Mỗi khi Nguyên Hồng về Hà Nội, thế nào chúng tôi cũng đi Bắc Qua. Bấy giờ lại đương độ máy bay Mỹ đánh phá vào Hà Nội. Suốt ngày, trời thành phố rả rích còi báo động. Hồi ấy, tôi cũng đương làm công tác khu phố. Đêm thường cùng ban bảo vệ đi tuần.
Nguyên Hồng thích đi với tôi, đòi đeo băng đỏ cẩn thận. Chúng tôi la cà ra cửa ga. Ga Hàng Cỏ thức suốt sáng. Làm cốc bia hơi mậu dịch rồi kéo bộ thẳng lên chợ Bắc Qua vào nửa đêm.
Chợ đêm đông hơn cả ngày, nhất là từ quãng một hai giờ sáng đổ ra. Người các miền giáp ranh Bắc Ninh - Bắc Giang về chợ kìn kìn gồng gánh suốt đêm sang sông. Nói theo tiếng chợ búa, chợ Bắc Qua, cái chợ đổi vai.
Mọi vùng bên sông phía bắc thành phố, từ thật xa trên Cao Thượng, ở Quế võ bên kia bến Hồ, người buôn, người trồng tỉa đưa xuống thành phố mọi thứ rau quả, mùa nào thức ấy. Xe ba gác cải tiến và người gánh nào cà rốt, su hào, nào cải bắp, cái bẹ, cải Lạng Sơn, hoa lơ. Những bó hành hoa, củ trắng nõn xếp chật cả hai bên thùng sau xe đạp.
Những xe đạp thồ gà, chim câu, chim sẻ. Áp tháng chạp dương lịch, tiếng gà tây kéc kéc loạn gầm cầu Long Biên. Vùng bến Hồ có nhiều hợp tác và nhiều nhà mới biết nuôi gà tây. Gà tây bên Bắc được thồ về, nhà Hoả Lò ra mua làm cỗ lễ Noel cho tù binh giặc lái Mỹ theo phong tục nước Mỹ.
Chợ đông vui suốt đêm, khắp các ngả. Đèn đường loáng thoáng và mỗi xó một đốm đèn con le lói, như hội làng ngày trước. Lúc còi báo động, chẳng còn một ánh lửa. Trong bóng tối, tiếng rào rào râm ran. Chúng tôi len vào, kẻ mua người bán xúm xít quanh các hàng cơm bát, gánh cháo lòng tiết canh, thịt chó, thúng bánh cuốn và miến dong riềng. Hàng nào cũng sắp sẵn đôi quang, có báo động một cái, gọn ghẽ ngay.
Những lúc ấy mắt Nguyên Hồng ánh lên, gò má bóng nhẵn chòm râu hất ra như người ốp đồng lắp bắp sắp nói. Những đêm vui, đầm ấm, thú vị của Nguyên Hồng ở chợ. Quang cảnh ăn uống, lẫn lộn quanh gánh với người nằm ngủ úp nón lên mặt, người đương bơm xe sắp sang cầu, một cái bu sắt nhốt chó với cả những thồ hành hoa vừa tới. Tiếng à à ầm ầm không ngớt líu tíu bối rối mà lại như rõ ràng đâu ra đấy, vẻ lộn xộn lẫn với nền nếp của cái chợ đêm lắm thức mua bán.
Nguyên Hồng ngồi ngất ngưởng, bắt chuyện với mọi người. Chốn hàng quán giữa chợ, ai cũng vui tính cả. Những người bán quán chợ Bắc Qua, chẳng ai buồn lưu tâm, chắc lại như cái bà bán bia dưới phố Huế, ước đoán đấy là ông lão kỹ tính, theo con cháu xuống chợ. Đứa cháu mới đi thồ lần đầu, ông phải chịu khó đi theo bảo ban.
Ông lão ấy vào hàng ăn uống, vừa gắt với lũ cháu bướng bỉnh rồi lại cười xoà. Những ông lão trong làng ra chợ búa thành phố, nửa lẩm cẩm, nửa cẩn thận, hay hỏi dớ dẩn như thế, ở chợ đêm này chẳng thiếu.
Hồi ấy, Nguyên Hồng đã để râu. Bộ râu ria lưa thưa mà chúng tôi thường đùa: Bộ râu già nua của ông không hợp với hai con mắt lúng liếng nhanh như chớp còn tống tình được của ông. Nguyên Hồng rung đùi, cười khơ khớ, nói: "Quái quỷ! Quái quỷ!". Chẳng hiểu tự cười mình hay thú vị vì câu nói đúng.
Vậy mà cả đến bộ râu hiếm hoi ấy cũng chẳng phải Nguyên Hồng cố ý điểm trang cho vẻ già của mình đâu. Nguyên Hồng để râu khoảng ngoài 50. Nhưng nói Nguyên Hồng để râu, chữ nghĩa cùng sự việc chưa thật chính xác.
|
Nhà văn Nguyên Hồng |
Nguyên do là lắm khi Nguyên Hồng ở bên cả mấy tháng trên Nhã Nam, ngày đêm viết miệt mài. Mấy năm, xong cả bộ tiểu thuyết “Cửa biển”, vở kịch “Thái hậu Dương Vân Nga”, đôi khi cao hứng, làm bài thơ, hay viết cho thiếu nhi. Ở nơi khuất nẻo, hết dao cạo râu. Hồi này, lưỡi dao cạo không dễ kiếm. Thế là mặc kệ, rồi đâm quen. Chỉ vậy thôi, thành "để râu”.
Những đêm chợ Bắc Qua, những đêm chợ Bắc Qua. Chẳng mấy chốc, ông nhà văn đã như hàng xay hàng xáo với mọi người từ bao giờ. Giá hành, cà chua ra sao. Đem được mấy chục gà tây xuống, ở nhà còn lứa nào không. Đợi tuyển quân trên ấy đã xong chưa, à ra thế.
Nguyên Hồng rất mê chợ. Chúng tôi cũng nghĩ giống nhau. Cái chợ giúp ta biết nhanh mà chính xác về sự thật tình hình trong vùng. Không phải chỉ những thứ đem ra chợ, mà chính trị, kinh tế, văn hoá, phong tục, đủ vẻ, đều có thể trông ra cái chợ mà luận ra.
Nguyên Hồng nói:
- Học đấy chứ đâu. Người ta nói bao nhiêu chữ cho mà học, mình biết cái mách gì. Cái bà hàng gọi lão nằm ngủ lúc còi báo động: Trỗi, trỗi, đúng là người chợ Thắng. Trên ấy người ta không nói đầy đủ: Trỗi dậy, trỗi dậy đâu nhé. Chữ nghĩa hình thức trong sách lại đâm ra thừa.
Từ những nhỏ nhặt bình thường trong ý ăn nhẽ ở hàng ngày, mọi lúc, đã hoà liền như dòng máu cùng trên cơ thể, với tư tưởng và nghệ thuật của ngòi bút.
Thực tế sâu sắc tự nhiên như đời sống con người đã góp phần tạo ra tâm hồn và phong cách sáng tác, một khi quan niệm được cốt cách, một tác phẩm nhất thiết phải bắt nguồn từ mọi mặt của xã hội, từ tâm tư tình cảm cuộc sống con người, trong đó có người cầm bút.
Toàn bộ tác phẩm Nguyên Hồng, mỗi tình huống được sáng tạo, ở nhân vật nào, vấn đề nào, tinh thần nhân đạo của tư tưởng chủ thể thật đằm thắm, thật thiết tha từ bắt đầu như thế.
Một đời chuyên cần, yêu thương, mải mê...
Lại thấy bao nhiêu điều muốn nói nữa về Nguyên Hồng. Ngỡ như chưa biết đặt bút từ đâu, từ kỷ niệm nào.
Nguyên Hồng (1918 – 1982) là nhà văn có nhiều đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Nguyên Hồng bắt đầu viết văn từ năm 1936 với truyện ngắn "Linh Hồn" đăng trên Tiểu thuyết thứ 7. Đến năm 1937, ông gây được tiếng vang trên văn đàn với tiểu thuyết "Bỉ vỏ". Nguyên Hồng tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ (1936-1939) ở Hải Phòng. Tháng 9/1939, ông bị mật thám bắt và bị đưa đi trại tập trung ở Bắc Mê (Hà Giang). Năm 1943, Nguyên Hồng tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc, là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.