Liên quan tới vấn đề kích cầu tiêu dùng và phát triển thị trường nội địa sau dịch Covid-19, ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội - đã có trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề này.
Mới đây, Thủ tướng Chính Phủ đã chỉ đạo “Phải lấy cung làm chủ đạo, đẩy mạnh cầu của nền kinh tế, trong đó đẩy mạnh kích cầu nội địa và tiêu dùng cá nhân. Thưa ông, ông suy nghĩ gì về việc người đứng đầu Chính phủ lại đề ra định hướng đó trong thời điểm này?
- Theo Tổng Cục thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội 5 tháng năm 2020 đã giảm 3,9%, nếu loại trừ yếu tố giá thì còn giảm tới 8,6% (so với 5 tháng cùng kì năm 2019) tăng trưởng đạt 8,5%.
Đây là một sự sụt giảm đáng lo ngại. Chúng ta đều biết, tiêu dùng xã hội đóng vai trò là một trong những trụ cột quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của mọi quốc gia. Sản xuất ra nhiều sản phẩm nhưng sức tiêu thụ yếu quả là một bài toán nan giải.
Câu chuyện dư thừa cục bộ của một số loại hàng hóa nông sản trong nhiều năm qua khiến chúng ta phải giải cứu liên miên, ví dụ như 5 tháng đầu năm 2020 tiếp tục giải cứu một loạt các nông sản và thực phẩm như bí đao, ổi, thủy hải sản..., chính là một bài học sâu sắc cho việc tăng cung hàng hóa phải đi đôi với việc tạo sức mua, kích cầu nội địa và tiêu dùng cá nhân.
Theo thống kê, tính đến cuối tháng 4/2020, 5 triệu người lao động phải nghỉ việc vì dịch Covid-19.
Kích cầu nội địa còn có ý nghĩa rộng hơn, đó là: phải phát huy những tiềm năng vốn có của thị trường nội địa Việt Nam. Kênh siêu thị, trung tâm thương mại hiện mới chiếm 25% thị phần bán lẻ; thị trường nông thôn còn trống vắng, kênh truyền thống bao gồm chợ, cửa hàng lẻ tuy chiếm đến 75% thị phần bán lẻ nội địa song doanh số một số năm gần đây bị suy giảm từ 20-30%, hạ tầng của kênh thương mại truyền thống chưa được quan tâm đúng mức trong khi lại phải cạnh tranh một cách quyết liệt với kênh thương mại hiện đại của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Phát triển thị trường nội địa ở nước ta có nhiều điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu, nguồn nước để chăn nuôi trồng trọt, có vùng biển rộng mênh mông để đánh bắt và khai thác hải sản, đó là một thuận lợi bởi nguồn cung dồi dào phong phú, cung cấp tại chỗ cho thị trường bán lẻ. Vì vậy, chủ trương “Lấy cung là chủ đạo” của Chính phủ là rất đúng đắn, và sẽ hiệu quả hơn khi cung được gắn kết với cầu, với sức mua xã hội ngày càng được tăng lên.
Vậy theo ông, xu hướng tiêu dùng hậu Covid-19 là gì? Ông nhận định như thế nào về khả năng phục hồi của thị trường nội địa sau dịch bệnh, thưa ông?
- Hậu Covid-19, hầu hết túi tiền của người dân đều “teo tóp” cho nên sức mua không cao. Người ta sẽ chi tiêu tiết kiệm, chi những thứ thật cần thiết vì tâm lý dự phòng do nhiều quốc gia hiện tại số ca mắc Covid-19 vẫn tăng cao. Tức là nhu cầu thì có nhưng nhu cầu có khả năng thanh toán lại yếu, như vậy, tổng mức bán lẻ sẽ giảm, doanh thu giảm.
Theo tôi khả năng phục hồi thị trường nội địa, từ nay đến quý IV mới có triển vọng phục hồi. Bởi thực tế, thời gian sau dịch, Chính phủ đã có những cố gắng nâng cao và khôi phục sức mua xã hội bằng các chính sách, trợ cấp phụ cấp cho người dân... tuy nhiên giá các loại mặt hàng nhu yếu phẩm vẫn còn leo thang, điển hình là giá thịt lợn.
Bên cạnh đó, những hành vi trục lợi nhằm thu lợi nhuận ở khâu trung gian và khâu bán lẻ cũng khiến giá thành bị đẩy lên cao, khiến cho sức mua không thể tăng.
Vậy muốn phát triển thị trường nội địa, kích cầu tiêu dùng cá nhân, chúng ta phải làm gì, thưa ông?
- Đầu tiên phải nói đến yếu tố nhu cầu có khả năng thanh toán trong các tầng lớp dân cư. Bài toán đặt ra là phải phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống của người lao động trong toàn xã hội. Đẩy mạnh sức mua xã hội cần đi đôi với phát triển sản xuất hàng hóa, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm. Tăng cung cho xã hội nhưng phải tăng cung có chất lượng, có giá cả cạnh tranh, mẫu mã hàng hóa đa dạng, phong phú thu hút người tiêu dùng.
Một điều quan trọng là sản xuất và phân phối nhất thiết phải thiết lập được các chuỗi hoạt động một cách hiệu quả. Lợi nhuận của từng khâu trong chuỗi phải được xác định hợp lý nhằm kích thích chuỗi phát triển ngày càng bền vững. Hàng hóa sản xuất ra phải đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, vừa giảm khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ở thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại...
Các Bộ, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp bao gồm cả bán hàng trực tiếp và bán hàng online đều phải làm tốt các công tác xây dựng thương hiệu của hàng hóa, thương hiệu bán lẻ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Ông vừa nhắc đến vấn đề then chốt cần khắc phục hiện nay là trong khâu phân phối hàng hóa? Theo ông, chúng ta nên khắc phục và giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Để kích cầu tiêu dùng tức giá thành cần phải giảm, muốn vậy, sản xuất và phân phối nhất thiết phải thiết lập theo chuỗi hoạt động một cách hiệu quả, giảm thiểu đi các khâu trung gian.
Thực tế cho thấy mức chiết khấu của một số nhà bán lẻ lên tới 25-30%, khiến người sản xuất không còn lãi, nên không thể hạ giá thành. Ví dụ: Cá sạch Đại Áng ở huyện Thanh Trì, Hà Nội sau nỗ lực đáp ứng đầu đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu của một số siêu thị tại địa phương nhưng khi khi kí hợp đồng đã bị siêu thị đặt điều kiện: chiết khấu gửi cá là 30%, cuối cùng là Hợp tác xã nuôi cá 3 tháng sau khi hàng bán hết mới được thanh toán tiền hàng...
Vì vậy, để kích cầu thị trường nội địa, cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia. Quy hoạch này bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh, đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông, các dịch vụ logistics.
Xin cảm ơn ông!