Tương tự, một trang Web có tên “trẻ thơ” nào đó dám lấy hình ảnh thân nhân của liệt sỹ khóc thương người hy sinh để gán vào câu chuyện trẻ em bị hành hạ. Đó cũng là một sự xúc phạm tới tình cảm thiêng liêng của những gia đình có con em hy sinh vì Tổ quốc.
Những người đùa cợt với các giá trị nhân bản, coi hành vi sàm sỡ phụ nữ, dâm ô với trẻ em chỉ là “nựng”, “trêu đùa”, “tỏ sự yêu thương”,... đã lập tức bị dư luận lên án. Đối tượng tấn công tình dục nữ sinh viên trong thang máy giờ đi đến đâu cũng bị mọi người khinh ghét, xa lánh. Sự xuất hiện của anh ta tại một chung cư ở Hà Nội khiến cư dân phải họp khẩn, đề ra các biện pháp phòng tránh, kể cả việc dán ảnh nhận dạng. Bản án dư luận đã được thực thi mà không có một tình tiết giảm nhẹ nào.
Cuối cùng, vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy tại TP HCM cũng đã được khởi tố. Dư luận đã dịu đi nhưng sự căm phẫn và khinh bỉ thì còn nguyên đó. Không hay ho gì những biểu hiện lời nói và hành vi quá khích nhưng cũng không thể không đồng tình với cách người dân thể hiện thái độ của mình nhằm thúc đẩy công lý được thực thi, kẻ phạm tội phải bị trừng trị, sớm ngày nào, tốt ngày ấy.
Tại một diễn biến khác, người cậu đánh cháu mồ côi vì nghi ăn cắp 200.000 đồng khiến em tử vong đã bị khởi tố và bắt giam. Dư luận đã cực kỳ phẫn nộ trước hành vi dã man của ông này, hơn thế, ông còn là cán bộ, đương chức Xã đội trưởng.
Chạm vào những giá trị nhân bản thì gần như là một phản ứng mặc định, cộng đồng đồng thanh cất lên tiếng nói lương tri bảo vệ những giá trị đó trước những kẻ xâm hại. Đó là môi trường lý tưởng cho pháp luật được thực thi, công bằng được xác lập và nền tảng đạo lý của xã hội được gia cố.
Hành động của một chú bé 13 tuổi đạp xe cọc cạch hàng trăm cây số đến thăm em ở bệnh viện đã làm xúc động hàng triệu trái tim người Việt. Đó là tình người cao cả, biểu hiện của giá trị nhân bản trong xã hội chúng ta. Những ai cố tình xâm hại hoặc đi ngược lại với các giá trị nhân bản đó sẽ bị loại trừ là điều tất nhiên, không thể khác được!