"Cô gái hai bằng đỏ" nghẹn ngào dẹp quán trà đá

Quán trà đá nay đã biến mất trên vỉa hè. Người quanh đó cho biết, nhiều người đi qua vì tò mò nên ghé ngang “thăm” T; nhưng đồng cảm thì ít mà bình... loạn, chế giễu thì nhiều nên T dẹp quán, trốn về nhà tránh lời đàm tiếu.

[links()]Chỉ 12 tiếng đồng hồ sau khi Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải bài viết “Bài học cay đắng của cử nhân hai bằng đỏ đi... bán trà đá”, nhiều báo điện tử, trang tin điện tử đăng tải lại bài viết này, kèm theo rất nhiều lời bình luận.

Cũng 12 tiếng đồng hồ sau đó, khi nhóm phóng viên PLVN tìm đến quán trà đá trên đường Nguyễn Khang để ngỏ ý hỏi Phương T xem cô có nhận lời mời của Giám đốc một doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đến phỏng vấn nhận việc làm hay không, nhưng quán trà đá nay đã biến mất trên vỉa hè. Người quanh đó cho biết, nhiều người đi qua vì tò mò nên ghé ngang “thăm” T; nhưng đồng cảm thì ít mà bình... loạn, chế giễu thì nhiều nên T dẹp quán, trốn về nhà tránh lời đàm tiếu.

T nghẹn ngào nói qua điện thoại: “Về nhà cũng không thoát vì bố mẹ, người thân, bạn học cũ, cơ quan cũ gọi điện chất vấn. Thường là quy chụp, đổ lỗi, suy diễn...”.

Chúng tôi nhớ lại những ngày để thực hiện bài viết nêu trên, nhóm phóng viên đã nhiều lần quan sát, tìm cách tiếp cận và thuyết phục T. Lần đầu đặt vấn đề, cô đã không đồng ý kể chuyện, không muốn làm nhân vật của bài báo. Chỉ sau nhiều ngày thuyết phục, chúng tôi mới được cô chấp nhận kể hành trình tìm việc của mình với mong muốn đúng như tít bài đã viết: “Bài học đắng cay...” để những bạn trẻ khác, qua bài học của cô, có thể rút được kinh nghiệm cho mình. Cô đề nghị giấu tên mình, đề nghị chỉ nêu địa chỉ chung chung để tránh hàng triệu người đọc có thể hiểu sai là cô đang “ôn nghèo kể khổ” hay mong “Mạnh Thường Quân” nào giúp đỡ...

Ấy vậy nhưng thiện chí của cô gái dũng cảm này đã bị nhiều người hiểu sai hoặc cố tình đưa ra làm trò đùa khi sau đó trên các mạng xã hội đã xuất hiện không ít những bình luận ác ý và trong đời thực thì cô cũng bị đem ra làm trò cười.

Cô có thể vượt qua mặc cảm để chắt lọc, “rút ruột” ra tâm sự thực về chuyện học, chuyện nghề với mong muốn tốt đẹp, không vụ lợi; nhưng cô xác định không thể đương đầu với những lời đàm tiếu cười trên nỗi đau người khác.

Không gặp được Phương T, nhìn mấy viên gạch chỏng chơ nơi quán nước cô vẫn bán hàng ngày, chúng tôi lại chạnh lòng: “Thế là mấy hôm nay cô lại mất thu nhập rồi. Rồi cuối tháng lấy đâu tiền trả tiền nhà, trả tiền ăn... để duy trì cuộc sống chờ đến ngày tìm được công việc ổn định mà mình những mong”.

Xin đừng cười vô tâm trên nỗi đau của người khác.

Ánh Minh

Đọc thêm