Có làm rõ được nguyên nhân khiến chai nước C2 nổi váng?

(PLO) - Sau khi Báo PLVN có bài phản ánh về việc một người tiêu dùng tại thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh mua phải chai nước C2 của Công ty TNHH URC Việt Nam, còn hạn sử dụng, chưa mở nắp, nhưng đã nổi váng hình nấm trong chai, đại diện của nhà sản xuất đã đến làm việc với khách hàng. Điều đặc biệt là chai nước C2 này đã được nhà sản xuất mang về để… kiểm tra và có trả lời sau.
Chai nước C2 mà anh Phong đang giữ được cho là nổi váng có hình nấm.
Chai nước C2 mà anh Phong đang giữ được cho là nổi váng có hình nấm.

Thừa nhận sản phẩm lỗi

Ngày 31/3, đại diện cho nhà sản xuất chai nước C2 (Công ty TNHH URC Việt Nam) là ông Trần Sâm- bộ phận giám sát bán hàng đã đến làm việc với người tiêu dùng Phạm Hồng Phong.
Theo biên bản đã được lập cùng ngày thì đại diện nhà sản xuất đã xác nhận chai nước trên là do mình sản xuất, có hạn sử dụng từ ngày 12/4/2014 và hết hạn vào ngày 12/4/2015. Biên bản ghi rõ là: Sản phẩm bị đóng cặn ở trên chai, màu vàng đậm.
Văn bản này cũng ghi rõ là theo quy trình, Công ty URC mong muốn nhận lại sản phẩm lỗi rồi về phân tích nguyên nhân rồi trả lời khách hàng bằng văn bản.
Tại văn bản này cũng cho thấy người tiêu dùng đã đồng ý giao sản phẩm lỗi là chai nước C2 nổi váng cho đại diện Công ty để Công ty phân tích nguyên nhân và trả lời rõ cho người tiêu dùng vào ngày 10/4/2015.
Trả lời câu hỏi với báo chí vì sao sau trong thời gian khá lâu, nhà sản xuất không giải quyết dứt điểm vụ việc, và chỉ quay lại giải quyết khi cơ quan truyền thông lên tiếng? Ông Nguyễn Phước Quý Trường- Đại diện truyền thông Công ty TNHH URC Việt Nam cho biết là: Trước khi báo chí thông tin, Công ty cũng đã có 3 lần gặp gỡ khách hàng nhưng không thành công. Mới đây, thông tin được đưa lên báo chí trách nhiệm của Công ty vẫn tiếp tục thực hiện. 
“Hiện nay khách hàng Phong đã giao mẫu. Công ty luôn luôn muốn cộng tác với người tiêu dùng để giải quyết những thắc mắc. Về mặt nguyên tắc, tất cả Công ty kinh doanh trên thị trường đôi khi sẽ có những sản phẩm lỗi, nhưng lỗi do đâu thì còn phải phân tích, lỗi có thể do Công ty hoặc do lưu hành trên thị trường. Công ty phải phân tích mẫu thì mới có thể có câu trả lời chính thức được”- ông Nguyễn Quý Phước Trường nói.
Chai nước C2 mà anh Phong đang giữ được cho là nổi váng có hình nấm.
   Chai nước C2 mà anh Phong đang giữ được cho là nổi váng có hình nấm.
“Đánh mất” bằng chứng
Tại văn bản đã ký giữa đại diện Công ty URC Việt Nam và người tiêu dùng cho thấy không có sự làm chứng của cơ quan chức năng: Hội bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng tỉnh Hà Tĩnh, đại diện Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh mà chỉ có đại diện nhà sản xuất, người tiêu dùng và một người làm chứng.
Chiều ngày 1/4 trao đổi với phóng viên, ông Trần Đình Hồng- Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng tỉnh Hà Tĩnh cho biết là: Hội không nắm được thông tin về việc đại diện nhà sản xuất chai nước C2 đã gặp người tiêu dùng và thu hồi mẫu sản phẩm. “Hội không nhận được thông tin báo cáo về việc này”- ông Hồng nói.
Luật sư Nguyễn Văn Tú- Đoàn Luật sư Bắc Giang khi phân tích về việc người tiêu dùng trao sản phẩm lỗi cho nhà sản xuất về kiểm định thì xẩy ra các tình huống thiệt cho người tiêu dùng. Đó là việc để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho người dân, Nhà nước, pháp luật đã có quy định rất rõ, chi tiết về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nhà sản xuất. Nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm cung cấp sản phẩm an toàn, không gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Nếu nhà sản xuất cung cấp sản phẩm được chứng minh là gây nguy hại cho người tiêu dùng thì cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Theo luật sư Tú thì khi phát hiện ra sản phẩm lỗi cá nhân người tiêu dùng phải đứng trên quyền lợi chung của cộng đồng người tiêu dùng, nên trình báo vụ việc choc ơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước, yêu cầu các cơ quan hữu trách cùng nhà sản xuất hàng hóa có lỗi niêm phong, trưng cầu giám định ở một cơ quan có chuyên môn, độc lập để xác định nguyên nhân gây lỗi, nguy cơ đe dọa sức khỏe người tiêu dùng từ lỗi gây ra. Từ đó mới có kết quả khách quan để xử lý theo quy định, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của cá nhân cũng như cộng đồng người tiêu dùng. 
Cũng theo luật sư này phân tích thì trong trường hợp này cá nhân người tiêu dùng sẽ đuối lý và không còn căn cứ để thực hiện các bước khiếu nại tiếp theo bởi bằng chứng duy nhất là sản phẩm lỗi đã trao lại cho nhà sản xuất. “Nếu có tiếp tục khiếu nại thì phần thiệt sẽ thuộc về khách hàng vì bằng chứng là sản phẩm lỗi khách hàng không còn giữ, bởi vì đánh giá về nguyên nhân lỗi, tác hại đến sức khỏe con người do sản phẩm lỗi có thể gây ra không không phải của cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn về thực phẩm, y tế mà là đến từ nhà sản xuất.”
Như Báo PLVN đã thông tin trước đó, anh Phạm Hồng Phong, trú tại phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: khoảng tháng 5/2014, hôm đó đang trên đường đi làm về, anh Phong có ghé qua một cửa hàng tạp hóa bên đường mua một lốc (loại 6 chai) nước giải khát C2 hương chanh 360ml, hạn sử dụng từ 12/4/2014 đến 12/4/2015 – sản phẩm do Công ty TNHH URC Việt Nam sản xuất. Khi sử dụng đến chai thứ ba anh thấy chai nước có hiện tượng lạ, nổi váng hình nấm trong khi nắp chai vẫn còn nguyên. 
Nghi ngờ chất lượng sản phẩm, anh Phong không mở nắp sử dụng mà để nguyên và thông tin đến nhà sản xuất theo số điện thoại ghi trên bao bì sản phẩm. “ tôi có gọi ra Hà Nội vài ba lần nhưng không có người giải quyết nên tôi gọi tiếp vào Sài Gòn thì liên hệ được với người đại diện Công ty”- anh Phong bức xúc cho biết.
Anh Phong bức xúc chia sẻ là bản thân đã từng đặt câu hỏi với phía Cty URC rằng:  “ nếu khách hàng – người tiêu dùng làm hại uy tín của Công ty thì Công ty có khởi kiện, bắt bồi thường danh dự không? Ngược lại với câu hỏi đó của tôi, khi Công ty đưa ra sản phẩm làm hại khách hàng thì Công ty có bồi thường chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đó không?”.

Đọc thêm