Mới đây nhất, gây sự chú ý nhiều nhất là hình ảnh Công an vào nhà riêng khám xét và bắt đi ông chủ trong lâu đài tráng lệ bậc nhất TP gang thép Thái Nguyên. Bị can trong vụ án gây thất thoát tài sản Nhà nước này nguyên là Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty có cái dự án xây dựng nhà máy gang thép hơn 8 nghìn tỷ đồng mà giờ thanh lý với giá bán sắt vụn hơn 100 tỷ đồng vẫn chẳng ai mua.
Nghịch cảnh đập vào mắt dư luận đã nhiều năm nay giữa nhà máy thành đống sắt rỉ và lâu đài nguy nga đã nảy sinh một nghịch lý là những người làm nghèo đất nước lại trở thành ông chủ giàu có, sống xa hoa trong tư dinh của mình. Điều đó buộc người ta phải liên tưởng đến một sự tham nhũng không hề nhẹ và đặt câu hỏi đến bao giờ thì ông này bị bắt?
Câu hỏi nghi vấn đó đã trở thành sự khẳng định khi vụ án được khởi tố và người có trách nhiệm trong việc biến công trình thành nơi hoang phế, biến nhà riêng thành lâu đài tráng lệ và biến mình từ vị trí ông chủ cao sang và quyền lực thành một bị can khốn khổ không nhận được sự thương hại nào từ phía cộng đồng.
Thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng trong quản lý kinh tế là một tội lớn trong việc vi phạm pháp luật, nhưng trước đó thì sự coi thường pháp luật của những người này đã thể hiện. Biệt thự của ông ta xây dựng quá phép từ 2 tầng lên 4 tần, cao hơn 11m so với giấy phép.
Hơn thế nữa còn xây lấn ra đất công, chính quyền sở tại từng lập biên bản, xử phạt và yêu cầu tháo gỡ phần xây dựng quá phép và lấn chiếm. Song, động thái này chẳng có ý nghĩa gì với một người coi thường pháp luật, lâu đài vẫn sừng sững “trơ gan cùng tuế nguyệt” và thách thức các quy định pháp luật, mặc kệ sự chướng tai, gai mắt của những người xung quanh cùng dư luận xã hội.
Có trường hợp những người từng giữ các cương vị lớn mà phạm tội, Tòa cáo buộc phải bồi thường cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng nhưng tài sản của ông ta chỉ là căn hộ cho cả gia đình sống trong chung cư.
Đối với những tội phạm kinh tế mà có những dinh thự, lâu đài, bất động sản như thế này hẳn đó là tài sản rút ruột từ Nhà nước, cần thu hồi để bù đắp một phần thiệt hại mà họ đã gây ra chứ cần gì phải chứng minh trên mặt lý thuyết là bất minh hay không. Đó đơn giản chỉ là thiết lập sự công bằng mà thôi. “Những gì của Xê-da phải trả lại cho Xê-da”!
Riêng trong lĩnh vực văn hóa ứng xử, lối sống xa hoa và phô trương của cán bộ đã là đi ngược lại những quy chuẩn đạo đức cán bộ rồi, gây nên sự phản cảm trong nhân dân, phô bầy những nghịch cảnh và nghịch lý trong xã hội, rất đáng phải loại trừ!