Chứng cứ “có vấn đề”, đừng để thêm 1 vụ án oan sai

(PLO) -Trong vụ án hình sự, chứng cứ có vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ sở duy nhất, là phương tiện, căn cứ để chứng minh, làm rõ có hay không có hành vi phạm tội? Nếu có thì ai là tội phạm? Thế nhưng, trong vụ án này, các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đều “có vấn đề”...
Chứng cứ “có vấn đề”, đừng để thêm 1 vụ án oan sai

Hai lần đổi tội danh

Theo bản án sơ thẩm số 65/2017/HSST ngày 26/9/2017 của HĐXX TAND Thị xã Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) thì diễn biến vụ án có thể tóm tắt như sau:

Do mâu thuẫn trên mạng xã hội nên khoảng 15h ngày 12/4/2016, Nguyễn Quang Sự (SN 1999, ở xã Thiện Kế) rủ Trần Quỳnh Anh (SN 1994), Nguyễn Văn Thắng (SN 1995), Nguyễn Văn Soi (SN 1997, trú xã Bá Hiến), Đặng Văn Ngọc (SN 1997), Đặng Văn Hoàng (SN 1997, trú xã Thiện Kế), Phan Văn Chiến (SN 1993, trú xã Trung Mỹ, cùng thuộc huyện Bình Xuyên) tới bờ hồ Đại Lải (xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên) để đánh Nguyễn Văn Quân (SN 1997).

Tại đây, Sự tìm cớ gây sự với nhóm Quân. Lúc này, Nguyễn Văn Tuyên (SN 1999, trú tại xã Sơn Lôi, Bình Xuyên) - một trong hai người bạn đi cùng Quân phản kháng lại nên bị cả nhóm Sự đánh hội đồng. Quân và người bạn còn lại bỏ chạy nên không bị thương tích. Tiếp đó, Sự nhặt 1 hòn đá đập 1 phát vào vùng đầu làm Tuyên bất tỉnh, chảy máu. Tuyên được đưa đi cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện đến ngày 16/10/2016 thì tử vong.

Ngày 11/8/2016, Cơ quan CSĐT Công an TX Phúc Yên đã tiến hành khởi tố vụ án. Ngày 2 và 5/10/2016 khởi tố bị can với 7 người trên về tội “Cố ý gây thương tích”. Đến ngày 23/11/2016, cơ quan công an thay đổi quyết định, khởi tố các bị can về tội “Giết người”. Sau hơn 6 tháng, ngày 5/6/2017, Công an Tỉnh Vĩnh Phúc 1 lần nữa thay đổi, quay lại khởi tố về tội “Cố ý thương tích”.

Mặc dù các bị cáo kêu oan, luật sư bào chữa chỉ ra tới 11 luận cứ nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX vẫn tuyên các bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích”, bị xử phạt từ 3-6 năm tù.

Vật chứng không phù hợp?

Theo quy định tại Điều 64 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 thì chứng cứ được xác định bằng:

a) Vật chứng;

b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;

c) Kết luận giám định;

d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

Theo kết luận điều tra số 40/KLĐT-PC45 (D3) của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc và Cáo trạng số 40/KSĐT-TA của Viện KSND Thị xã Phúc Yên, vật chứng trong vụ án được xác định là 1 hòn đá kè có kích thước khoảng 7x10 (cm). Tuy nhiên cơ quan điều tra lại không truy tìm được vật chứng.

Trong hồ sơ vụ án đã được luật sư sao chụp không có bản mô tả chi tiết, cụ thể về kích thước, hình dạng, đặc điểm của vật chứng, không tổ chức nhận dạng vật chứng mẫu. Tài liệu duy nhất thể hiện các đặc điểm của vật chứng lại thông qua chính biên bản ghi lời khai, hỏi cung các bị can, bị cáo. Trong khi, bản thân bị có Sự lại không thừa nhận hành vi này.

Theo đó, vật chứng có đặc điểm là một viên đá kè, kích thước 10x15cm, hình đa giác, có nhiều cạnh sắc nhọn. Nếu đúng theo mô tả trên, hòn đá hoàn toàn có khả năng gây thương tích sâu khi được đập vào vùng đầu phía chẩm sau bên phải của bị hại.

Tuy nhiên, theo nhận định của Viện Pháp y Quốc Gia tại công văn số 233: “chấn thương vùng đầu của bị hại chỉ là vết thương rách da, đụng dập tụ máu dưới da đầu, không gây vỡ xương sọ hay tổn thương mô não có thể gây chết”.

Mặt khác, 2 nhân chứng Nguyễn Văn Quân và Đặng Thái Sơn lại có những lời khai cho thấy khi bị đấm vào mặt, Tuyên ngã ngửa, đập đầu xuống nền bê tông và chảy máu.

Từ những căn cứ trên có thể thấy, việc cơ quan tiến hành tố tụng kết luận Sự đập đá vào đầu bị hại e có phần thiếu thuyết phục.

Lời khai mâu thuẫn, không thống nhất

Theo luật sư, điểm “nổi bật” trong hồ sơ vụ án và cũng là “căn cứ chính” được dùng để buộc tội các bị cáo lại chủ yếu dựa vào lời khai. Mặc dù, về mặt lý luận, như ông bà vẫn nói “lời nói gió bay”. Một lời khai chỉ có thể xem là có giá trị chứng minh khi nó trùng hợp với các chứng cứ khác và nói đúng sự thật. Tuy nhiên, lời khai của các bị cáo, nhân chứng trong vụ án này lại rất mâu thuẫn, thậm chí trái ngược nhau hoàn toàn.

Cụ thể, như đối với bị cáo Nguyễn Quang Sự: tại bản khai ngày 25/4 (gần thời điểm xảy ra sự việc nhất, lúc chưa khởi tố vụ án), Sự khai “không tham gia đánh nhau, chỉ chứng kiến”. 

Tuy nhiên, tại đơn đầu thú ngày 23/9 và các biên bản ghi lời khai tiếp theo từ BL 412 đến BL 444, Sự lại khai nhận bị cáo và đồng bọn thực hiện đánh Tuyên. 

Điều đáng nói, theo quy định tại điểm b, khoản 2 điều 57 Bộ luật Tố tụng Hình sự, Sự chưa đến tuổi thành niên nên bắt buộc phải có người bào chữa nhưng cơ quan điều tra đã không thực hiện đúng quy định này. Và nhất là từ khi có sự tham gia của luật sư, Sự đã phủ nhận hoàn toàn nội dung của những lời khai trước và khẳng định bản thân không liên quan đến sự việc đánh Tuyên.    

Tương tự bị cáo Sự, các bị cáo Nguyễn Văn Thắng, Đặng Văn Ngọc, Phan Văn Chiến, Nguyễn Văn Soi, Trần Quỳnh Anh cũng đều có những lời khai mâu thuẫn, không thống nhất, có thời điểm thừa nhận, có thời điểm không thừa nhận hành vi phạm tội.

Không chỉ có các bị cáo, lời khai của các nhân chứng cũng không thống nhất. Ngay sau khi sự việc xảy ra, vào khoảng tháng 4,5/2016, khi tường trình lại sự việc, các nhân chứng đều khai không quen biết ai trong nhóm đánh bị hại Tuyến và không có chi tiết dùng hòn đá đập vào đầu.

Thế nhưng, kể từ khi các bị cáo bị khởi tố, bắt tặm giam đến nay, các nhân chứng đều đồng loạt thay đổi lời khai theo hướng khẳng định trong nhóm thanh niên đánh người có Nguyễn Quang Sự và Sự là người đập đá vào đầu bị hại.

Tố bị ép, bức cung

Theo tư duy logic thông thường, đương nhiên, không thể có việc, 1 người vừa tham gia “đánh” lại vừa “không đánh”, cũng không thể có việc cùng 1 thời điểm nhưng “phân thân” ở hai vị trí khác nhau? Đây là những mâu thuẫn quan trọng, cần được làm sáng tỏ. Mặt khác, việc các bị cáo, nhân chứng thay đổi lời khai cho thấy có sự “không bình thường”, có dấu hiệu bị tác động.

Đặc biệt, tại nhiều biên bản lấy lời khai và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Sự đều khẳng định mình bị oan, những lời khai nhận tội trước là do bị ép cung, buộc khai theo hướng dẫn của cán bộ điều tra.

Tại BL450, Sự khai: “bị cáo nhận tội là do cán bộ điều tra đánh, tôi sợ nên thay đổi nội dung lời khai…”. Không chỉ 1 mình Sự, bị cáo Nguyễn Văn Thắng, tại bản tự khai ngày 7/4/2017 cũng khai: “… tôi bị các cán bộ ép cung, đánh tôi sưng tím hết chân tay…”. Bị cáo Phạm Văn Chiến, Đặng Văn Ngọc, Nguyễn Văn Soi, Quỳnh Anh cũng có những lời khai tương tự.

Thậm chí, ngay cả các nhân chứng cũng có những lời khai khẳng định có việc bị ép cung. Bản khai ngày 9/2/2017, nhân chứng Triệu Thị Lan khai: “Lời khai và bản tường trình ngày 24,25/9/2016, tôi khai báo về việc Sự và Hoàng tham gia đánh Tuyên là do tôi bị… ép, còn tôi khẳng định Sự và Hoàng không tham gia đánh Tuyên”.

Thực tế thời gian qua, vấn đề ép cung, bức cung là một vấn đề nhức nhối đã được nhiều đại biểu Quốc hội, lãnh đạo cấp cao thẳng thắn nhìn nhận. Mặc dù, tại phiên tòa, HĐXX đã chiếu các video ghi lại hoạt động lấy cung cho thấy không có việc bức, ép cung. Thế nhưng, việc cả bị cáo và nhân chứng đều tố cáo, việc lời khai bất nhất khiến dư luận không khỏi hoài nghi vào giá trị chứng minh của những lời khai có trong hồ sơ vụ án. 

Nguyên nhân chết là do bệnh lý

Các bị cáo trong vụ án bị truy tố về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo điều 104 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi 2009) có hậu quả “dẫn đến chết người” theo khoản 3 điều này.

Theo nội dung, diễn biến vụ án, chỉ có duy nhất hành vi đập đá vào đầu nạn nhân là có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại có quá nhiều mâu thuẫn như đã nêu trên. 

Tại Bản kết luận giám định số 13/17/GĐHS ngày 1/6/2017, Viện Pháp y Quốc gia kết luận nguyên nhân cái chết của bị hại Nguyễn Văn Tuyên là do: suy gan, ứ mật giai đoạn cuối do ung thư đường mặt trong gan.

Đối với chấn thương vùng đầu, kết luận của Pháp y Quốc gia nêu: “Chấn thương vùng đầu chỉ gây rách da đầu… và không có tổn thương mô não có khả năng gây tử vong… không đủ căn cứ xếp tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể đối với vết thương vùng đầu”.

Điều này đã “bác bỏ” kết luận giám định thương tích của Trung tâm giám định pháp (TT GĐPY) y tỉnh Vĩnh Phúc ngày 2/8/2016 kết luận: Tổn hại sức khỏe ở thời điểm hiện tại của nạn nhân Nguyễn Văn Tuyên là 81%. Đây chính là cơ sở để ngày 11/8/2016, cơ quan CSĐT khởi tố vụ án. 

Tại bản kết luận giám định tử thi số 215 ngày 8/11/2016 của TT GĐPY Vĩnh Phúc kết luận nguyên nhân tử vong của nạn nhân Tuyên là do “chấn thương sọ não nặng sau điều trị không phục hồi”. Tuy nhiên, tại công văn 223, Viện Pháp y Quốc gia khẳng định: “Nạn nhân chết không phải do chấn thương sọ não”.

Theo quy định của pháp luật, hậu quả chết người xảy ra đối với tội danh “Cố ý gây thương tích” phải có nguyên nhân vì những thương tích do hành vi của người phạm tội gây ra. Như vậy, việc lập luận rằng “vì bị cáo bị đánh làm cho bệnh nặng hơn dẫn đến chết” có phần khiên cưỡng, không những không đúng về lý luận tội phạm mà khó có thể khiến các bị cáo, dư luận thấy “tâm phục, khẩu phục”.

Đừng để thêm 1 án oan sai

Không chỉ có quá nhiều điểm mâu thuẫn như đã nêu trên, hồ sơ vụ án còn cho thấy đối với các bị cáo Sự, Thắng, Chiến, Ngọc có rất nhiều bằng chứng ngoại phạm, không mặt tại hiện trường vụ án ngày 12/4/2016 hoặc không tham gia đánh nạn nhân. 

Kết quả khám nghiệm hiện trường cũng không phù hợp với lời khai của các nhân chứng trực tiếp chứng kiến sự việc. Trong khi lời khai của nhân chứng Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Thái Sơn đều cho thấy nạn nhân bị chảy nhiều máu, để lại “vũng” trên mặt đường. Nhưng “điều lạ” là, mặc dù thời tiết tốt, không mưa, nhưng kết quả khám nghiệm hiện trường sau khi sự việc xảy ra khoảng 2 tiếng lại “không phát hiện được dấu vết”.

Tại KLĐT, cáo trạng đều khẳng định, các bị cáo có sự liên lạc với nhau bằng điện thoại trước khi lên hồ Đại Lải tham gia đánh nhau. Thế nhưng các tài liệu trích xuất dữ liệu điện tử từ thuê bao và điện thoại của các bị cáo lại không thể hiện điều nay?

Ngoài ra, quá trình điều tra còn có dấu hiệu vi phạm tố tụng. Cụ thể, đối với bị cáo Sự là trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa khi lấy lời khai. Thế nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Sự và mẹ là bà Đặng Thị Yên khẳng định “Tại thời điểm bị cáo viết đơn đầu thú và biên bản lời khai, tường trình ngày 23/9/2016 không có sự tham gia của bà Yên. Chữ ký của bà Yên là do điều tra viên yêu cầu bà ký bổ sung”. 

Thực tế, các vụ án oan sai gây ra những hậu quả khủng khiếp cả về vật chất lẫn tinh thần cho nạn nhân và gia đình của họ. Đối với vụ án mà các chứng cứ đều “có vấn đề”, không đủ giá trị chứng minh như trong vụ án này, rất cần phải xem xét thấu đáo, công minh, để tránh thêm 1 án oan sai.

Đọc thêm