Dấu ấn công nghiệp văn hóa Hà Nội
Năm 2023, hai đêm diễn của nhóm nhạc BlackPink tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, thu hút một lượng lớn khách du lịch. Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong hai đêm diễn của BlackPink tại sân vận động Mỹ Đình, khoảng 170.000 khách đã đến Hà Nội, trong đó khách quốc tế đạt hơn 30.000 lượt. Khoảng 65% khách quốc tế có lưu trú, chủ yếu từ các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Australia. Các hoạt động du lịch tại Hà Nội hưởng lợi lớn trong hai đêm diễn của Blackpink, tổng thu từ du khách ước đạt 630 tỷ đồng.
Cùng với đó, Sở Du lịch Hà Nội ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm, trong đó có show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” (huyện Quốc Oai); Tour thăm quan Di tích nhà tù Hỏa Lò (quận Hoàn Kiếm); Không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội; Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; Không gian văn hóa phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ; Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây; Khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận Ba Đình; Không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận, quận Hai Bà Trưng (giai đoạn 1); Rối nước Thăng Long, Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm)….
Một trong những dấu ấn sôi nổi là Lễ hội “Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023” diễn ra vào dịp cuối tháng 11/2023 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và hàng loạt địa điểm khác trên thành phố đã để lại dấu ấn chưa từng có. Chỉ trong 12 ngày, 250.000 du khách đã tham quan Lễ hội qua hơn 60 hoạt động vô cùng hấp dẫn. Sự kiện cũng tạo nên sự kết nối chặt chẽ trong lĩnh vực sáng tạo với 200 kiến trúc sư, nghệ sĩ... cùng tham gia, tạo nên hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng sáng tạo.
Đánh giá về sự thành công của Lễ hội, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho biết: “Với một không gian di sản rộng như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Lễ hội có thể vươn tầm quốc tế chứ không đơn thuần là của một thành phố. Tuy nhiên, với những gì đang bắt đầu…, chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai sáng hơn về những không gian sáng tạo của thành phố từ những di sản công nghiệp như thế này”.
Năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đóng góp khoảng 1,49 tỉ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội. Tổng doanh thu trực tiếp từ làng nghề truyền thống và các làng có nghề của Hà Nội đạt khoảng 983,5 triệu USD năm 2018 (với tổng số gần 1 triệu lao động trực tiếp; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ đạt cũng 192 triệu USD (chiếm tỷ trọng 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hà Nội).
Năm 2023, Hà Nội đón 21 triệu lượt khách, trong đó có gần 4 triệu lượt khách quốc tế (vượt kế hoạch năm), tăng 3,5 lần so với năm 2022 và 17,1 triệu lượt khách nội địa, tăng 19,1%. Tổng thu từ du lịch ước đạt 76,3 nghìn tỉ đồng, tăng 66,9% với cùng kỳ năm trước và Hà Nội tiếp tục được công nhận Điểm đến du lịch Thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Cơ cấu kinh tế Thủ đô chuyển dịch nhanh chóng theo hướng gia tăng nhanh các ngành dịch vụ lên đến 65,13%, GRDP của Thủ đô tăng trưởng khá, bình quân đạt 6,7%/năm, gấp 1,43 lần so với cả nước.
Trong năm 2023, Hà Nội đã tổ chức hơn 2.000 sự kiện, hoạt động, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của Thủ đô. Hà Nội đang tiến tới đạt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm CNVH hàng đầu của cả nước.
Các lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo; phát thanh truyền hình cũng được tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động. Đối với lĩnh vực xuất bản, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của xuất bản trong chiến lược phát triển ngành CNVH Thủ đô Hà Nội với thành công của Hội Sách Hà Nội, Phố Sách Hà Nội.
Để Hà Nội trở thành đô thị CNVH hàng đầu
|
CNVH thúc đẩy phát triển du lịch Hà Nội. (Ảnh: PV) |
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, kinh nghiệm bước đầu của Hà Nội đầu tiên phải kể đến là nhận thức của chính quyền về vai trò của phát triển CNVH. Đây là điều kiện đóng vai trò quyết định.
Bên cạnh đó, là cơ chế, chính sách, môi trường cho hoạt động sáng tạo để thu hút các tổ chức, cá nhân, nghệ sĩ, DN và người dân tham gia vào thực hành sáng tạo, lựa chọn những ngành nghề, lĩnh vực địa phương mình có lợi thế nhất để tập trung đầu tư, tạo nền tảng tiền đề cho các ngành nghề, lĩnh vực khác. Cùng với đó, tranh thủ kinh nghiệm, sự tư vấn, hợp tác, trao đổi, giúp đỡ ủng hộ của các tổ chức quốc tế để phát triển CNVH. Đặc biệt, quan tâm xây dựng và phát triển thế hệ công dân sáng tạo ngay từ trong nhà trường bằng nội dung, chương trình, phương pháp phù hợp.
Đáng nói, với việc Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước có một Nghị quyết chuyên đề về phát triển CNVH. Quá trình phát triển CNVH là cả chặng đường dài. Để thành công, cần có sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc, đồng lòng của người dân. Những dấu ấn đạt được trong năm 2023 ở nhiều lĩnh vực được kỳ vọng sẽ là tiền đề để CNVH của Thủ đô phát triển hiệu quả, sáng tạo hơn trong năm 2024.
CNVH được Chính phủ xác định bao gồm 12 lĩnh vực: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.
Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành CNVH Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đến năm 2030, Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành CNVH phát triển hàng đầu, có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các TP trong khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu doanh thu từ các ngành CNVH đóng góp khoảng 8 - 10% GRDP của Thủ đô.
Có thể thấy, thế mạnh của Hà Nội để phát triển CNVH không chỉ là “vốn” di sản văn hóa giàu có, mà còn có nguồn lực con người to lớn, với trên 51,7% dân số trẻ, tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước với hơn 70% trường đại học, trung tâm nghiên cứu, học viện; số nhà khoa học đầu ngành, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước; 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nằm trên địa bàn; có 2 khu công nghiệp công nghệ cao, hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, nghệ thuật, văn hóa, thời trang, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 6.000 USD/người/năm, tầng lớp trung lưu tăng nhanh,…
Bên cạnh đó, với vị thế là Thủ đô, Hà Nội còn có thế mạnh là trung tâm lớn về khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế. Có mối quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô các nước, quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ… Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển, là thị trường rộng mở để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ ngành CNVH.
Tuy nhiên, để phát triển CNVH bền vững, không thể thiếu sản phẩm CNVH. Tại một hội thảo về ẩm thực CNVH, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn văn hóa - xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho biết: Sản phẩm CNVH phải có tính nghệ thuật, độc đáo, hấp dẫn. Từ đó, các cơ quan, đơn vị chức năng xây dựng Bộ tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ CNVH Thủ đô.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, người sáng lập và tổng đạo diễn Monsoon Music Festival - thương hiệu nghệ thuật của Hà Nội, các sản phẩm văn hóa của Hà Nội hiện nay đứng trước nhiều khó khăn để trở thành sản phẩm CNVH. Ở các quốc gia có CNVH phát triển, mỗi sản phẩm văn hóa đều được đầu tư, chuẩn bị trong 3 - 5 năm, trong khi ở Hà Nội, nhiều sản phẩm chỉ được dành vài ngày hoặc vài tháng là ra mắt.
Đơn cử, ẩm thực Hà Nội từ xưa đến nay luôn có sự phong phú, đa dạng và tinh tế. Khắp phố phường, ở đâu cũng có thể thấy những món ăn, đặc sản gắn liền với mảnh đất Hà thành: phở Lý Quốc Sư, phở Thìn…; bún ốc hồ Tây, Hàng Khoai; bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, giò chả Ước Lễ, giò chả Chèm - Vẽ…
Hà Nội cũng có những tuyến phố ẩm thực được nhiều người biết đến như Tạ Hiện, Mã Mây, Đồng Xuân, Cầu Gỗ, Cấm Chỉ, Tống Duy Tân... Có những đặc sản bắt nguồn từ mảnh đất Tràng An. Có những đặc sản xuất xứ từ địa phương khác nhưng được người Hà Nội chế biến theo phong cách của mình, bởi thế những đặc sản này có hương vị riêng, chuyển tải nét văn hóa riêng có của Hà Nội.
Những năm gần đây, Hà Nội nhiều lần được các cơ quan truyền thông lớn, những diễn đàn du lịch danh tiếng trên thế giới vinh danh là nơi có nền ẩm thực đặc sắc hàng đầu thế giới cũng như châu lục. Đó là cơ sở để Hà Nội phát huy giá trị ẩm thực trong phát triển CNVH. Tuy nhiên, việc khai thác ẩm thực trong phát triển CNVH chưa xứng với tiềm năng và còn nhiều vấn đề đặt ra để phát huy những giá trị ẩm thực Hà thành. Trong đó là vai trò của những nghệ nhân, những đầu bếp trong lưu giữ, trao truyền để mỗi người dân, khách du lịch hiểu được nét đẹp, thưởng thức những nét đẹp của ẩm thực Hà thành…
Thực tế, đã có một Hà Nội vô cùng năng động và sáng tạo. Thành phố xen lẫn giữa cổ xưa và hiện đại, giũa trầm tích văn hóa ngàn năm tuổi và cuộc sống nhiều màu sắc đang đổi thay mỗi ngày. Bởi thế, Hà Nội, trái tim của cả nước, là đô thị về CNVH hàng đầu cả nước sẽ là đích đến không xa…
Năm 2024, Hà Nội sẽ xác định vùng, quận, huyện có sẵn lợi thế, tiềm năng, tài nguyên để tập trung đầu tư, phát triển ngành CNVH phù hợp, phấn đấu các ngành CNVH đóng góp khoảng 5% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố; tiếp tục rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách, quy hoạch cho lĩnh vực văn hóa để kịp thời giải quyết vướng mắc, nhất là khi Luật Thủ đô được thông qua và có hiệu lực.