Có một nơi để trở về…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ai đó từng thốt lên: “Mẹ sinh con là gái/Mỏng manh như tơ trời”… Dù cuộc sống hôm nay, các cô gái đều có cuộc sống hôn nhân theo tình yêu tưởng như đẹp đẽ. Thế nhưng, biến cố là những ẩn số không ai biết trước. Và khi ấy, nếu không may mắn trong cuộc đời, thật ấm lòng khi họ có một nơi để trở về, bên những thương yêu của cha mẹ mình…
Cảnh trong phim Câu chuyện hoa hồng. (Ảnh: Kphim)
Cảnh trong phim Câu chuyện hoa hồng. (Ảnh: Kphim)

Phía sau “cơn sốt” “Câu chuyện hoa hồng”

Mùa hè năm nay, “Câu chuyện hoa hồng” có thần tiên tỉ tỉ Lưu Diệc Phi đóng vai nữ chính Hoàng Diệc Mai đã tạo nên “cơn sốt” khắp các diễn đàn và mạng xã hội. Diệc Mai xuất thân từ gia đình tri thức với bố mẹ đều là Giáo sư và anh trai luôn hết mực yêu thương. Diệc Mai được gọi với tên thân mật là “Rose” (Hoa Hồng).

Câu chuyện trải dài 20 năm cuộc đời của Hoàng Diệc Mai - cô gái xinh đẹp, có học thức, tài năng nghệ thuật, song cuộc đời luôn là những thử thách. Những thước phim lần lượt kể lại hành trình từ khi Hoàng Diệc Mai còn là cô gái ở tuổi đôi mươi cho tới khi lập gia đình, sinh con, ly hôn rồi trải qua một vài chuyện tình cảm ở từng giai đoạn trưởng thành, chữa lành của cô.

Người yêu đầu tiên của cô - Quốc Đống lịch thiệp, tài hoa, sự nghiệp vững vàng, thế nhưng anh luôn coi tình yêu của cô là sự đương nhiên, sẽ luôn ở đó, không cần vun vén, nâng niu. Và Quốc Đống lựa chọn đi xa phát triển sự nghiệp mà không báo trước với cô. Thế rồi, khi cô từng chấp nhận yêu xa, ngồi máy bay hơn 10 tiếng đến Paris chỉ để ôm anh vì dòng tin nhắn “Anh nhớ em quá rồi”. Nhưng đổi lại, niềm mong mỏi được bạn trai quan tâm và nâng niu nhiều hơn của cô không được hồi đáp. Cô xếp sau những mục tiêu sự nghiệp của anh… Cô trở về, đau khổ, vật vã sau mối tình đầu ngắn ngủi và quyết định chia tay trong sự ngỡ ngàng của bạn trai…

Thời điểm này, công việc của cô với vai trò là một trợ lý giám tuyển đang rất tốt, nhưng cô đã dừng lại để đi học Tâm lý, vì cô thấy cần chữa lành cho chính mình và những điều cô chưa biết cần khám phá. Và tại thời điểm đi học thạc sỹ này, cô đã gặp Phương Hiệp Văn, người đã có chủ đích đến bên cô ngay khi nhìn thấy cô. Sau hai năm bạn bè, ba năm tình yêu, họ làm đám cưới. Cuộc sống hôn nhân ngột ngạt ngay khi bắt đầu, bởi trước đó khi yêu anh luôn lựa theo mọi ý của cô. Nhưng khi cưới xong, môi trường sống giữa một tiểu thư trí thức và một người mẹ chồng rảnh việc ở quê lên cùng sự gia trưởng của Hiệp Văn dần bộc lộ…

Cô quyết định ly hôn khi biết chồng không có ý định cho cô đi làm trở lại sau 4 năm nuôi con nhỏ. Dẫu cô đã góp hết mọi vốn liếng cho chồng mở công ty, phát triển sự nghiệp nhưng cô cũng không màng tới, ngoài cô con gái nhỏ Tiểu Sơ của cô. Người chồng chỉ muốn nhốt cô trong nhà, trong khi cô là một phụ nữ đầy đam mê, sáng tạo và không ngừng học…

Sau đó trở lại với phòng tranh, với công việc giám tuyển, tưởng như hạnh phúc mỉm cười khi cô gặp được tri kỉ Phổ Gia Minh thì anh lại sớm qua đời vì bệnh tim... Nhiều năm tháng sau này cô lựa chọn cùng con gái ở bên bố mẹ. Mối tình đầu và chồng cũ đều không hiểu tại sao cô rời bỏ họ và đều ngỏ ý chờ đợi cô trở lại. Nhưng cô đã từ chối tất cả, bởi tình yêu của cô với họ đã kết thúc ở thời điểm mà cô quyết định dừng lại…

Từng đau đớn, mất mát đều được Hoàng Diệc Mai đối diện với cái nhìn thẳng thắn, trực diện và nhẹ nhàng. Cũng nhờ tâm thế ấy mà cô có thể đứng lên sau mọi khổ đau. Và điều đáng nói, cô luôn có sự đồng hành của người cha hiền từ, người mẹ nghiêm khắc, người anh trai coi em gái là ưu tiên số một, sau này thêm cả người chị dâu thấu hiểu, sẻ chia. Dẫu trước đó cuộc hôn nhân với Phương Hiệp Văn từng tạo nên khoảng cách giữa Hoa Hồng với gia đình.

Không phải vì con gái “xuất giá tòng phu”, cũng không phải vì khoảng cách địa lý xa xôi mà chính sự khác biệt về suy nghĩ, lối sống giữa nhà họ Phương và gia đình Hoa Hồng mới là thứ khiến đôi bên không có chung tiếng nói. Sau cùng, hôn nhân có thể tan vỡ, bạn đời có thể thay đổi, duy nhất tình thân máu mủ là bất di bất dịch. Bố mẹ, người nhà chưa chắc là những người ta gặp mỗi ngày, nhưng sẽ luôn ở đó khi ta cần.

Giống như những gia đình có con gái khác, bố mẹ của Diệc Mai luôn mong con gái có một cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Họ sẵn sàng ủng hộ con gái bất kể con họ có làm trái ý họ hay có những quyết định riêng trong cuộc đời mà họ thấy không phù hợp như khi lấy Khương Hiệp Văn hay khi cùng Phổ Gia Minh chiến đấu với bệnh tật trong những ngày cuối cùng... “Có một số việc, không có đúng sai, cũng không có tiêu chuẩn, ví dụ như tình cảm. Tình cảm nó giống như bức tranh của con, tuy bố không hiểu nhưng bố tôn trọng sự biểu đạt của con”, cha Diệc Mai nói với con gái.

Đặc biệt, câu nhắn nhủ thấu hiểu cha mẹ dành cho Diệc Mai cũng khiến nhiều cô gái trẻ sắp bước vào đời hay đón nhận tình yêu cảm động: “Trong tình yêu hay trong công việc, dù thế nào đi chăng nữa, đừng khiến bản thân bị tổn thương”.

Diệc Mai không chỉ chăm sóc con tinh tế mà còn biết cách bồi đắp nhân cách và tâm hồn Tiểu Sơ vô cùng tuyệt vời. Có lẽ cũng vì thế, dù chứng kiến cha mẹ chia tay khi mới 4 tuổi, cô bé Tiểu Sơ vẫn lớn lên với tâm hồn lạc quan và hiểu chuyện vô cùng. Khi thấy mẹ học cả lái máy bay ở tuổi 40, Tiểu Sơ đã hỏi Diệc Mai: “Sao mẹ học lái máy bay làm gì? Sao mẹ không giống mẹ các bạn, mọi điều với mẹ luôn nhẹ nhàng?”. Diệc Mai trả lời: “Mẹ học lái máy bay vì thích. Và để làm mọi điều mình thích, để được tự do thì phải học. Mẹ không bắt con phải làm những gì mẹ không có, nhưng con cần học để được tự do…”.

Hãy dành một căn phòng cho con gái

Ở nhiều góc độ, việc phụ nữ tìm được tự do trong tình yêu, trong hôn nhân không hề là điều dễ dàng... Bạn tôi kể, lúc mẹ cô ấy ly hôn có nói với cô ấy một câu: “Một đời quá dài”…

Cô ấy nói: Mẹ tôi là kiểu phụ nữ có xuống lầu đổ rác cũng phải ăn mặc chỉnh tề. Lúc tôi 12 tuổi, mẹ và ba ly hôn, cũng bởi vì ba ném tàn thuốc vào chậu lan mẹ trồng, nhiều lần mẹ nói cũng vô ích. Bạn bè khuyên nhủ, mẹ chỉ nói một câu: “Anh ấy rất tốt, chỉ là không hợp đi cùng nhau nữa”.

Ở đâu có cha mẹ, ở đó là nhà. (Ảnh minh họa: H.A)

Ở đâu có cha mẹ, ở đó là nhà. (Ảnh minh họa: H.A)

Bà ngoại mắng mẹ bởi trong mắt bà, con rể Anh Tuấn, cao lớn, có thể kiếm tiền, hiếu thuận lo cho gia đình. Ngược lại là con gái tùy hứng, không chịu nghĩ đến cảm nhận của con cái và cha mẹ. Mẹ cũng rất khó giải thích cho bà rằng ba không thích tắm rửa, quần áo bít tất ném loạn, ăn cơm như hổ đói, không nhớ được sinh nhật của mẹ, không nhớ những ngày kỉ niệm - sao có thể xem như khuyết điểm đây, đàn ông đều có thể như thế này sao?

Tôi nhớ rất kỹ lúc mẹ mang theo tôi rời nhà, từng chảy nước mắt nói với tôi: “Hy vọng con có thể hiểu cho mẹ, cả một đời quá dài”. Lúc tôi 16 tuổi, ba dượng xuất hiện, vóc dáng ba không cao, tướng mạo bình thường, nhưng cả người sạch sẽ, khoan khoái, nhẹ nhàng. Ba sẽ vì mẹ mà thay đổi những chậu hoa xinh đẹp, sẽ mua khăn trải bàn màu xanh nhạt hợp với bát đũa mới, sẽ vì mẹ mua một đôi giày da trắng sữa hợp với chiếc đầm đỏ của mẹ, sẽ thay mấy cái móc khóa đáng yêu cho tôi…

Mẹ thích tìm tòi sách dạy nấu ăn, mỗi lần mẹ long trọng làm món mới, ba dượng sẽ kéo tôi lại ngồi ngay ngắn, sẽ bắt chước những giám khảo và bắt đầu nhận xét về màu sắc và mùi thơm trong ánh mắt mong chờ của mẹ…

Có một lần mẹ bệnh phải nằm viện, tôi đến chăm liền thấy trên đầu giường đặt một bó bách hợp, hoa quả cắt thành miếng nhỏ đặt trong bát sứ màu xanh nhạt. Ba dượng ngồi bên giường, đọc sách cho mẹ nghe. Rốt cuộc tôi cũng hiểu rõ câu nói kia: “Cả một đời quá dài”… Cả một đời quá dài - nên không muốn tạm bợ. Nếu người và người ở cùng nhau, chỉ vì cuộc sống, mà trong cuộc sống không có kỳ nghỉ, không có vui vẻ, không có cảm động, không có lãng mạn thì cuộc sống đó vô cùng mệt mỏi…

Và hôn nhân có rất nhiều điều vô hình, hữu hình như thế với những góc nhìn khác nhau. Dẫu cho trước đó, mỗi cô gái nhỏ đều là công chúa nhỏ của cha mẹ. Thậm chí khi yêu, như người mẫu nổi tiếng Châu Bùi, cô từng bị bạn trai đánh mắng, nhưng vì còn trẻ, cô chịu đựng và nghĩ người yêu thì có quyền như thế…

Theo thời gian, con gái cuối cùng sẽ rời khỏi gia đình để lập ra gia đình của riêng mình. Dù cha mẹ có nghìn sự lưu luyến, họ chỉ có thể chọn cách buông tay và chúc phúc, vì cuộc đời của con vẫn phải do chính con tự quyết định.

Tuy nhiên, tình yêu của cha mẹ không kết thúc khi con gái có cuộc sống mới. Họ vẫn sẽ lo lắng về hạnh phúc của con, liệu con có gặp phải sự khó chịu từ mẹ chồng hay không, liệu có phải đối mặt với những vấn đề trong tình cảm vợ chồng và có thể sống vui vẻ trong gia đình mới hay không?... Những lo lắng này là không thể tránh khỏi, vì hôn nhân không phải là “kết thúc”, mà cần phải được chăm sóc và nâng niu. Bởi thế, nếu không được như ý, nếu đã hết sức chịu đựng, điều an ủi còn lại của những cô gái nhỏ ngày nào là luôn có cha mẹ ở đó. Họ có thể trở về trong an yên, chữa lành sau những đớn đau…

Như lời khuyên của nhà văn Trung Quốc nổi tiếng đạt giải Nobel Văn học - Mạc Ngôn: “Dù có làm thông gia với ai, nhất định phải chủ động chuẩn bị cho con gái bạn hai con đường dự phòng, đó mới là sự thông minh thực sự!”…

Đọc thêm