Chuyện chưa kể về 'lệ làng' xưa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không chỉ nổi tiếng với các công trình nghiên cứu về văn hóa Việt Nam như hội hè, lễ, Tết của người Việt, sinh hoạt của người Việt: cư trú - kiến trúc - hát đối..., có một tác phẩm đánh dấu sự bứt phá trong hướng nghiên cứu của học giả Nguyễn Văn Huyên mà ít người biết đến, đó là “Địa lý hành chính và tập quán của người Việt”.
Hình ảnh làng quê Bắc Bộ. (Ảnh: Sở VHTTDL Ninh Bình)
Hình ảnh làng quê Bắc Bộ. (Ảnh: Sở VHTTDL Ninh Bình)

Người xưa ra tòa bằng… “tình làng, nghĩa xóm”

Học giả Nguyễn Văn Huyên có thể được xem là người Việt Nam đầu tiên tiếp cận lĩnh vực nghiên cứu địa lý hành chính một cách khoa học, hiện đại và để lại dấu ấn đáng kể, với sự kế thừa truyền thống ghi chép địa chí, địa dư đã có từ nhiều thế kỷ trước ở Việt Nam, kết hợp với những tri thức cùng phương pháp nghiên cứu mới từ các học giả người Pháp.

Với tỉnh, ông chọn Bắc Ninh và khai thác theo truyền thống địa dư, địa chí. Bắt nguồn từ thời điểm Vua Gia Long khi chia nước thành 24 trấn, 4 doanh và 2 thành, bấy giờ thì xứ Kinh Bắc vẫn còn được gọi là trấn Kinh Bắc. Sau đó dưới thời Minh Mạng, nó trở thành Bắc Ninh trấn và sau đó là tỉnh Bắc Ninh. Đi kèm những thay đổi này là các chi tiết về các đơn vị nhỏ hơn, như phủ, huyện, tổng, xã…

Với tổng, ông chọn tổng Dương Liễu thuộc huyện Đan Phượng (tỉnh Hà Đông xưa), gồm 5 làng: Dương Liễu, Quế Dương, Mậu Hòa, Cát Ngòi và Yên Sở. Chính trong phần này mà mối quan hệ giữa quyền lực địa phương và pháp luật nhà nước, cũng như những cải cách mới khi Pháp thiết lập chế độ thuộc địa, can thiệp vào bộ máy nhà nước... đã được thể hiện.

Ta có thể bắt gặp những nhận xét rất thú vị từ đôi mắt sắc sảo và không kém phần dí dỏm của Nguyễn Văn Huyên về những người dân quê: “Thực tế là, phải rất kiên nhẫn mới có thể sống ở vùng nông thôn Bắc Bộ: bằng chứng là phải sau hai đợt ném bom thực sự chết chóc thì hôm nọ những người Hà Nội mới quyết tâm rời thành phố để về “làng mình”.

Thông qua điều tra các vụ việc tranh chấp, thương thỏa về đất đai của các đơn vị hành chính làng, xã, Nguyễn Văn Huyên đã chỉ ra những nét “tâm lý người An Nam” (theo cách nói của Paul Giran): “Tuy nhiên, vụ kiện này không phải là cuối cùng trong tinh thần ưa kiện tụng của những người nông dân rất dũng cảm của chúng ta”…

Hoặc, cũng vẫn qua những đặc thù về địa lý hành chính làng xã, Nguyễn Văn Huyên cho ta hiểu hơn sự sâu sắc trong những câu tục ngữ quen thuộc: “Đất công gần như gấp đôi đất tư. Cũng cần nói thêm rằng các mảnh đất phù sa này cực kỳ màu mỡ: mỗi năm có thể thu được đến 3.000 - 4.000 đồng hoa lợi trên mỗi mẫu đất bãi. Bởi vậy, các thành viên trong làng cũng thường tranh chấp nhau gay gắt về lợi ích chung. Một số câu tục ngữ phản ánh rất rõ tinh thần này, như: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, “Miếng thịt làng sàng thịt mua”; “Người trong vùng vẫn còn bàn tán về một vụ kiện cáo nổi tiếng vào năm 1796 liên quan đến việc đánh bắt cá mà kết quả xử kiện có lợi cho Quế Dương. Câu ngạn ngữ ở địa phương “Đầm Kẻ Giá, cá Kẻ Sấu” có lẽ diễn tả chính sự cay đắng này của người làng Yên Sở. Đầm thì của người Kẻ Giá, cá lại thuộc về người Kẻ Sấu”…

Theo học giả Nguyễn Văn Huyên, các làng trong một tổng thường có một sự kết nối với nhau qua việc thờ chung vị thần nào đó, từ đó họ được gắn kết bởi quyền lợi chung. Chẳng hạn như thờ cúng Thành hoàng ở đình, thờ Phật ở chùa, quản lý công sản của làng…

Thế nhưng, sở hữu đặc điểm khác nhau, quan niệm khác nhau… nên quá trình “chung sống” nói trên luôn không dễ dàng. Chẳng hạn trong việc xây dựng đình thờ, vị trí xem hát để chọn ca nữ hát dâng lễ tế thần vào mỗi tháng Ba âm lịch hàng năm. Hay cả quá trình tranh giành những vùng đất bồi được mở mang nhờ phù sa sông…

Ông cũng cung cấp rất nhiều chuyện kể hài hước, chẳng hạn có lần hương hào của làng Mậu Hòa đã để vạt sau chiếc áo dài của mình chờm lên chiếc chiếu của làng Dương Liễu. Và cũng rất nhanh, hương hào của Dương Liễu với con dao sắc trong tay, đã cắt ngay vạt áo đó theo rãnh giữa hai tấm ván sàn.

Mọi thứ diễn ra như các câu chuyện mang tính ngụ ngôn, từ đó dẫn đến những phiên phân xử. Khi xảy ra bất đồng giữa các cá nhân thì các hương hào hay người đại diện Nhà nước luôn tìm cách dàn xếp êm đẹp. Trong khi nếu như vụ việc dẫn đến kiện cáo, thì các quan tòa anh minh đều tìm cách gợi lại những tình cảm tốt đẹp trước đó của cư dân. Ví dụ trong phiên xét xử nọ, các cấp cao hơn đã phân xử rằng: “Nếu muốn đối xử với người khác bằng lòng bao dung, ta đừng đắn đo việc làm đó là hợp hay trái lý; nếu muốn gắn bó mọi người lại với nhau bằng lòng tốt, ta đừng bàn cãi nguyên tắc đúng, sai. Ta giống như tảng băng tan ra thành hai nửa và hợp trở lại”. Tuy vậy, sau nhiều nỗ lực thì các tranh chấp vẫn sẽ diễn ra một cách thường xuyên.

Lơ là khai sinh, khai tử

GS Nguyễn Văn Huyên. (Ảnh:Tư liệu).

GS Nguyễn Văn Huyên. (Ảnh:Tư liệu).

Nghiên cứu địa lý hành chính từ góc nhìn là sự phân cấp và quản trị các đơn vị địa lý của Nhà nước, Nguyễn Văn Huyên cũng rút ra nhiều phát hiện thú vị. Trong các điều tra dân số nhằm mục đích quản trị hành chính của chính quyền thực dân, thực hiện trong các năm từ 1936 đến 1942, Nguyễn Văn Huyên phát hiện ra ở đó không ít những số liệu sai lệch về số lượng khai sinh/khai tử cho các bé gái, sai lệch về số lượng nữ giới trong một làng hoặc trong một tổng. Đáng tiếc thay, các số liệu này đã không thể được đưa ra một cách chính xác chỉ vì tâm lý “trọng nam, khinh nữ” vốn đã trở thành cố hữu của người dân quê Việt Nam từ bao đời.

Điều này thể hiện ở một khía cạnh tương đối quen thuộc, đó là người nữ thường không có vai trò gì chính thức trong làng. Họ không có quyền tham gia vào công việc làng, cũng như không nhận được gì từ hoa lợi cộng đồng. Thế nhưng ngược lại, cộng đồng có thể nhận được đóng góp của họ bằng tiền hoặc là công sức cho các công trình mang tính chất chung. Một điều cũng tương đối mới mà học giả Nguyễn Văn Huyên cung cấp là sự xuất hiện của “giáp”.

Theo đó, đây là tổ chức gồm ít hoặc nhiều người đàn ông ở trong một xã tập hợp với nhau. Họ có thể là hàng xóm, họ hàng, hoặc thậm chí tụ họp cùng nhau chỉ vì cảm tình hoặc sở thích cá nhân. Theo tác giả, giáp đã có mặt ngay từ rất sớm, chẳng hạn ở đình Dương Liễu mà ông khảo sát thì các tấm bia có niên đại từ năm 1704 đã có ghi chép về tổ chức này. Tuy vậy, nó luôn biến thiên và thay đổi liên tục. Những người cao tuổi trong làng cho biết các giáp dễ bề tan rã sau các bất đồng cũng như cãi vã. Một số giáp khác thì mất hoặc là tứ tán do các trận lũ và dân di cư từ trong lịch sử.

Đây có thể coi là điển hình của một xã hội nam giới, nơi chỉ những người có đặc trưng giới tính mới được tham gia. Một điều đặc biệt, như Nguyễn Văn Huyên chia sẻ, là ngôi thứ của các thành viên chỉ được xác định theo thời gian vào giáp, mà không tính đến địa vị xã hội hoặc đặc quyền khác. Dẫn đến ngay từ rất nhỏ, những em bé trai khi vừa ra đời đã được đăng ký vào giáp. Và cũng do đó mà số lượng vượt trội của trẻ em trai là dễ lý giải, bởi không có lợi ích gì khi đăng ký hộ tịch cho con gái. Và việc đăng ký nói trên cũng không bắt buộc ở thời bấy giờ.

Điều này dẫn đến kết luận rằng việc khai sinh cho trẻ em gái ở các phân cấp hành chính nhỏ hơn dễ bị lơ là. Qua các nghiên cứu của mình, học giả Nguyễn Văn Huyên nhận thấy ở vùng thôn quê, người ta cảm thấy có sự tự hào nhất định khi làng mình sinh nhiều con trai hơn làng bên cạnh. Và vì không được khai sinh nên việc khai tử cũng có kết quả tương tự. Những sinh linh được khai tử duy nhất chính là con của gia đình khá giả hoặc ở gần nhà của người phụ trách hộ tịch.

Ở đây lại một lần nữa “phép vua thua lệ làng”, khi với dân thường, họ thấy hộ tịch không mấy cần thiết cũng như không phải nhu cầu bức thiết hàng ngày. Dẫn đến số liệu ghi lại còn nhiều điểm nhiễu hoặc không hợp lý, chủ yếu thuộc về người lớn, nhất là nam giới vào giáp hoặc những thành viên của gia đình tương đối khá giả. Bởi một nghịch lý là việc đăng ký hộ tịch hay khai tử cần phải tìm thấy hai người làm chứng và với tâm thức sợ sệt những điều mang tính “hình thức”, “bút sa gà chết”, “giấy trắng mực đen”… vốn ăn sâu vào trong tâm khảm, khiến cho việc thực hiện chúng không hề dễ dàng. Một điểm khác nữa là sự ra đi của một con người cũng kéo theo nhiều nghi thức, nghi lễ, dẫn đến tỷ lệ tử hay số lượng người chết không được chính xác.

Có thể thấy rằng việc sống quần tụ cũng như có làng quê gốc luôn là vinh dự đối với người Việt, nhưng những tồn tại của ý thức hệ và cách làm việc theo thói quen đã khiến cho việc ghi chép địa lý hành chính gặp nhiều khó khăn. Bằng các số liệu vẫn còn tồn tại cũng như phân tích hợp lý, học giả Nguyễn Văn Huyên đã mang đến cái nhìn mới mẻ và đầy bất ngờ về các nỗ lực “quy hoạch” của chính quyền thuộc địa, những như rất nhiều hạn chế vẫn còn ở đó trong tâm thức sau “lũy tre làng”.

Bởi thế, địa lý hành chính và tập quán của người Việt là một tác phẩm hữu ích, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang tiến hành cải cách hành chính và thực hiện công cuộc chấn hưng văn hóa hiện nay.

Những nghiên cứu mới lần đầu được xuất bản

Trong lần xuất bản này, cuốn sách “Địa lý hành chính và tập quán của người Việt” của Nguyễn Văn Huyên có hai công trình lần đầu được công bố gồm: “Nghiên cứu tập quán người Việt” và “Nghiên cứu về một tổng của người Việt: tổng Dương Liễu” là bản thảo viết tay được thực hiện năm 1944, hiện do gia đình tác giả lưu giữ.

Học giả Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975) sinh tại Hà Nội, nguyên quán xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội. Năm 1923, Nguyễn Văn Huyên sang Pháp du học. Năm 1934 ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris. Năm 1935 ông về nước, dạy học tại Trường Bưởi. Năm 1938 ông chuyển sang nghiên cứu tại Trường Viễn Đông Bác cổ. Năm 1941 ông là ủy viên Hội đồng Nghiên cứu khoa học Đông Dương. Sau Cách mạng tháng Tám, ông giữ chức Tổng Giám đốc Vụ Đại học thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục, kiêm Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ. Tháng 11 năm 1946, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.