Chuyện ít biết phía sau người đàn bà đẹp 'yêu' mái đầu trọc

(PLVN) - Sở hữu vẻ đẹp mặn mà, gu thời trang ấn tượng, luôn nở nụ cười lạc quan là những điều mà người đối diện cảm nhận được khi tiếp xúc với chị Trịnh Bích Lưu. Nhìn người phụ nữ nhẹ nhàng và đầy khéo léo bên những cánh hoa lụa ít ai có thể tin, chị đang mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác. 
Chị Trịnh Thị Lưu thường xuyên chụp lại những khoảnh khắc vui vẻ của bản thân khi mái tóc rụng hết vì căn bệnh K
Chị Trịnh Thị Lưu thường xuyên chụp lại những khoảnh khắc vui vẻ của bản thân khi mái tóc rụng hết vì căn bệnh K

Sợ hãi, choáng váng

Tìm đến cửa hàng hoa lụa ở quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội vào một sớm mùa đông, chúng tôi bị ấn tượng mạnh bởi sự trẻ trung, đặc biệt là tình thần lạc quan của của chị Trịnh Bích Lưu. 

Chị Lưu kể, tháng 7/2015, trong giờ làm việc chị bị cánh cửa phòng đập vào bụng và bị đau. Cơn đau khiến chị không chịu nổi nên đã vào viện để kiểm tra. Quá trình thăm khám, thấy phần lá lách của chị to bất thường, các bác sĩ khuyên đi làm thêm nhiều xét nghiệm chuyên sâu. 

Sau nhiều xét nghiệm tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, bác sĩ báo tin dữ: chị đã mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết nhưng may mắn bệnh mới chỉ ở giai đoạn đầu. Giây phút nhận được kết quả, giống như nhiều người bệnh khác chị Lưu cảm thấy vô cùng sợ hãi. 

“Lúc đó, tôi cảm thấy thật sự sợ hãi, choáng váng bởi không nghĩ mình sẽ mắc căn bệnh như thế. Chưa bao giờ tôi nghĩ bản thân mình sẽ rơi vào hoàn cảnh này”, chị Lưu chia sẻ. 

Nhưng vốn là người lạc quan, chị Lưu nhanh chóng vượt qua giai đoạn khủng hoảng ban đầu, “sốc” lại tinh thần, tự xác định phải mạnh mẽ, phải đối mặt với căn bệnh này vì không còn sự lựa chọn nào khác.

Khi đó, chị Lưu đặt mục tiêu, cố gắng làm mọi cách để bản thân cảm thấy vui vẻ. Chị tự xác định rằng, “bản thân sẽ sống chung với căn bệnh ung thư và cách duy nhất để vượt qua nó chính là sự lạc quan, vui vẻ”.  

Nhập viện và thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ, tới tháng 10, 11/ 2015, chị đã trải qua 2 ca mổ. Sau đó khoảng gần 1 năm, chị Lưu bắt đầu điều trị bằng hóa chất. Với chị đây là khoảng thời gian khó khăn nhất. Tác dụng phụ của hóa chất khiến chị gần như bị quật ngã. 

“Cứ đến lúc truyền hóa chất là tôi cảm thấy thực sự quá kinh khủng, sợ hãi. Mỗi lần điều trị phải truyền 5- 6 chai gồm dung dịch muối, kháng sinh, bổ gan, hóa chất… Tất cả chúng khiến cơ thể tôi mệt lử không thiết bất cứ một cái gì nữa”, chị Lưu rùng mình nhớ lại.

Những tác phẩm hoa lụa của chị Trịnh Thị Lưu được nhiều khách hàng yêu thích
Những tác phẩm hoa lụa của chị Trịnh Thị Lưu được nhiều khách hàng yêu thích

Sau khi truyền hóa chất, người bệnh sẽ có cảm giác chán ăn và đây là nỗi ám ảnh của nhiều người. Khi đó, nhìn thấy bất cứ đồ ăn gì, chị Lưu cũng cảm thấy buồn nôn, thậm chí nhìn người giường bên ăn cơm thôi chị cũng phải chạy ra chỗ khác. 

Động lực để chị vượt qua tất cả chính là nghĩ về chồng, về con, về gia đình. Chị đã nghĩ đủ cách làm thế nào ăn thật nhiều, không bị nôn ra để lấy sức khỏe điều trị. Cứ như vậy, chị lưu phải trải qua 6 lần truyền hóa chất.  

“Lúc đó, cũng chỉ biết nỗ lực thôi chứ đâu còn cách nào khác. Hóa chất vào người làm cho cơ thể khó chịu mệt mỏi kinh khủng, chỉ có những người bệnh mới cảm nhân thôi. May mắn trong quá trình điều trị tôi nhận được sự động viên, quan tâm của gia đình, đặc biệt là ông xã và các con. Nhờ vậy mà bản thân tôi mới đủ sức chiến đấu với căn bệnh quái ác này”, Chị Lưu kể lại. 

Kết quả của giai đoạn truyền hóa chất khiến mái tóc của chị Lưu dần không còn và có lẽ đây là giai đoạn đáng sợ nhất với bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những người phụ nữ. 

Xong đợt truyền hóa chất đầu tiên, chị Lưu đi uống cafe với bạn, tình cờ khi vuốt tóc thì thấy những sợi tóc rụng ra từng mảng. Nhưng đã chuẩn bị tâm lý từ trước nên chị Lưu chủ động cạo đi mái tóc yêu quý của mình. Nói về quãng thời gian không có tóc, chị Lưu cười vui vẻ và coi đó là những khoảnh khắc đặc biệt.

“Chị cũng không hề cảm thấy ái ngại cũng như xấu hổ về ngoại hình của mình, ngược lại còn chụp lại ảnh và chia sẻ những hình ảnh đó. Những điều đó khiến cho mọi người cảm thấy tự tin và phấn khích hơn. Chị cũng không đội tóc giả, khi trời lạnh chị chỉ quấn khăn che đầu thôi còn đi ra ngoài đường, chị vẫn để đầu “trọc lóc” bình thường”, chị Lưu hãnh diện kể lại. 

Theo chị Lưu, khi ra ngoài chị cũng nhận được nhiều ánh mắt tò mò. Nhìn chị để chiếc đầu trọc, luôn tươi cười, cùng gu thời trang rất độc và lạ mọi người đều nghĩ chị là một diễn viên hay làm việc tại một hãng thời trang nào đó. Nhiều người đã tò mò tới hỏi chị và khi biết được sự thật thì ai đấy đều bày tỏ sự khâm phục và chúc phúc cho chị. 

Chị Trịnh Bích Lưu cũng thường xuyên tham gia những hoạt động thiện nguyện
Chị Trịnh Bích Lưu cũng thường xuyên tham gia những hoạt động thiện nguyện

Nói về quãng thời gian sống cùng mái đầu trọc của mình, chị Lưu vô cùng trân quý, “Đôi khi, bạn sẽ chẳng biết được những khoảnh khắc quý giá đến nhường nào cho đến khi chúng biến thành những kí ức đẹp”. Hiện tại, căn bệnh của chị Trịnh Thị Lưu đã được giữ ở mức ổn định các khối u không phát triển hay di căn.

Sử dụng phương pháp thực dưỡng 

Ngoài việc tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, chị Lưu cũng thường xuyên lên mạng tìm đọc các thông tin về căn bệnh của mình, học các phương pháp để đẩy lùi căn bệnh ung thư, trong đó có phương pháp thực dưỡng.

Vốn là một người có tâm hồn ăn uống, nay phải ép mình ăn theo chế độ khắt khe, đó là một điều vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, vì bản thân và gia đình, chị Lưu đã cố gắng tuân theo phương pháp này. 

Phương pháp ăn thực dưỡng được chị Lưu áp dụng sau mỗi đợt hóa trị. Mỗi lần chị Lưu thực hiện phương pháp ày trong 49 ngày liên tục. Khi đó, chị chỉ được dùng gạo lứt, muối mè và trà gạo lứt, ngoài ra không dùng thêm bất cứ đồ ăn gì khác.

Theo chị Lưu, đây là phương pháp giúp thanh lọc, cân bằng cơ thể sau mỗi đợt hóa trị. Nhưng theo chị Lưu, mọi người cũng không nên áp dụng phương pháp này quá lâu. 

“Dù phương pháp này rất có lợi khi người bệnh điều trị hóa chất nhưng mình cũng không nên cực đoan theo nó quá lâu. Vì nếu theo phương pháp này thì bản thân người bệnh sẽ không còn dinh dưỡng gì để nuôi cơ thể.

Hiểu một cách đơn giản là từ xưa đến nay con người sinh ra lớn lên theo một quy luật, ăn uống phải đủ chất dinh dưỡng thì mới khỏe mạnh nên nhiều người theo phương pháp đó quá lâu cũng không tốt thậm chí còn hại đến sức khỏe”, chị Lưu chia sẻ thêm.

Trước khi bị bệnh, chị Lưu là người làm công tác nhân sự tại một đơn vị nhà nước. Thời điểm chị phát hiện bệnh, công ty vẫn chi trả lương và bảo hiểm đầy đủ nhưng chị vẫn quyết định nghỉ việc bởi nghĩ nếu kéo dài tình trạng này thì sẽ ảnh hưởng cho đơn vị. 

Gia đình luôn là niềm tự hào và động lực của chị Trịnh Bích Lưu
Gia đình luôn là niềm tự hào và động lực của chị Trịnh Bích Lưu

Vốn là một người có niềm yêu thích hoa từ lâu cùng năng khiếu cắm hoa sẵn có chị Lưu ấp ủ ý định mở một cửa hàng hoa. Chị lựa chọn mở một cửa hàng hoa vừa để giải tỏa căng thẳng thời gian chữa bệnh, vừa giúp bản thân thỏa đam mê.

Ban đầu chị Lưu dự định đầu tư đi học một lớp dạy cắm hoa nhưng vì chi phí quá lớn chị quyết định tự học. Chị bắt đầu tìm đến các cửa hàng hoa quen biết, tham khảo nhiều chỗ để học cách họ cắm hoa tươi. 

Năm 2017 chị bắt đầu công việc mở một cửa hàng hoa nhỏ cho bản thân. Ban đầu, chị định hướng làm hoa tươi nhưng có số vốn không nhiều. Hơn nữa nếu làm hoa tươi, hoa phải nhập liên tục, khách hàng lúc đầu chưa nhiều, nhận thấy bản thân không đủ khả năng chị Lưu quyết định cắm hoa lụa và bén duyên với nghề từ đó.

“Công việc này đến với chị rất tự nhiên, nó là một lĩnh vực nghệ thuật và sáng tạo không ngừng nghỉ, đầu óc luôn luôn phải hoạt động, phải nghĩ làm sao cho đẹp, phù hợp với yêu cầu của khách hàng chứ không đơn thuần là cắm vào là được”, chị Lưu cười nói. 

Mặc dù, không học qua bất kỳ trường lớp nào nhưng những giỏ hoa của chị Lưu làm ra đều nhận được vô vàn lời khen từ khách hàng và người thân quen. Hiện tại có rất nhiều đơn hàng được gửi đến cửa hàng của chị Lưu nhưng vì sức khỏe nên chị chỉ nhận làm vừa phải phù hợp với sức của mình. 

“Càng làm chị càng thấy thoải mái và vui vẻ vì chị được làm những điều mình thích, điều đó khiến cho căn bệnh của chị luôn được giữ trong trạng thái ổn định nhất”, chị Lưu bộc bạch. 

Tại cửa hàng của chị Lưu ngoài những tác phẩm hoa của mình, chị Lưu còn bày bán những chú thú nhồi bông bằng vải của nhiều bệnh nhân ung thư khác. Những chú thú này được chị quảng cáo và bán hộ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Bởi vậy, suốt nhiều năm nay chị Lưu tham gia vào nhiều diễn đàn cũng như các nhóm của các bệnh nhân ung thư. 

Mục đích của các nhóm này là các bệnh nhân ung thư sẽ chia sẻ cũng như hỗ trợ nhau, học hỏi động viên cùng nhau vượt qua căn bệnh hiểm nghèo. Tham gia một cách tích cực trong các nhóm, chị Lưu luôn có những chia sẻ, truyền cảm hứng của mình cho nhiều người bệnh khác. Hiện tại, chị Trịnh Bích Lưu đang là quản trị viên trong group Cuộc chiến thầm lặng. 

Hàng năm, chị Lưu cùng các thành viên chủ chốt đứng ra tổ chức những cuộc gặp gỡ nhân dịp 20/10, tất niên cuối năm... Tại những cuộc gặp này chị cùng các bạn làm nhiều gói quà để tặng cho mọi người. Nếu là dịp Tết sẽ có giò xào, bánh chưng, những bông hoa hướng dương....

Những món quà này đều được chính những bệnh nhân trong group tự tay làm, tự tay chuẩn bị. Những buổi gặp mặt này giúp cho các bệnh nhân tìm được sự đồng cảm, nuôi dưỡng tinh thần và nghị lực của mỗi người. 

Theo chị Lưu, yếu tố quyết định sự chiến thắng căn bệnh ung thư chính là tinh thần. “Chị đã từng gặp nhiều người bệnh họ rất yếu đuối, họ không thể chiến thắng căn bệnh này là do sợ hãi. Mặc dù, giai đoạn bệnh của họ chưa đáng phải chết.

Họ cảm thấy bất an, lo lắng và tự ti cực độ, không dám ra ngoài đường, không phát huy được khả năng chiến đấu của bản thân. Chị muốn nói với mọi người, ung thư không phải là dấu chấm hết. Vì vậy mọi người phải cố gắng chiến đấu cho bệnh nó phải sợ mình chứ không phải là mình phải sợ nó”, chị Lưu bộc bạch.