Ở góc độ pháp luật, Nghị định 82/2006/NĐ-CP quy định xác nhận bằng văn bản này của cơ quan khoa học CITES chính là một trong những điều kiện tiên quyết để đăng ký gây nuôi các loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý hiếm như tê tê. Mặt khác, trong thực tế hiện nay chưa có ví dụ thực tiễn về việc tê tê phù hợp với môi trường sống nuôi nhốt phục vụ phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, quan điểm phía Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cho rằng cấp phép cho các trang trại gây nuôi ĐVHD nguy cấp, quý hiếm là việc của Kiểm lâm, còn loài vật đó có sống tốt, sinh sản được trong môi trường nuôi nhốt hay không thì cơ quan CITES phải tự xem xét và chủ động xác nhận. Nói về vấn đề này, bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc phụ trách Chương trình Chính sách và Pháp luật của ENV cho rằng, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cần dừng việc cấp phép mới và thu hồi lại những giấy ghép đã cấp cho các cơ sở gây nuôi thương mại tê tê để ngăn chặn được nạn săn bắt, buôn bán, hợp pháp hóa tê tê qua các trang trại và bảo vệ loài ĐVHD bị buôn lậu nhiều nhất trên thế giới khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Được biết, liên quan đến những nguy cơ từ việc gây nuôi thương mại và buôn bán ĐVHD tới quần thể ĐVHD trong tự nhiên, ngày 27/7 tới, ENV sẽ tổ chức họp báo “Gây nuôi thương mại và buôn bán ĐVHD nguy cấp quý hiếm - Con đường dẫn đến sự tuyệt chủng.” Đây là kết quả của một cuộc khảo sát trên quy mô lớn về tình trạng gây nuôi thương mại ĐVHD ở Việt Nam đã được ENV tiến hành nghiên cứu từ năm 2014, với hy vọng sẽ là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách cân nhắc sửa đổi một cách hợp lý những thể chế, chính sách về gây nuôi thương mại và buôn bán ĐVHD.