Cuộc viếng thăm bất ngờ
Ngày 17/12/1960, tổng thống Diệm đón tiếp một thượng khách từ Trung Hoa sang. Hai người vốn quen biết nhau từ buổi ông Diệm còn hàn vi, sống lưu vong không đất cắm dùi, nay cả hai đều đã nên danh phận cấp quốc gia nên ứng xử rất hữu hảo.
Cụ viết: "Còn ai không biết tính ông Diệm, hễ có dịp thì phô trương thanh thế đến tột cùng, cốt cách thượng thư cũ triều đình Huế, chưa gột sạch: Thôi thì tiền hô hậu ủng, nhà có bao nhiêu sai nha nô dịch, ông dắt hết ra đường; đằng đằng sát khí, đứa chó lửa lận lưng, đứa súng sáu treo đùi, mô tô phạch phạch chạy trước, ô tô bóng loáng theo sau. Nghe đồn xe này ngồi trong không sợ bị ám sát vì kính che gió đạn bắn không lủng, và bánh lốp tổ ong, dẫu nổ không xẹp...
Nhắc lại, hôm 17/12/1960, ông tự đưa khách quý dạo chơi viện thảo cầm, hai người dạo khắp đó đây mà trời còn sớm quá chưa tới giờ về dinh ngự thiện, ông bỗng nảy ý cùng với khách đến xem một lần cho biết Viện bảo tàng Sài Gòn.
Khổ nỗi ông không cho tôi hay trước mới chết cha. Thú thật tôi không phải là một nhân viên gương mẫu, và sở trường của tôi, cũng như của bao công chức khác là vô làm trễ, đi về sớm, miễn công việc trôi chạy, để bù trừ những lúc làm thêm giờ bất chấp sớm trưa.
Cũng may cho tôi bữa đó, dường như linh ứng mách bảo nên vào giờ ấy, hơn mười một giờ rồi, mà tôi vẫn chưa ra về. Như mọi ngày, tôi ăn mặc rất xoàng xĩnh, một bộ xá xẩu cụt tay bốn túi, và đang cắm cúi viết viết trong văn phòng.
Bỗng cửa phòng mở toát nghe một cái rột. Ông tổng giám đốc cảnh sát, ông Nguyễn Văn Là bằng xương bằng thịt, đứng tần ngần trước mặt, dõng dạc hô to như giữa trận tiền: “Có tổng thống viếng Viện bảo tàng! Mời giám đốc theo tôi ra rước!”.
Thoạt nghe mấy tiếng, tôi quăng viết, ba chân bốn cẳng, vội chạy một hơi bám sát gót ông Là, hồn vía cũng chạy theo. Vả lại Viện bảo tàng vốn rộng thênh thang như nhà lồng chợ, hại tôi bắt từ văn phòng chạy một mạch đến chỗ ông tổng thống và các quan khách đứng chờ thì đã gần hụt hơi”.
Đối diện thẳng thớm không chịu khom lưng
Điều thú vị ở đây là sự mâu thuẫn đáng yêu của cụ Vương trong quan hệ ứng xử với ông Diệm. Cái mặc cảm thân phận thấp bé của một viên chức phải đối diện với người có địa vị tối cao làm ông áy náy. Nhưng ngược lại cái sĩ diện, tự trọng của kẻ sĩ làm ông không thể luồn cúi trước kẻ có quyền lực.
Cụ Vương thời trẻ |
Ông đã đứng thẳng lưng, lời nói lịch sự không nịnh hót nhưng cũng cảm thấy bứt rứt. Cụ Vương hồn nhiên phân tích tâm trạng của mình lúc đó như sau: “Ông Diệm vốn có tánh khó, cấm gọi ông bằng cụ bằng ông, và chỉ ưng gọi ông trống trơ “tổng thống”. Nhớ được điều đó, tôi đứng thẳng người, ngó ngay mặt ông, cung kính thưa một hơi không kịp thở:
- Kính thưa tổng thống, tổng thống đến quá đỗi thình lình. Vì không hay trước nên tôi không kịp mặc đúng lễ, đã không kịp ra nghinh tiếp tổng thống tận cửa viện như lòng mong muốn, xin tổng thống lượng xét cho.
Nói xong câu ấy, biết rằng mình dối lòng mình vì câu nói gượng ép không tự nhiên, tôi đứng trân nín thở, không khác anh binh nhì đứng trước ông tướng ba bốn ngôi sao.
Ông Diệm day mặt lại, nhìn tôi từ đầu chí gót, lấy cây ba ton nhịp nhịp vào sân gạch, tôi lúc ấy cũng trộm nhìn ông, thấy mặt ông tươi rói, hồng hào như bao nhiêu gương mặt kẻ đắc thời ăn no ngủ kỹ.
Bỗng ông sầm nét mặt lại. Cặp mắt ông dường như muốn xẹt lửa, cặp chân mày đen đậm lông dài và dày khít, bỗng nhíu lại như báo tin một cuộc sấm sét bất ngờ, rồi bỗng tan ra như mây bị gió tạt. Ông day lại ngó vị tân khách, ông nghĩ ngợi về câu tôi tự bào chữa, ông không gật đầu cũng không bắt tay…
Trong bụng tôi xét, giữa ông và tôi, vả chăng giai cấp và quan niệm rất cách biệt. Ông làm tổng thống, ông nhờ. Tôi sở dĩ vô làm đây là vì vấn đề cơm áo thê nhi, cũng không phải ăn mày của ai mà phải khúm núm…. Tôi đoán chừng ông nhìn thấy tôi ăn mặc quá lèn xèn, ông lấy đó mắc cỡ hộ với ông khách thượng lân.
Sau rốt, cơn chuyển mưa vừa vần vũ kế gió đánh mây bay mất, ông khệ nệ ban cho hai chữ “Thôi được!”.
"Làm tổng thống coi vậy mà cực quá!"
Cụ Vương đã viết: “Nhắc lại hai tiếng ông ban ra “thôi được!” đã làm cho tôi hoàn hồn, nhưng cũng vì đó, cái tánh châm biếm cũng lon ton trở lại: Chứng nào tật nấy! Tôi vừa nối gót theo chân ông, bụng vừa suy nghĩ: “Có đời nào tôi được như hôm nay, đi đứng gần ông chỉ cách không hơn một thước! Lạ này? Cớ sao tóc ông để quá dài, không hớt? Ô, tội nghiệp quá, vì ông làm việc quá nhiều, đến không có thì giờ ngồi cho thợ con nó tỉa bớt để tóc tai bùm sùm như đám hippy già.
Ủa? Mà ông tuy ăn sung mặc sướng, mà đã có vài sợi tóc bạc mọc dưới gáy đâm lún phún như râu chú giám? Ông đáng thương thật! Thân không vợ không con, sống không đủ thì giờ hớt tóc. Làm tổng thống coi vậy mà cực quá, có sướng ích gì?
Uý nè? Trời hỡi trời? Ông bôn ba hải ngoại mấy năm trời, mà làm sao ai giữ được cho ông, bộ tussor ông mặc, may kiểu áo bốn nút cổ lỗ sĩ, nhưng hàng này đúng là tussor đất Nam Định nổi danh. Trời ơi, bộ đồ tussor này đã ố vàng vì đã quá lâu năm. Cổ vai đã xùi, đúng ông là một người độc thân không ưa đàn bà.
Thêm thằng đầy tớ quá lập công, không dám giặt thường sợ áo mau mục rách và vì quá o bế, ủi đi ủi lại mãi, ủi thét đến hàng dợn sóng, ủi như vầy giáp sắt cũng tơi sợi bông chỉ, nói gì tussor.
Nếu ông hà tiện quá làm vầy, tiền của dư ông làm gì cho hết? Nhưng nói thật, sẽ chết cha hết thảy, chớ bọn công chức chúng tôi làm gì lên lương được với một tổng thống quá rít róng như ông làm vầy?”.
Sách vở, báo chí xưa nay viết về ông Diệm rất nhiều song, nhìn kẻ quyền lực nhất của Ngụy quyền thời đó với lối thương hại như vậy, chắc chỉ có cụ Vương.
(Còn tiếp)