Năm 2009, thông qua mối quan hệ xã hội, bà Lưu Thị Phương và bà Bùi Thị Hạnh (cùng trú tại phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) đặt vấn đề mua đất của bà Nhung tại thôn 8, xã Thạch Hòa (Thạch Thất, Hà Nội) với giá 100 triệu đồng/m mặt đường (Đại lộ Thăng Long).
Đến ngày 18/11/2009, bà Phương và bà Hạnh đã đến nhà bà Nhung giao tiền và ký giấy tờ mua bán. Bà Phương giao 400.140.000 đồng, bà Hạnh giao 430.140.000 đồng (bao gồm tiền mua 4m đất và tiền thuế, chi phí làm giấy tờ). Hai bên cùng ký hợp đồng mua bán đất ở có sự chứng kiến của ông Cấn Văn Hồng (anh trai bà Nhung) và ông Trần Quyết Tiến.
Theo trình bày của bà Phương thì trước khi ký kết hợp đồng, bà đã được bà Nhung, ông Hồng và Tiến giới thiệu là chủ đất; nguồn gốc đất là do Nông trường quân đội 1A giao cho gia đình bà Nhung, ông Tiến trực tiếp sử dụng. Bà Nhung cam kết đất có nguồn gốc rõ ràng, không tranh chấp, không nằm trong quy hoạch, sẽ làm được sổ đỏ và bên bán có trách nhiệm sẽ làm sổ đỏ cho bên mua. Chính vì có sự cam kết này nên bà Phương, bà Hạnh mới tin tưởng giao tiền, mua đất.
Chờ mãi không thấy bà Nhung giao đất và làm sổ đỏ, bà Phương và bà Hạnh mới cất công đi tìm hiểu thì biết rằng diện tích đất mà mình mua của bà Nhung nằm trong diện tích đất mà UBND tỉnh Hà Tây (nay là TP.Hà Nội) có quyết định thu hồi đất, giao cho Trung tâm Dạy nghề Forward sử dụng từ năm 2007.
Biết mình bị lừa đảo, bên mua đất nhiều lần đến nhà gặp Nhung đòi tiền nhưng không được nên đã làm đơn tố cáo đến Công an (CA) huyện Thạch Thất.
Qua xác minh, Cơ quan CSĐT CA huyện Thạch Thất cho rằng, bà Cấn Thị Tuyết Nhung đã biết mảnh đất trên nằm trong quy hoạch dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Dạy nghề Forward, không thể làm được sổ đỏ. Giấy giao đất bà Nhung hứa làm cho bà Phương và bà Hạnh là giấy tờ giả nhưng đã đưa ra những thông tin sai sự thật và hứa hẹn làm sổ đỏ để đánh lừa bà Phương, bà Hạnh để bán đất.
Cơ quan CSĐT CA huyện Thạch Thất nhận thấy hành vi nêu trên của bà Nhung có dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (quy định tại Điều 139 BLHS) nên đã có văn bản đề nghị VKSND huyện Thạch Thất nghiên cứu hồ sơ và có quan điểm để Cơ quan CSĐT khởi tố, điều tra xử lý theo pháp luật.
Không hiểu VKSND huyện Thạch Thất có quan điểm cụ thể như thế nào mà đến ngày 23/10/2013, Cơ quan CSĐT CA huyện Thạch Thất đã có Thông báo với nội dung: “Căn cứ vào tài liệu điều tra, Cơ quan CSĐT CA huyện Thạch Thất tiến hành họp bàn với VKSND huyện Thạch Thất về đường lối giải quyết và đã thống nhất vụ việc trên là quan hệ pháp luật dân sự, không có dấu hiệu tội phạm”.
Đáng nói là, phải hơn 1 năm sau, đến ngày 26/11/2014 thì bà Phương, bà Hạnh mới biết được Thông báo trên và trực tiếp nhận tại Cơ quan CSĐT CA huyện Thạch Thất (cơ quan này cho biết “đã gửi qua bưu điện”).
Ngay sau đó, hai “khổ chủ” đã có đơn khiếu nại Thông báo không khởi tố trên và cho rằng CQĐT đã bỏ lọt tội phạm đối với bà Cấn Thị Tuyết Nhung và hai người giúp sức là ông Cấn Văn Hồng, ông Trần Quyết Tiến. Ngoài việc gian dối khi đưa ra cam kết đất hợp pháp thì những người này còn củng cố lòng tin của bị hại bằng cách bịa ra việc phải làm giấy giao đất của Nông trường; phải nộp thuế từ năm 2005 đến năm 2009, rồi giả mạo giấy giao đất của Nông trường… Đến nay, đã gần 8 tháng trôi qua, Cơ quan CSĐT CA huyện Thạch Thất và VKSND huyện Thạch Thất vẫn không có văn bản trả lời giải quyết theo quy định.
Khó hiểu ở chỗ, tại sao khi thấy có dấu hiệu hình sự, Cơ quan CSĐT CA huyện Thạch Thất không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự mà lại phải “xin” quan điểm của Viện kiểm sát? Từ đó có chuyện “tiền hậu bất nhất”, gây nghi ngờ về sự thiếu khách quan trong quá trình giải quyết vụ việc này? Câu hỏi này đang chờ sự lý giải của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Thạch Thất và TP.Hà Nội./.