người dân”.
|
Một lối đi của chung cư đóng cửa nhiều năm, tận dụng một phần diện tích để đỗ xe |
“UBND phường nhiều lần mời chủ đầu tư làm việc và yêu cầu đơn vị giải quyết những bất cập tại chung cư. Thế nhưng, chủ đầu tư không hề thích câu chuyện thành lập ban quản trị, họ thích độc quyền, đến nay, mọi vấn đề đều chưa được giải quyết. Thậm chí, UBND phường yêu cầu cung cấp tài liệu về những vấn đề cư dân bức xúc thì phía chủ đầu tư chỉ đưa ra được Giấy phép xây dựng và Quyết định giao đất” – ông Chiến trần tình.
Theo ông Chiến, vì là hợp đồng mua nhà giữa người mua với chủ đầu tư là giao dịch dân sự, nên cách tốt nhất để giải quyết mọi vấn đề tại khu dân cư là cư dân gửi đơn khiếu kiện lên toà án dân sự để đòi lại quyền lợi.
Được biết, từ năm 2012 đến nay, cơ quan cảnh sát PCCC đã tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC và đã nhiều lần xử phạt nhưng đơn vị này vẫn “chứng nào tật nấy”. Điều này không chỉ khiến các hộ dân không yên tâm mà khu vực xung quanh cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Trước tình hình chủ đầu tư vẫn đang xem nhẹ trách nhiệm đối với tính mạng người dân, các cơ quan chức năng cần đưa ra những biện pháp “mạnh tay” hơn nữa để đảm bảo an toàn tài sản và sinh mạng người dân tại khu chung cư.
Trước sự việc trên, trách nhiệm của chủ đầu tư là công ty TNHH nhà nước MTV Thăng Long GTC đến đâu?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.
Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội (Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 04/01/2013 của UBND TP Hà Nội) quy định rõ vệc thành lập Ban quản trị nhà chung cư (Điều 10, Điều 11) và trách nhiệm của các bên trong việc bảo trì nhà chung cư (Điều 12, Điều 13, Điều 19, Điều 20, Điều 21), cụ thể: Việc thành lập Ban quản trị nhà chung cư do Hội nghị nhà chung cư quyết định.
Hội nghị nhà chung cư là hội nghị các chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư. Đây là cơ quan có quyền cao nhất trong việc quản lý sử dụng nhà chung cư đó theo quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó Hội nghị nhà chung cư quyết định vấn đề: Để cử và bầu Ban quản trị; đề cử và bầu bổ sung, bãi miễn thành viên Ban quản trị trong trường hợp tổ chức Hội nghị nhà chung cư bất thường…