Chuyên gia "bắt bệnh" đội vốn đường sắt đô thị

(PLO) - Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện có 16 dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) đang được triển khai tại Hà Nội và TPHCM, điểm chung, tất cả các dự án này đều bị chậm tiến độ từ 3 – 5 năm và đội vốn từ 60 – 170%. Thậm chí, có dự án dù mới rà soát lại trên giấy tờ đã phải điều chỉnh mức đầu tư tăng gấp đôi.
Chuyên gia "bắt bệnh" đội vốn đường sắt đô thị
 Ngày 12.9, Bộ GTVT tổ chức hội nghị với Hà Nội, TPHCM để tìm nguyên nhân khiến tất cả các dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) đều bị chậm tiến độ và đội vốn. Theo Ban QLDA Đường sắt thuộc Bộ GTVT, tuyến Cát Linh – Hà Đông được triển khai hiện nay cũng đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 339 triệu USD. Mặt bằng hiện vẫn còn vướng ở khu vực Ga Cát Linh, đồng thời thời gian mua sắm đoàn tàu cũng tăng so với dự kiến.
Dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bị tăng tổng mức đầu tư lên đến 339 triệu USD
Dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bị
tăng tổng mức đầu tư lên đến 339 triệu USD 

Tuyến ĐSĐT số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo được phê duyệt tháng 11.2008 với tổng mức đầu tư 19.555 tỉ đồng chỉ mới rà soát lại trên giấy tờ cũng đã đội vốn gấp 3 lần so với dự kiến ban đầu (khoảng 51.750 tỉ). Hiện dự án này cũng đang bị chậm tiến độ 3 năm. Dự án đang được Chính phủ và Bộ KHĐT thuê thẩm tra độc lập để xem xét việc tăng mức đầu tư kể trên.

Tại TPHCM, tuyến Bến Thành – Suối Tiên được phê duyệt tổng mức đầu tư 17.387 tỉ đồng cũng đã điều chỉnh tăng lên 47.325 tỉ đồng và thời gian hoàn thành đưa vào vận hành được nới thêm đến năm 2020.

Ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng: “Kéo dài thời gian thực hiện là nguyên nhân chính là tăng tổng mức đầu tư dự án”. 
Còn ông Vũ Hoằng – Vụ trưởng Vụ KHĐT, Bộ GTVT lý giải thêm các nguyên nhân về cơ chế chính sách, biến động tiền lương, giải phóng mặt bằng và đặc biệt, khâu lập dự án ban đầu còn quá sơ sài. 
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị cần nhìn thẳng vào vấn đề để tìm ra nguyên nhân tại sao tất cả các dự án ĐSĐT đều tăng tổng mức đầu tư chứ không đổ lỗi đầu tiên do GPMB. Theo ông Hùng, nguyên nhân khách quan của vấn đề là khi nghiên cứu dự án ĐSĐT quá sơ sài, không nắm được về công nghệ, kỹ thuật, hướng tuyến, giải pháp.

Ông Hùng cho rằng: “Như tuyến Nhổn – Ga Hà Nội trước đây định làm ngầm từ Núi Trúc đến Ga Hà Nội rồi lại thay đổi. Chưa làm gì mới rà soát trên giấy đã tăng 70%, ban đầu chỉ có 530 triệu EURO. Khi bắt tay vào nghiên cứu kỹ thuật đã tăng lên hơn 1,1 tỉ EURO. Chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào tư vấn và nhà tài trợ, họ đưa ra vấn đề gì chúng ta cũng chưa nắm bắt được để có giải pháp thực hiện”. Còn về chủ quan, ông Hùng đánh giá vẫn còn tâm lý phó mặc cho chủ đầu tư ở các đơn vị thực hiện."

Từ những kinh nghiệm đã triển khai, ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá: “Việc lập dự án sơ sài không đầy đủ, đấu thầu chỉ có một nhà thầu, khung tiêu chuẩn vấn đề công nghệ, thiết bị còn thiếu, GPMB chậm. Trên cơ sở này cần rút ra bài học để báo cáo Chính phủ”.

Bộ trưởng Bộ GTVT  Đinh La Thăng cho rằng: “Dù là vốn nào thì người dân vẫn phải nộp thuế để trả nợ. Bây giờ chúng ta chưa có để trả nợ thì đời con cháu chúng ta sẽ phải trả. Vì vậy, chúng ta phải quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả từng đồng vốn vay, đảm bảo tiền thuế của Nhân dân được sử dụng có hiệu quả và phát huy mang lại giá trị, lợi ích kinh tế, xã hội là trách nhiệm của Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan cùng UBND TP Hà Nội và TP. HCM”.

Theo đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị liên quan cần có báo cáo tình hình cụ thể, công khai minh bạch, không né tránh trách nhiệm, không đùn đẩy trong việc chậm trễ và đội vốn. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Ban chỉ đạo chung do Bộ trưởng Bộ GTVT làm chủ trì,  ai Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, TPHCM cùng các Bộ,  ngành tham gia để giải quyết các công việc liên quan./.

Đọc thêm