Chuyển đổi số Thanh Hóa: Động lực tăng trưởng toàn diện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số trở thành xu hướng toàn cầu trong các tổ chức, doanh nghiệp. Và trước tác động của đại dịch COVID-19, chuyển đổi số không còn là tầm nhìn, là khuyến khích mà đã trở thành nhu cầu bắt buộc, là nút đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh Thanh Hóa tổ chức triển lãm các sản phẩm, giải pháp, mô hình Chuyển đổi số.
Tỉnh Thanh Hóa tổ chức triển lãm các sản phẩm, giải pháp, mô hình Chuyển đổi số.

Người dân là trung tâm chuyển đổi số

Ngày 3/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Chuyển đổi số hiện nay không còn là một ý tưởng hay tầm nhìn trong tương lai, đây là điều bắt buộc phải làm để thích ứng với thời đại số 4.0. Chuyển đổi số không đơn giản là mức ứng dụng và phát triển cao hơn của công nghệ thông tin, mà chuyển đổi số là nút đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Khi đó, dữ liệu và công nghệ số sẽ làm chuyển đổi, cải biến toàn diện mô hình, quy trình, sản phẩm, kết quả đầu ra của quá trình sản xuất, kinh doanh trong xã hội. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn tới.

Với tinh thần là chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp; lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số; thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả; bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Nhận thức được những cơ hội, thách thức và xu thế tất yếu của chuyển đổi số, ngày 10/11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thanh Hóa, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành, công khai, minh bạch các hoạt động; phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực được đẩy mạnh như: Ngân hàng, Thuế, Hải quan, y tế, giáo dục…; người dân đã dần dần thay đổi thói quen từ sử dụng tiền mặt sang thanh toán trực tuyến; từ mua bán theo phương thức truyền thống sang mua, bán, giao dịch qua môi trường mạng...

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo các địa phương thành lập và triển khai hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng ở mỗi khu phố, thôn, bản nhằm mục tiêu tuyên truyền để người dân nhận thức rõ, đúng, về chuyển đổi số, đồng thời đưa công nghệ số nhanh chóng lan tỏa đến mọi mặt của đời sống và đến từng người dân. Chuyển đổi số sẽ chuyển đổi mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lao động. Theo đó, cả người lao động và người sử dụng lao động cũng cần nhận thức đúng đắn và đầy đủ về chuyển đổi số. Doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với xã hội số. Và người lao động cũng phải thay đổi cách làm để có thể thích nghi.

“Quả ngọt” cho chuyển đổi số Thanh Hóa

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh Thanh Hóa đã trở thành một trong những tỉnh nằm trong top đầu của cả nước triển khai hiệu quả xử lý văn bản trên môi trường điện tử và chữ ký số, mỗi năm tiết kiệm trên 30 tỷ đồng chi phí hành chính của các cơ quan Nhà nước.

Chuyển đổi số là nút đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyển đổi số là nút đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 100% cán bộ, công chức ở thực hiện tiếp nhận, xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Tỷ lệ ký số cá nhân đạt 98,72%, tỷ lệ ký số cơ quan đạt 99,07% giúp cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị được công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan nhà nước.

Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã cung cấp 149 dịch vụ công mức độ 3 và 725 dịch vụ công mức độ 4; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia 863 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa của tỉnh đã tiếp nhận 502.225 hồ sơ trong đó tiếp nhận, xử lý 192.933 hồ sơ trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn đạt 97,60%; Phần mềm Phản hồi Thanh Hóa đã tiếp nhận, xử lý gần 1.000 phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân với tỷ lệ xử lý đúng hạn đạt trên 95%.

Trong thực hiện kinh tế số, đã có 14.037 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (đạt 97,5%); có 1.138 hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (chiếm 98,4%); có 1.306.281 hóa đơn điện tử đã được sử dụng và truyền về cơ quan Thuế. Đã hướng dẫn, hỗ trợ 66.816 doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, đưa 67 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử như “voso.vn” và “postmart.vn” và 577 sản phẩm lên Cổng kết nối cung cầu nông sản an toàn tỉnh Thanh Hóa; hỗ trợ trên 551.817 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu.

Trong xây dựng xã hội số, đã có 211 cơ sở sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám, chữa bệnh; 100% bệnh viện công lập thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; 27 bệnh viện kết nối hệ thống khám, chữa bệnh từ xa; thực hiện đăng ký tuyển sinh trực tuyến; cung cấp thông tin về lịch sử, văn hóa, danh thắng trên các nền tảng công nghệ số phục vụ du lịch...

Kết quả trên cho thấy, sự quyết liệt của toàn tỉnh Thanh Hóa trong chuyển đổi số, nỗ lực thực hiện chuyển đổi thể chế số, hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số... phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số.

Có thể nói, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và rất cần thiết nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của các ngành, các sản phẩm, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế của tỉnh nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng 4.0 như hiện nay.

Đọc thêm