Dấu xưa-'phép vua thua lệ làng'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Trải qua nghìn đời, với bao thăng trầm, biến động, bao thử thách khắc nghiệt, làng xã Việt với những nét văn hóa riêng độc đáo và đặc sắc được gìn giữ, trao truyền và tôn bồi từ chính những làng quê bé nhỏ. Hương ước làng xã có từ ngàn xưa như một xã hội thu nhỏ, với những luật tục, lề thói đã làm nên một bản sắc riêng có của người Việt…
 Vẻ đẹp làng cổ Cự Đà ( Hà Nội ) - nơi lưu giữ nhiều nét xưa cũ làng quê Bắc Bộ với những hương ước xen lẫn quá khứ và hiện tại… (Ảnh minh họa)
Vẻ đẹp làng cổ Cự Đà ( Hà Nội ) - nơi lưu giữ nhiều nét xưa cũ làng quê Bắc Bộ với những hương ước xen lẫn quá khứ và hiện tại… (Ảnh minh họa)

Hương ước và sự bình yên suốt ngàn năm phong kiến, áp bức

Theo sách Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập hương ước tục lệ, PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí (chủ trì), NXB Hà Nội, 2010, hương ước tục lệ là những quy tắc (điều lệ) có tính chất ràng buộc, được đặt ra trong đời sống cộng đồng làng xã, nhằm điều hòa các mối quan hệ và khuyến khích, động viên làm việc.

Ban đầu, các quy ước này chỉ là truyền miệng, sau đó mới cố định thành các văn bản. Các văn bản hương ước tục lệ sớm nhất được xác định là vào thời Hồng Đức (1470-1496). Trải qua các thời Mạc, Lê, Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn hương ước không ngừng phát triển và ngày càng chặt chẽ, hợp lý hơn.

Đầu thế kỷ 20, chính quyền thuộc địa Pháp đã can thiệp trực tiếp vào bộ máy làng xã, tạo nên các bản hương ước cải lương viết theo mẫu từ trên xuống dưới (trước đó các hương ước tục lệ chủ yếu làm lẻ tẻ theo từng giai đoạn, sau này mới xâu chuỗi lại thành 1 bản hoàn chỉnh).

Những bản hương ước mới này ngoài việc đề ra những quy tắc sống do cộng đồng làng xã xây dựng trước đó (thờ phụng, cúng tế, vị thứ, việc làng, hình mục, hương ẩm, khao vọng, cưới xin, tang ma...), nó còn quy ước những vấn đề mới như phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo Tây y hiện đại, đề cao vấn đề vệ sinh, phòng bệnh hơn chữa bệnh…

Việc quy định này có lẽ xuất phát từ tình hình dịch bệnh tại Bắc kỳ vào cuối thế kỷ thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Theo các tài liệu lưu trữ xứ Bắc kỳ thường xảy ra bệnh dịch. Đơn cử như bệnh dịch tả xảy ra năm 1888 làm chết khoảng 1.800 người ở Hà Nội chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, từ 18/4 đến 9/5 (trong số này có Paul Bert, Tổng Trú sứ Trung - Bắc kỳ).

Ngoài bệnh tả, dân xứ Bắc kỳ cũng hay bị bệnh đậu mùa và bệnh dịch hạch. Vào năm 1903, bệnh dịch hạch lại bùng phát ở Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn bất đắc dĩ trở thành một nơi “cách ly” người bệnh của chính quyền thành phố.

Theo một số bản hương ước tục lệ được tuyển dịch và giới thiệu trong sách “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội Tuyển tập hương ước tục lệ”, những quy tắc về vệ sinh, phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh truyền nhiễm lây lan được quy định rất chặt chẽ, cụ thể:

Bản khoán ước xã Duyên Trường, huyện Thanh Trì, nay thuộc xã Duyên Thái, huyện Thanh Trì Điều 24 ghi việc phòng bị chứng truyền nhiễm như sau: Trong làng chẳng may phát ra chứng truyền nhiễm thì người bị bệnh phải ở riêng một chỗ, để khỏi truyền nhiễm cho người khác. Lý dịch phải làm giấy trình quan ngay. Như súc vật bị bệnh ấy thì phải tường ngay lý dịch để trình quan. Con nào chết phải xin phép quan chôn. Khi chôn phải xa chỗ hồ ao, cuốc sâu đổ than lên trên. Con nào ốm thì xin thuốc chữa. Ai không tuân, hội đồng trình quan.

Có thể nói mọi quan hệ trong làng xã đều được quy định trong hương ước. Hương ước do chính dân làng soạn thảo, nên phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Hằng năm, hương ước đều được tuyên đọc một lần tại đình làng, để ai cũng nhớ, cũng thuộc và những điều khoản không còn phù hợp cũng thường được sửa đổi.

Nhà nước chỉ can thiệp vào làng xã trong việc thu thuế, bắt lính; xử lý những vụ án hình sự hay những vụ tranh chấp dân sự làng không hòa giải được; can thiệp khi có dịch bệnh lớn… còn lại thuộc quyền tự trị, tự quản của các làng xã. Cơ cấu tổ chức làng xã xưa đơn giản nhưng chặt chẽ, hệ thống tổ chức gồm Hội đồng hương chính và Lý trưởng do dân làng tự bầu, Nhà nước phê chuẩn, nếu vị chức sắc nào thực hiện trách nhiệm kém cỏi hay có sai phạm, dân làng sẽ bầu người khác thay thế. Làng có đội ngũ tuần phiên, có trách nhiệm bảo vệ an ninh, trật tự trong làng và ngoài đồng. Hầu hết hương ước các làng đều quy định, nếu tuần phiên lơ là để trộm đục tường, khoét vách ăn trộm hay gặt trộm lúa ngoài đồng, tuần phiên bị phạt và đền cho gia đình mất trộm 100% số tài sản thiệt hại.

Hương ước nhiều làng quy định, khi họp Hội đồng ở đình làng, dân làng có quyền đến dự, ai có điều gì thắc mắc có quyền chất vấn, Hội đồng có trách nhiệm giải trình rõ ràng. Tuy nhiên, hương ước cũng quy định người chất vấn phải có thái độ đúng mực, ai say rượu nói càn có thể bị phạt.

Có hương ước còn quy định, ai mất gà, mất buồng cau, buồng chuối mà đi chửi rong trong làng, làm “mất phong thể của làng” thì bị xử phạt. Nói về xử phạt, điều đặc biệt là ai vi phạm cũng bị phạt, nhưng những người dân thường bị phạt nhẹ, còn những người có chức sắc, có chữ nghĩa thì bị phạt nặng hơn nhiều lần.

Có thể thấy, dẫu dân trí trước đây còn thấp, đa số không biết chữ nhưng “nếp sống văn hóa lại khá cao”, những người có chữ nghĩa trong làng rất được tin cậy và tôn trọng. Người có chữ nghĩa tham gia Hội đồng, được bầu làm chức dịch… Và cũng vì thế mà người dân rất hiếu học, mong con cháu được học hành, đỗ đạt thành tài. Bởi những giá trị đó khiến làng xã xưa bình yên, vững vàng trước các yếu tố ngoại lai suốt quá trình dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha ông…

Không còn “Trống làng nào làng ấy đánh”

Các nhà nghiên cứu về văn hóa thôn, làng Việt Nam đã đúc kết: Hương ước của làng có thể xem như là một hệ thống luật tục, tồn tại song song nhưng không đối lập với pháp luật của quốc gia. Ngày nay, những nếp cũ đã lỗi thời, không còn phù hợp của làng xã truyền thống như co cụm, khép kín như: “Trống làng nào làng ấy đánh, “Thánh làng nào làng ấy thờ”, “Phép vua thua lệ làng”… đã chỉ còn trong hoài niệm. Thế nhưng, những giá trị quý báu của văn hóa làng xã như ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng; tôn trọng trật tự, kỷ cương; tinh thần “tương thân, tương ái”, đùm bọc “tắt lửa tối đèn có nhau” sẽ mãi còn đó không chỉ trong văn hóa làng xã…

Sau Cách mạng Tháng Tám, do những biến đổi về mặt xã hội, cơ cấu tổ chức của chính quyền cơ sở ở nông thôn cũng như nhận thức của nhân dân nên hương ước không được thừa nhận và duy trì. Từ năm 1989 đến nay, việc ban hành hương ước được thực hiện công khai và trên diện rộng.

Hương ước mới với nội dung liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở từng làng trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, bảo vệ quyền lợi cho nhân dân lao động trong làng xã, xóa bỏ hủ tục, đẩy lùi mê tín,... nhằm tạo không khí dân chủ, đoàn kết trong làng xã. Hương ước mới được thực hiện trên cơ sở giáo dục, thuyết phục để mọi người tự giác tuân theo. Xây dựng hương ước mới giúp các trưởng thôn thực hiện tốt nhiệm vụ quản lí nhà nước ở cơ sở tạo nên ý thức tự quản cao đến tận từng gia đình trong làng dân chủ cộng đồng, mặt khác đảm bảo không trái với pháp luật… Hương ước mới do các làng tự xây dựng và ràng buộc nhau thực hiện, thường có tên gọi là “quy ước làng văn hóa”.

Theo đó, nội dung của hương ước do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố quyết định, bao gồm một hoặc một số lĩnh vực của đời sống xã hội mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định nguyên tắc; ghi nhận các phong tục, tập quán tốt đẹp và biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; phù hợp với yêu cầu tự quản của cộng đồng dân cư. Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư.

Là thiết chế tự quản cộng đồng, thời gian qua, hương ước đã góp phần tích cực vào việc điều chỉnh các mối quan hệ nội bộ trong phạm vi thôn, làng. Hương ước được coi là thiết chế có tác dụng hỗ trợ pháp luật khi Nhà nước chưa kịp ban hành pháp luật hoặc chưa cần thiết sử dụng pháp luật để điều chỉnh, được ví như “cánh tay nối dài” của pháp luật và cùng với pháp luật điều chỉnh một cách toàn diện các mối quan hệ phát sinh trong đời sống xã hội.

Qua việc thực hiện hương ước đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới; phát huy quyền tự do, dân chủ ở cơ sở, động viên, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ; giúp nhân dân tham gia, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.

Đến nay, việc xây dựng, thực hiện hương ước còn nhằm điều chỉnh, đảm bảo thực hiện tốt các chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình, giáo dục, khuyến học, y tế, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (rừng, cây trồng…). Đồng thời, trong một số lĩnh vực quản lý, hương ước được coi là một trong các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá kết quả, chất lượng, như: Công nhận gia đình văn hóa, thôn, làng văn hóa; công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Và như thế, hương ước làng xã trong cuộc sống hôm nay là mạch nguồn xuyên suốt trong mạch nguồn văn hóa làng xã từ ngàn đời nay…

Bản Điều lệ xã Đông Mai, nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội Điều 2, 3, khoản 9 ghi như sau: Những người ốm nặng ở chỗ khác về làng, nếu là người trong làng thì phải có giấy thầy thuốc tây nhận thức rằng không phải bệnh truyền nhiễm thì mới được vào trong làng. Nếu người ngoài thì cấm hẳn. Người nào đưa ôn (bệnh ôn, một loại dịch sốt rất dễ lây truyền sang người khác), những người ốm nặng về làng mà không trình với lý dịch, nếu xét ra là phải bệnh truyền nhiễm thì phải phạt từ 2 đồng đến 20 đồng. Những nhà nào có người chết vì bệnh truyền nhiễm thì lý dịch phải đến khám và bảo nhà chủ phải theo các thể thức Nhà nước đã sức mà liệm táng…

Đọc thêm