Chuyển biến mạnh mẽ của Học viện Chính trị

 Hôm nay - 25/10, Học viện Chính trị-Bộ Quốc phòng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Học viện Chính trị(25/10/1951-25/10/2011) và đón nhận Huân chương Sao vàng. Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, 60 năm xây dựng và phát triển, bằng trí tuệ, công sức và cả máu xương, các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của Học viện Chính trị đã lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của các lực lượng vũ trang nhân dân.
Hôm nay - 25/10, Học viện Chính trị-Bộ Quốc phòng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Học viện Chính trị(25/10/1951-25/10/2011) và đón nhận Huân chương Sao vàng. Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, 60 năm xây dựng và phát triển, bằng trí tuệ, công sức và cả máu xương, các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của Học viện Chính trị đã lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của các lực lượng vũ trang nhân dân.

Cuối tháng 11/1950 đến tháng 4/1951, thực hiện chủ trương của Đảng và Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định mở hai lớp bồi dưỡng chính trị ngắn ngày cho cán bộ quân đội nhằm “giáo dục tư tưởng và nâng cao năng lực công tác cho cán bộ”. Phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác giáo dục chính trị cho đội ngũ cán bộ quân đội nói chung và trên cơ sở thực tiễn của việc tổ chức hai lớp huấn luyện chính trị nói trên, tháng 7/1951, Tổng Quân ủy quyết định thành lập Trường Chính trị Trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam (tiền thân của Học viện Chính trị ngày nay) và cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Giám đốc.

Trong những năm đầu thành lập, nhà trường đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và huấn thị 3 lần(25/10/1951, tháng 2/1952 và tháng 5/1953). Ngày 25/10/1951, Bác Hồ đã đến thăm và huấn thị cho khoa học đầu tiên của nhà trường. Để mãi mãi ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 25/10/1951 được quyết định là Ngày truyền thống của Học viện Chính trị. Lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển đã hình thành nên truyền thống vẻ vang của Học viện Chính trị Anh hùng: “Kiên định và phát triển, đoàn kết và kỷ luật, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.

Trung tướng, TS. Nguyễn Tiến Quốc - Giám đốc Học viện Chính trị cho biết: Trong 25 năm đổi mới đất nước(từ 1986 đến nay), Học viện đã đào tạo được gần 12.000 cán bộ chính trị cấp phân đội, gần 13.000 cán bộ chính trị cấp trung, sư đoàn và giáo viên khoa học xã hội và nhân văn, bồi dưỡng chính trị cho 376 cán bộ cao cấp; đào tạo được 1.288 cán bộ chính trị cho Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia; đào tạo được trên 900 Thạc sĩ của 8 chuyên ngành, trên 250 Tiến sĩ của 7 chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn quân sự; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh được 33 khóa tại Học viện, Bộ Công an, Tập đoàn Dầu khí Việt  Nam cho 2.297 cán bộ chủ trì cấp Cục, Vụ, Viện của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương…

Trung tướng, TS. Nguyễn Tiến Quốc - Giám đốc Học viện - triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XI tới Đảng bộ Học viện

Cũng từ năm 1986 đến nay, Học viện Chính trị đã tham gia nghiên cứu, đưa vào sử dụng 8 đề tài cấp Nhà nước, 28 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, 39 đề tài cấp ngành, 166 đề tài cấp Học viện, 35 đề tài lịch sử quân sự, hàng trăm đề tài cấp cơ sở…

 Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu là Học viện đã thường xuyên chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo hướng cơ bản, chuyên sâu, có cơ cấu hợp lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng ủy, Đảng bộ trong sạch vững mạnh; xây dựng bản lĩnh vững vàng, giữ vững định hướng chính trị trong giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện đã có bước phát triển toàn diện: 70 sĩ quan cấp tướng, 5 Giáo sư, 58 Phó Giáo sư, 4 Nhà giáo nhân dân, 23 Nhà giáo ưu tú…

Hiện nay, trên 55% cán bộ, giảng viên của Học viện có trình độ sau đại học. Về đào tạo sau đại học, Học viện đã tập trung phấn đấu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chương trình, nội dung; tăng cường mở rộng các chuyên ngành, mở rộng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ khoa học xã hội nhân văn, đảm bảo cung cấp cho quân đội và đất nước những cán bộ khoa học có đủ năng lực thực  hiện công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học theo chuyên ngành đào tạo. Hiện nay, Học viện đã mở rộng đào tạo sau đại học cho đối tượng dân sự, đào tạo cán bộ phục vụ sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Lam Hạnh

Đọc thêm