Có dỡ bỏ “lệnh giới nghiêm” cho thẻ cào trực tuyến?

(PLO) - Mới đây, tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước tháng 7/2018, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, để gỡ vướng cho doanh nghiệp, Bộ sẽ ban hành văn bản chính thức cho phép có thể tiếp tục thanh toán thẻ cào trực tuyến (online). Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm hiện nay là, cơ quan quản lý sẽ cho phép “mở” thanh toán bằng thẻ này hay chỉ giới hạn một số dịch vụ.
Ảnh minh họa

Còn nhớ, cuối tháng 4/2018, do lo ngại thiếu cơ sở pháp lý sau khi cơ quan công an triệt phá vụ án đánh bạc qua mạng Rikvip/Tip club.vn, cả ba nhà cung cấp dịch vụ di động Vinaphone, Viettel và MobiFone đã đột ngột dừng thanh toán thẻ viễn thông online cho game và các dịch vụ nội dung số.  Động thái này khiến doanh số tháng kế tiếp của các doanh nghiệp nội dung số và game bị sụt giảm mạnh.

Chính các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động cũng bị sụt giảm mạnh doanh thu do dừng thanh toán bằng thẻ cào cho các dịch vụ nội dung.  Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 7/2018, MobiFone cho biết bị giảm 10% doanh thu, 5% lợi nhuận từ việc dừng thanh toán thẻ cào trực tuyến. VNPT thì khẳng định, doanh thu bị giảm 4% so với cùng kỳ, lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Nhà mạng Viettel dù không cung cấp số liệu cụ thể nhưng đây là nhà mạng có nhiều thuê bao nhất và tiêu thụ thẻ cào lớn nhất, nên không tránh khỏi ảnh hưởng. Riêng VTC do chủ yếu cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông nên bị ảnh hưởng đến 40% doanh thu. 

Theo đại diện VTC Mobile, sau lệnh cấm thanh toán bằng thẻ cào, VTC Mobile đã phát hành thẻ riêng Scoin thanh toán cho các dịch vụ của mình. Tuy nhiên, việc phân phối thẻ này mới chỉ thuận lợi ở các trung tâm thành phố lớn, còn ra vùng ngoại ô thì người chơi đi tìm mua thẻ Scoin rất khó. 

Trong thời gian từ tháng 4/2018 đến nay, một số doanh nghiệp lớn đã xây dựng cho mình các hệ thống thanh toán riêng. Tuy nhiên, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết khiến rất nhiều dịch vụ nằm trong trạng thái “ngủ đông” chờ đợi. Trên thực tế, ngoài game online, mảng dịch vụ nội dung số còn rất nhiều dịch vụ khác như đọc sách online, xem phim online, truyền hình online..., và những dịch vụ này hiện cũng đang “chững” lại do ảnh hưởng bởi việc thanh toán.

Được biết, cho đến nay, vẫn chưa có một phương án thống nhất giữa các Bộ, ngành hữu trách nhằm tạo hành lang pháp lý cho nhà mạng thực hiện thanh toán thẻ cào online. Câu hỏi được nhiều người quan tâm là, liệu kênh thanh toán này chỉ để áp dụng giới hạn với các dịch vụ viễn thông hay có thể “mở” cả với các dịch vụ khác ngoài viễn thông, các dịch vụ nội dung số? Nếu không được phép thanh toán thì các kênh thanh toán khác là những kênh nào và được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật nào?...

Nếu những câu hỏi trên chưa được giải đáp, thì việc Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép doanh nghiệp có thể tiếp tục triển khai thanh toán thẻ cào online vẫn chỉ là giải pháp tình thế, mà chưa giải quyết tận gốc vấn đề. Các doanh nghiệp trong ngành đang mong chờ một chính sách hoàn chỉnh liên quan đến việc sử dụng chính thức một kênh thanh toán thay thế phù hợp kênh thanh toán bằng thẻ cào viễn thông hoặc đơn giản nhất là cho khôi phục lại các thẻ game, vốn được quy định chức năng ngay từ đầu là phát hành để thanh toán cho game.

Để giảm bớt sự lệ thuộc của người dân vào việc thanh toán bằng thẻ cào điện thoại, nên chăng thúc đẩy các cơ chế khuyến khích người dùng sử dụng đa dạng các dịch vụ thanh toán mới thuận tiện và minh bạch hơn như ví điện tử, cổng thanh toán… 

Rõ ràng, thực tế đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ngành hữu trách nhanh chóng có “lời giải” để mở đường cho các doanh nghiệp viễn thông, nội dung số tiếp tục có định hướng phát triển.

Đọc thêm