Rất ít tàu cá đảm bảo an toàn lao động

(PLO) - Cả nước hiện có hơn 1 triệu lao động làm việc trên khoảng 119.000 tàu cá, trong đó có 28.000 tàu cá hoạt động xa bờ phải đối mặt với sóng, gió, nhiều tai nạn tiềm ẩn khó cứu chữa kịp thời do xa đất liền. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, sức khỏe cho ngư dân chưa được quan tâm đúng mức.
Ngư dân bị tai nạn lao động được đưa vào bờ cấp cứu.
Ngư dân bị tai nạn lao động được đưa vào bờ cấp cứu.

Chạy trốn khỏi tàu cá do lao động nặng nhọc

Lao động đi biển là loại lao động căng thẳng, nặng nhọc và thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro tai nạn, bệnh tật. Mỗi chuyến tàu ra khơi thường có từ 5 đến 40 lao động, khai thác từ 10 ngày đến cả tháng trên biển. Thời gian làm việc của ngư dân trung bình 12 giờ/ngày. Ngư dân thường xuyên làm việc ngoài trời, chịu tác động của thời tiết, sự rung, lắc do tác động của sóng biển, tiếng ồn và khí thải chứa các yếu tố độc hại phát ra từ máy nổ. Không những thế, ngư dân còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, không gian nghỉ ngơi chật hẹp... Những yếu tố đó đã khiến người lao động sau một thời gian làm việc thường có các triệu chứng như: tê mỏi tay chân, đau đầu, cay mắt, lở loét da, tức ngực, đau khớp...

Theo Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động, từ năm 2007 đến nay, bình quân mỗi năm cả nước có 400 vụ tai nạn xảy ra trên biển do: cháy nổ, ngư dân bị đứt lìa chân tay, trơn trượt, rơi xuống biển, gãy chân vịt, tàu tự chìm do gỗ mục, chết máy…

Tai nạn lao động nghề biển đã cướp đi sinh mạng của nhiều người. Chiều 26/8/2017, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam nhận được thông báo cứu nạn khẩn cấp từ tàu cá BĐ 97588TS do ông Nguyễn Ngọc Tài (30 tuổi, ngụ  huyện Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng. Theo đó, trên đường đi đánh bắt hải sản, khi đang lao động trên tàu cá, hai ngư dân là La Tình (45 tuổi) và Nguyễn Văn Kỳ (37 tuổi) bị dây cuốn, làm ông Tình tử vong, ông Kỳ bị thương nặng, rất nguy kịch. Vào thời điểm đó, vị trí tàu cá BĐ 97588TS cách bờ biển TP Nha Trang 22 hải lý về hướng Đông Bắc. Thời tiết trên vùng biển lúc đó có sóng to, gió mạnh do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Sau nhiều giờ vật lộn với sóng dữ, 22h30 ngày 26/8, tàu cứu nạn đã tiếp cận được tàu cá. Sau khi cứu nạn, sơ cấp cứu cho ngư dân bị thương, lực lượng cứu nạn đã đưa 2 ngư dân về bờ vào lúc 23h 45 cùng ngày, khẩn trương đưa ngư dân Nguyễn Văn Kỳ đi cấp cứu. 2 giờ sáng ngày 27/8, lực lượng chức năng đã bàn giao thi thể ngư dân La Tình cho gia đình để mai táng.

Thời gian vừa qua, tình trạng lao động trên các tàu đánh cá tự ý nhảy xuống biển bỏ trốn diễn ra khá phức tạp, thậm chí một số người đã chết, hoặc mất tích. Ngày 2/10/2017, Thiếu tá Trương Bảo Xuyên - Đồn trưởng Đồn Biên phòng (BP) Sông Đốc, Bộ đội Biên phòng Cà Mau cho biết, đơn vị đã tiếp nhận 2 ngư dân trôi dạt trên biển từ 1 phương tiện hậu cần nghề cá của ngư dân địa phương. Sau 3 ngày chăm sóc sức khoẻ, đơn vị đã hoàn chỉnh thủ tục bàn giao 2 ngư dân nói trên về đoàn tụ với gia đình. Hai thuyền viên này có tên Thạch Kiệt (27 tuổi, quê huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu) và Nguyễn Văn Khang (20 tuổi, ngụ ấp Cây Trâm, xã Định Bình, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau).

Cả hai cùng đi làm thuê trên tàu đánh cá Kim Ngọc, thuyền trưởng tên Kim, quê ở Rạch Sỏi, Kiên Giang. Nguyên nhân Kiệt và Khang tự ý nhảy xuống biển bỏ trốn là do cả hai cùng làm trên tàu cá ông Kim đã 4 tháng nhưng không được vào bờ, trong khi công việc nặng nhọc. Ngày 27/9/2017, cả hai đã ôm thùng nhựa nhảy xuống biển. Trôi dạt trên biển khoảng 4 tiếng đồng hồ thì họ được tàu đánh cá mang số hiệu BT 90271TS của ông Nguyễn Hữu Lộc (quê Vạn Ninh, Khánh Hòa) phát hiện, cứu vớt. Sau đó ông Lộc đã gửi Kiệt và Khang sang tàu của ông Lâm Văn Bắc (ngư dân Sông Đốc) chở vào bàn giao cho Đồn BP Sông Đốc.

Dù lênh đênh trên biển nhiều ngày trời, khó tiếp cận với các dịch vụ y tế nhưng hầu hết các tàu cá đều không có tủ thuốc. 6h43 ngày 9/10/2017, tàu cá QNG 94989TS (chủ tàu là ông Trần Ngọc Phước) đã liên hệ trực tiếp tới Đài Thông tin duyên hải Nha Trang thông báo có 1 ngư dân trên tàu bị tai nạn lao động ở tay cần trợ giúp ý tế. Theo đó, ngón tay trỏ bàn tay phải ngư dân Nguyễn Bé (SN 1974) bị dính vào lưới gần rời ra khỏi bàn tay. Tàu cách Quy Nhơn khoảng 60 hải lý, dự kiến khoảng hơn 20 tiếng đồng hồ mới đến Quy Nhơn. Trên tàu không có bất kỳ loại thuốc hay dụng cụ y tế nào.

An toàn lao động đi biển phải được quan tâm

Hiện nay, tàu cá của ngư dân đa số là tàu nhỏ, vỏ gỗ, lắp máy cũ đã qua sử dụng, trang thiết bị khai thác và an toàn còn thiếu và không đồng bộ. Trong khi đó, hầu hết ngư dân đi biển đều dựa vào kinh nghiệm nên không chú trọng đến những thiết bị an toàn. Hiện nay, lao động ngư nghiệp hầu hết không có hợp đồng lao động, chế độ phúc lợi xã hội; không được tiếp cận, quan tâm khi bị rủi ro, tai nạn, thương tích. Bên cạnh đó, trước và sau khi hành nghề, họ không được học tập, tập huấn nâng cao kiến thức về bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ trên tàu mà chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm là chính.

Do đó, họ không thể tránh khỏi rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chính vì thế, để đảm bảo quyền lợi cho lao động ngư dân, Nhà nước, địa phương cần xây dựng chính sách, quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho ngư dân về: hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, khám sức khỏe định kỳ, chế độ lao động nặng nhọc, độc hại...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động của ngư dân là do thiếu thông tin liên lạc, thiếu trang thiết bị an toàn kỹ thuật, công nghệ khai thác còn thô sơ, lạc hậu. Do đó, Nhà nước, địa phương cần quan tâm đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các cảng cá, khu vực neo đậu, tránh trú bão, khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho ngư dân chuyển đổi dần từ tàu cá vỏ gỗ sang tàu vỏ thép, composite và các loại vật liệu mới. Cơ khí hóa các trang thiết bị khai thác, bảo quản nhằm giảm áp lực lao động bằng sức lực. 

Nghề khai thác hải sản trên biển đã và đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước, tạo việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương. Chính vì thế, vấn đề đảm bảo an toàn lao động, bệnh tật cho ngư dân rất cần được các cấp, ngành, doanh nghiệp quan tâm. Có như vậy mới giúp ngư dân bảo đảm được tính mạng, sức khỏe, vững tin bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

Đọc thêm