Đấy mới chỉ là lệ làng tạm thời chịu thua phép vua bởi đấy chỉ là một trong nhiều đối kháng giữa quan điểm chính sách và luật pháp hiện tại của Ba Lan với quan điểm chính sách và luật pháp chung của EU. Chuyện ở đây là phe cầm quyền tại Ba Lan tiến hành một cuộc cải tổ tư pháp với mục đích bị EU coi là huỷ hoại tính độc lập của tòa án.
Tính độc lập của tòa án trong xét xử và phán xử lại là một thành tố quyết định và không thể thiếu của cái gọi là cơ chế tam quyền phân lập được phương Tây nói chung coi là khuôn mẫu cho mô hình dân chủ của họ. Khi tự nguyện gia nhập EU và NATO, Ba Lan phải cam kết thực hiện mô hình dân chủ này. Tính độc lập của tòa án trong xét xử và phán xử bao hàm trước hết quyền tự quyết định của các chánh án và thẩm phán ở các tòa án, tức là họ toàn quyền xét xử và phán xử theo nhận thức của họ về luật pháp và tư pháp, theo đạo đức nghề nghiệp riêng chứ không phục vụ hay chịu sự dẫn dắt của chính trị.
Trong khuôn khổ cuộc cải cách tư pháp nói trên, phe cầm quyền ở Ba Lan lập ra một cơ quan với tên gọi là Ủy ban Kỷ cương chánh án và thẩm phán. Nhiệm vụ của Ủy ban này được xác định là hạ cấp hoặc sa thải những vị thẩm phán và tòa án ở các cấp tòa xét xử đưa ra những phán quyết trái với chỉ đạo của chính quyền.
Nếu không đứng trong hàng ngũ của EU, lập pháp như thế là chuyện riêng của Ba Lan. Nhưng sau khi tham gia EU thì Ba Lan phải tuân thủ những quy định và luật pháp chung của EU nếu không muốn bị trừng phạt về tài chính hoặc bị truất quyền biểu quyết trong các cơ chế và cơ quan chung của EU. Ba Lan bây giờ phải nhượng bộ bởi Tòa án châu Âu - cấp Tòa án chung cao nhất của EU - đã xét xử khiếu kiện liên quan của EC và đưa ra phán quyết rằng Ba Lan đã vi phạm luật pháp chung của EU. Phán quyết này của Tòa án châu Âu tạo cơ sở pháp lý và mở đường cho EC vận hành cơ chế trừng phạt nếu phía Ba Lan không tuân thủ tối hậu thư của EU về giải tán ủy ban kia.
Trong chuyện này, lệ làng phải chịu thua phép vua bởi EU nắm đằng chuôi trong khi Ba Lan cầm phía lưỡi. EU không muốn buộc phải trừng phạt thành viên và không muốn Ba Lan hay nất cứ thành viên nào khác ly khai liên minh như nước Anh đã làm. Nhưng EU buộc phải bảo vệ mô hình dân chủ với cơ chế tam quyền phân lập bằng mọi giá. Mô hình này còn quan trọng và quyết định đối với EU hơn nhiều việc có thêm hay bớt thành viên.
Nói theo cách khác, EU có thể nhượng bộ thành viên như Ba Lan trên phương diện này hay phương diện khác, trong chuyện này hay việc khác nhưng sẽ không bao giờ vì không thể và không dám để xảy ra tình trạng thành viên thực thi quan điểm chính sách khác với quan điểm chính sách chung của EU về mô hình dân chủ và cơ chế tam quyền phân lập này.
Cũng chính vì thế mà EU phải xung khắc đến cùng với Ba Lan và sẽ sử dụng mọi quyền hạn hiện có để khép thành viên này vào kỷ cương chung. EU ý thức được rằng chỉ cần một lần duy nhất phép vua thua lệ làng trên phương diện này thôi thì EU sẽ mất hết mọi uy quyền hợp pháp hiện có đối với các thành viên. Phía Ba Lan vì nhận thức được tình thế ấy của EU mà phải chịu nhượng bộ, cho dù phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.