Bản chất của cuộc xung khắc này là trật tự hiệu lực giữa luật pháp chung của EU và luật pháp quốc gia riêng của các thành viên, cũng còn có thể hiểu là trật tự uy lực giữa chủ quyền quốc gia của thành viên với chủ quyền chung của EU về cả lập pháp, hành pháp lẫn tư pháp. Ở đây có chuyện phép vua và lệ làng.
Ba Lan và Rumani cho rằng luật pháp chung của EU không phải luôn tương thích với luật pháp quốc gia riêng và vì thế quốc gia thành viên không nhất định phải luôn tuân thủ luật pháp chung của EU, tức là luật pháp quốc gia của thành viên vẫn có bộ phận và vẫn có thể trong chừng mực nhất định không bắt buộc phải ở dưới luật pháp chung của EU về phương diện hiệu lực. Hungary thì cho rằng EU không thể áp đặt quan điểm đường lối chính sách chung cho quốc gia thành viên vì quốc gia thành viên vẫn có quyền tự quyết.
Tất cả các thành viên này đều sử dụng phương cách để cho Tòa án Hiến pháp quốc gia phán quyết sau khi kiện tụng, khiếu nại và kháng án lên những cấp Tòa án xét xử chung cao nhất của EU. EU vận hành hết mọi cơ chế chính trị cũng như tư pháp quy định trong luật pháp chung để nhắc nhở, cảnh báo, răn đe các thành viên này về hệ lụy và hậu quả tai hại trực tiếp cũng như gián tiếp. Trong số đó có cả lời đe dọa truất quyền biểu quyết của thành viên trong EU và gián đoạn những nguồn lợi to lớn mà các thành viên thụ hưởng ở ngân sách chung hay các chương trình tài chính hoặc phát triển kinh tế xã hội của EU.
Đối với EU đã, đang và sẽ không có chuyện phép vua thua lệ làng, bởi nếu lệ làng thắng thì EU sẽ không còn tính triệt để và nhất quán trong nguyên tắc tồn tại và hoạt động. Nước Anh vì không chấp nhận trật tự quyền lực ấy và vì không thắng được EU trong cuộc xung khắc giữa phép vua và lệ làng nên đã quyết định rời bỏ EU sau hơn 4 thập kỷ tham gia EU.
Bây giờ, Ba Lan trở thành thành viên đầu tiên trong số này chấp nhận lệ làng thua phép vua và phải “cài số lùi” trong chuyện thách thức pháp lý EU. Tổng thống nước này buộc phải phủ quyết việc ký ban hành bộ luật truyền thông mà Quốc hội đã thông qua. Đương nhiên, trong biện luận cho quyết định phủ quyết, vị Tổng thống kia không thể thú nhận rằng đối địch pháp lý với EU thì thành viên chỉ có thể thua chứ không thể thắng.
Khác với Anh, Ba Lan và hai nước thành viên kia không dám và không thể cũng như hoàn toàn có ý định tự ra khỏi EU cũng như không để cho bị trục xuất ra khỏi EU. Vì thế, một khi bị đẩy đến trước sự lựa chọn giữa ngoan ngoãn tuân thủ luật lệ chung của EU để được tiếp tục ở trong hàng ngũ và hưởng lợi từ EU với khả năng bị trừng phạt, bị tước quyền biểu quyết hoặc không còn được tiếp cận nguồn tài chính của EU chứ chưa nói đến khả năng tồi tệ nhất là bị trục xuất ra khỏi EU - cho dù luật pháp chung của EU hiện hành ở vào thời điểm hiện tại không có quy định rõ ràng xử lý trường hợp cụ thể như thế này - thì đương nhiên lý trí sẽ chế ngự tình cảm và lệ làng sẽ phải chịu thua phép vua.
Với sự chịu thua này, Ba Lan không tạo tiền lệ trong EU bởi kết cục lô-gic luôn là như thế mỗi khi thành viên EU gây chuyện và thách thức EU trên phương diện phép vua và lệ làng. Tất cả các thành viên của EU đều ý thức được và biết trước kết cục cuối cùng.
Dù vậy, vẫn có thành viên biết thua mà vẫn đấu như Ba Lan, Rumani và Hungary hiện tại. Nguyên do ở chỗ phe cầm quyền ở các nước thành viên này tuy thua EU về pháp lý nhưng lại được lợi rất nhiều về chính trị nội bộ. Thế mới nói, lệ làng tuy thua phép vua nhưng không thua một cách vô ích, nhất là khi biết trước là sẽ thua.